Hé lộ điều Kiev mong muốn từ việc triển khai quân gìn giữ hòa bình ở Ukraine
Ukraine cần quân đội phương Tây hiện diện trên bộ để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga trong tương lai nhưng Mỹ lại cho thấy ý định đứng ngoài cuộc.
Các đồng minh chủ chốt của Ukraine hôm nay (10/4) sẽ nhóm họp để tiếp tục thảo luận chi tiết về bất kỳ sứ mệnh gìn giữ hòa bình nào được triển khai ở Ukraine trong trường hợp có thỏa thuận hòa bình với Nga.
Cuộc họp do Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu và người đồng cấp Anh John Healey dẫn đầu. Họ sẽ gặp gỡ các bộ trưởng quốc phòng đồng cấp trong “liên minh thiện chí” bao gồm nhiều quốc gia châu Âu, Canada và Australia nhưng không có Mỹ tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.

Từ trái qua: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters.
Các cuộc họp này được cho là sẽ làm sáng tỏ những gì Ukraine mong muốn từ một sứ mệnh gìn giữ hòa bình - điều mà họ coi là rất quan trọng để ngăn chặn Nga tấn công một lần nữa, đặc biệt là khi Mỹ và các quốc gia khác đã bác bỏ khả năng Kiev được mời gia nhập NATO.
“Chúng tôi thảo luận về sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên bộ, trên không và trên biển. Vấn đề liên quan đến phòng không và các vấn đề chiến lược tế nhị khác cũng được bàn thảo. Các đối tác của chúng tôi hiểu những gì Ukraine cần. Có một số khu vực nhạy cảm mà chúng tôi muốn nhận được sự hỗ trợ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời Politico tại một cuộc họp báo ở Kiev hôm 4/4 sau cuộc họp của các quan chức quân sự Ukraine, Pháp và Anh.
“Chúng tôi không chỉ thảo luận về số lượng binh sĩ, mà còn về vấn đề ủy nhiệm của những đội quân đó và cả cơ sở hạ tầng. Đối với tôi, thời gian là quan trọng để hiểu được ở giai đoạn nào thì chúng ta có thể trông cậy vào sự hỗ trợ này”, ông Zelensky lưu ý; đồng thời nói thêm rằng ông mong muốn sẽ có đáp án rõ ràng trong vòng một tháng tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây sức ép với cả Ukraine và Nga để ngừng giao tranh và đi đến một thỏa thuận hòa bình. Nga và Ukraine đã đồng ý với lệnh ngừng bắn một phần trong khoảng thời gian 30 ngày nhưng ngay lập tức đã tố nhau vi phạm và cho đến nay cả hai bên vẫn chưa phải chịu hậu quả nào từ phía tổng thống Mỹ.
Kỳ vọng của Ukraine
Ông Pavlo Palisa, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, người đồng thời là cố vấn quốc phòng của ông Zelensky nói với các phóng viên rằng, có khoảng hơn một chục quốc gia sẵn sàng tham gia liên minh và gửi quân đến Ukraine.
"Cũng có những cuộc thảo luận về sự tham gia của các nước Baltic và Bắc Âu. Trong mọi trường hợp, điều này có thể được thực hiện thông qua các thỏa thuận song phương với từng quốc gia thành viên của liên minh", ông Palisa nói.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia bao gồm cả Vương quốc Anh không muốn gửi quân đến Ukraine nếu không có sự hỗ trợ nào đó của Mỹ - được gọi là biện pháp dự phòng - bao gồm hỗ trợ trên không, hậu cần và tình báo, điều này khó có thể xảy ra dưới thời Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Nga cho rằng bất kỳ hoạt động triển khai quân đồng minh nào mà không có sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc đều là không thể chấp nhận được.
Tranh cãi hiện nay giữa các đồng minh châu Âu của Ukraine là liệu lực lượng mà họ đang bàn bạc kế hoạch cử đi có đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga trong tương lai hay không. Bất chấp những hoài nghi đó, Kiev vẫn bày tỏ tin tưởng rằng quá trình này đang diễn ra tốt đẹp.
“Câu hỏi duy nhất là điều này sẽ được triển khai theo hình thức nào. Đó là lý do tại sao các cuộc thảo luận hiện đang diễn ra: Có tầm nhìn cơ bản của chúng tôi và có tầm nhìn của các đối tác dựa trên năng lực của họ. Sau khi thống nhất tất cả các chi tiết, chúng tôi sẽ có thể chuyển sang một cuộc thảo luận thực chất hơn”, ông Palisa cho biết.
Ông Palisa nói thêm: “Chúng tôi hiểu rõ rằng để đưa ra những quyết định như vậy, cần phải đồng bộ hóa cả thành phần quân sự và chính trị. Chỉ sau đó, chúng tôi mới có thể tiếp tục”.
Hiện tại, Ukraine sở hữu một trong những đội quân có quy mô lớn và được vũ trang tốt, đây chính là sự bảo đảm an ninh mạnh mẽ nhất của riêng họ. Nhưng với việc cánh cửa gia nhập NATO bị đóng lại, họ cần quân đội đồng minh trên bộ để ngăn chặn Nga. Trong trường hợp xấu nhất, những người lính đó sẽ phải tham gia vào bất kỳ cuộc giao tranh nào xảy ra trong tương lai.
“Ukraine có tầm nhìn về việc triển khai các lực lượng như vậy sẽ đóng vai trò là người bảo đảm an ninh. Tất cả những vấn đề này vẫn cần được thảo luận, thống nhất và xác minh ở cả cấp độ chính trị và quân sự”, Palisa cho biết.
Ukraine cũng kỳ vọng rằng bất kỳ quân đội phương Tây nào được gửi đến Ukraine sẽ đi kèm với hệ thống phòng không mạnh mẽ và các biện pháp bảo vệ khác để giúp giữ an toàn cho người dân Ukraine.
“Ví dụ, nếu một lữ đoàn Pháp tiến vào một khu vực lãnh thổ nhất định, ngay cả khi được triển khai với mật độ tối thiểu — ví dụ, 3 binh sĩ trên 1 km — thì họ vẫn phải cung cấp sự yểm trợ trên không. Đây là tiêu chuẩn của kế hoạch quân sự”, ông Palisa cho biết. Một lữ đoàn có từ 3.000 - 5.000 quân.
Đều đó có nghĩa là Ukraine sẽ có nhiều hệ thống phòng không hơn, khả năng tác chiến điện tử tốt hơn, bên cạnh đó là khả năng tương tác phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng không quân, hải quân và hậu cần…
“Đây là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận, tính đến nhiều yếu tố. Đây là những gì hiện đang được thực hiện”, ông Palisa nói.
Một ngày sau cuộc họp “liên minh thiện chí”, NATO sẽ tổ chức họp Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine - một nhóm do Mỹ lập ra để tổ chức viện trợ quân sự cho Ukraine. Vương quốc Anh và Đức sẽ chủ trì và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth sẽ tham gia qua hình thức trực tuyến.