Hé lộ đặc quyền đáng chú ý của Tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp có 3 loại đặc quyền mà không một nguyên thủ nào khác ở châu Âu có, bao gồm quyền một mình quyết định việc sử dụng vũ khí nguyên tử; đàm phán các hiệp định quốc tế và là người đứng đầu phái đoàn Pháp trong các cuộc gặp quốc tế; toàn quyền giải tán Quốc hội sau khi trao đổi, tham khảo ý kiến của Thủ tướng.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Những quyền hành quan trọng

Vào ngày 10/4 tới, 48 triệu cử tri tại Pháp sẽ tham gia vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống, bầu ra nguyên thủ của đất nướctrong số 12 ứng cử viên. Vòng 2 của cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày 24/4/2022. Trong bối cảnh cuộc bầu cử đang ngày càng đến gần, dư luận cũng rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến Tổng thống Pháp, bao gồm thực quyền cũng như đặc quyền của nguyên thủ nước này.

Trong khối Liên minh châu Âu, có 12 trong số 21 Tổng thống được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp gồm: Pháp, Phần Lan, Ailen, Bồ Đào Nha, Áo, Ba Lan, Romania, Bulgary, Litva, Slovenia, Croatia và Cyprus. Phương thức bầu cử phổ thông đầu phiếu giúp cho các vị Tổng thống có tính chính đáng mà người dân trao cho họ.

Tuy nhiên, ở những nước đó, dù cũng được bầu ra với phương thức tương tự nhưng Tổng thống lại không có được nhiều quyền hành như Tổng thống Pháp.

Tổng thống Pháp được nắm rất nhiều thực quyền trong nhiệm kỳ 5 năm. Các quyền hành của nhân vật này được quy định rất rõ trong Hiến pháp được ban hành năm 1958.Phân tích cụ thể, Nghị sĩ Jean-Jacques Ladetcho biết, Tổng thống Pháp dưới góc độ triết học chính trị là người đại diện cho Nhà nước, là quyền lực của Nhà nước, đại diện cho tính liên tục của Nhà nước, sự tôn trọng Hiến pháp và tính độc lập dân tộc.

“Tổng thống có tầm chính trị quan trọng vì là người thúc đẩy dự án phát triển nước Pháp. Đó là lý do mà các ứng viên Tổng thống được yêu cầu phải cho công chúng biết dự án của họ cho đất nước. Để thực hiện dự án đó, cần có một Nghị viện mà đa số có cùng đường hướng chính trị với Tổng thống, để Chính phủ có thể thực hiện dự án do tổng thống đề xuất. Đó là lý do vì sao việc bầu cử lập pháp diễn ra gần như ngay sau bầu cử Tổng thống. Về nguyên tắc, bầu cử này chỉ là để Tổng thống nắm được đa số ở Nghị viện”, ông Ladet lý giải.

Theo vị nghị sĩ này, quốc phòng và ngoại giao là 2 lĩnh vực mà quyền hạn thuộc về riêng Tổng thống Pháp. Trong đó, về quốc phòng, Tổng thống Pháp là người nắm quyền kích hoạt vũ khí hạt nhân, với việc chủ trì Hội đồng Quốc phòng cấp cao, vốn có quyền quyết định toàn bộtừ đầu đến cuối quá trình kích hoạt vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Pháp cũng là người nắm toàn quyền về ngoại giao. “Chính Tổng thống là người đàm phán và phê chuẩn tất cả các hiệp ước quốc tế liên quan đến nước Pháp. Tổng thống cũng là người chỉ định các đại sứ Pháp ở nước ngoài. Có thể nói đó gần như là hai lĩnh vực chính mà quyền hạn là dành riêng cho Tổng thống”, ông Ladet cho hay.

Ngoài ra, Tổng thống Pháp còn có quyền bổ nhiệm Thủ tướng, ký ban hành luật và các sắc lệnh. Tổng thống của nước này cũng là người chủ trì Hội đồng Bộ trưởng, có thể đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý về một dự luật và có thể giải tán Hạ viện.

Những tình huống hãn hữu

Ngoài những đặc quyền dành riêng, Tổng thống Pháp cũng có tiếng nói nhất định trên những lĩnh vực mà nhân vật này phải chia sẻ quyền hạn, như việc bổ nhiệm Tỉnh trưởng, ký ban hành các pháp lệnh hayviệc ban hành lệnh ân xá. Trong những trường hợp này, ngoài chữ ký của Tổng thống Pháp, cần có chữ ký của Thủ tướng, hoặc các Bộ trưởng có liên quan.

Hiến pháp nước Pháp cũng quy định, trong những tình huống có mối đe dọa thực sự nghiêm trọng, ngay tức khắc, khẩn cấp, quan trọng đối với cả thể chế, nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ, Tổng thống Pháp có những quyền hạn đặc biệt.

“Trong những tình huống như vậy, Tổng thống sẽ nắm trong tay cả quyền lập pháp và quyền hành pháp. Đó là những quyền lực mạnh mẽ và được kiểm soát nghiêm ngặt, do Thủ tướng hay Chính phủ thiết lập với thời hạn 30 ngày. Hết 30 ngày đó, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện, hoặc một nhóm 60 nghị sĩ có thể một lần nữa triệu tập Hội đồng Bảo hiến để xem xét về tính hợp hiến của việc để Tổng thống tiếp tục nắm quyền hạn đặc biệt như vậy”, ông Ladet cho biết thêm.

Theo quy định, trong mọi trường hợp, thời gian để Tổng thống Pháp nắm cả quyền lập pháp và quyền hành phápđều không thể kéo dài quá 60 ngày. Đây cũng là tình huống rất hiếm khi xảy ra và trên thực tế, với nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, việc này mới chỉ xảy ra một lần vào năm 1961, khi xảy ra nguy cơ đảo chính của các tướng lĩnh ở Algerie.

Theo Nghị sĩJean-Jacques Ladet, trách nhiệm của Tổng thống Pháp dẫn đến việc nhân vật này được miễn trừ trách nhiệm và bất khả xâm phạm. Việc miễn trách nhiệm khiến Tổng thống Pháp không thể bị xử lý cả về hình sự, dân sự và hành chính, ngoại trừ hai tình huống, trong đó có tình huống liên quan đến tội ác chống loài người. Trong trường hợp đó, việc xử lý trách nhiệm của Tổng thống Pháp phụ thuộc vào Tòa Hình sự quốc tế.

Tổng thống cũng có thể bị phế truất trong trường hợp có sự vi phạm rõ ràng và không phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình hoặc khi làm những điều ngoài phạm vi chức năng, không tương xứng với chức vụ nhưng lại không thể bị xử lý về pháp lý.

Một trường hợp khác là khi Tổng thống gây bế tắc, cản trở thể chế, tức từ chối thực hiện mọi nhiệm vụ, từ việc ký các sắc lệnh cho đến chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng, từ chối thực hiện vai trò Tổng thống. Khi đó, Hạ viện và Thượng viện Pháp có thể đề xuất bãi nhiệm tổng thống.

Trong tình huống này, Quốc hội Pháp sẽ nhóm họp tại Tòa án Tối cao. Quyết định bãi nhiệm Tổng thống sẽ được thông qua nếu có 2/3 số người tham gia biểu quyết ủng hộ việc bãi nhiệm như vậy. Tuy nhiên, ở nền Đệ ngũ Cộng hòa của Pháp, cho đến,tình huống này chưa từng xảy ra.

Liên quan đến câu hỏi về quyền lãnh đạo đất nước trong trường hợp Tổng thống Pháp không may qua đời khi đương nhiệm hoặc không đủ sức khỏe thể chất và tinh thần để lãnh đạo đất nước, hoặc từ chức, Nghị sĩ Ladet cho hay, tình huống này đã xảy ra 2 lần. Lần thứ nhất là vào năm 1969, khi Tổng thốngCharles De Gaulle từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý cùng năm. Lần thứ hai là vào năm 1974, khi người kế nhiệm của ông de Gaulles là Tổng thống Georges Pompidou qua đời khi đương nhiệm.

Trong cả hai trường hợp này, theo quy định của Hiến pháp Pháp, Chủ tịch Thượng việntrở thành Tổng thống lâm thời của nước này. Nếu Chủ tịch Thượng viện vì một lý do nào đó không muốn làm Tổng thống lâm thời, Chủ tịch Hạ viện Pháp sẽ được kêu gọi đảm nhiệm vai trò đó.Trong hai tình huống nói trên, Chủ tịch Thượng viện Pháp khi đó là ông Alain Poher đã tạm nắm quyền trước khi Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đắc cử vào năm 1974.

Tuy nhiên, Tổng thống lâm thời không được nắm mọi quyền hành. Cụ thể, có 3 quyền hạn quan trọng mà Tổng thống lâm thời không được trao, bao gồm không thể quyết định tổ chức trưng cầu dân ý, không thể giải tán Hạ viện và cũng không thể sửa đổi Hiến pháp. Quy định này xuất phát từ việc đây là tình huống chỉ mang tính tạm thời, do đó, người tạm quyền sẽ không có mọi quyền hạn như một tổng thống trong hoàn cảnh bình thường.

Hà Dũng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/he-lo-dac-quyen-dang-chu-y-cua-tong-thong-phap-post439376.html