Hé lộ hành trình làm phim của đạo diễn Kang Je Gyu - 'cha đẻ' của những tác phẩm bom tấn Hàn Quốc

Tại chương trình Master Class thuộc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba 2025 (DANAFF III), đạo diễn Hàn Quốc Kang Je Gyu chia sẻ với các nhà làm phim trẻ về hành trình làm phim, chinh phục khán giả và câu hỏi sống còn của điện ảnh: 'Vì sao bộ phim này cần có mặt hôm nay?'.

Đạo diễn Kang Je Gyu chia sẻ về hành trình đến với điện ảnh tại chương trình Master Class của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 năm 2025. (Ảnh: Diệu Linh)

Đạo diễn Kang Je Gyu chia sẻ về hành trình đến với điện ảnh tại chương trình Master Class của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 năm 2025. (Ảnh: Diệu Linh)

Cột mốc điện ảnh đầu tiên

Đạo diễn Kang Je Gyu kể rằng từ thời cấp ba, ông đã yêu thích nhiếp ảnh và cảm thấy được truyền cảm hứng khi nhìn thế giới qua ống kính. Niềm say mê hình ảnh dần trở thành động lực đưa ông đến với điện ảnh – một lựa chọn đầy thách thức trong bối cảnh ngành phim Hàn Quốc những năm 1980 còn đơn điệu và ít sức hút.

Thay vì theo đuổi công việc ổn định tại các đài truyền hình như lời khuyên của nhiều người, ông chọn dấn thân vào điện ảnh, nơi còn bị xem là “ít tương lai”. Với ông, điện ảnh Hàn khi đó thiếu kịch bản hấp dẫn và thường không quan tâm đến người xem. Ông xác định hai nguyên tắc quan trọng: Làm những bộ phim khán giả muốn xem và dám thử điều chưa ai từng làm.

Một cảnh trong phim Chiếc giường ngân hạnh, bộ phim mở màn chương trình “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc” trong khuôn khổ DANAFF III tại Đà Nẵng. (Ảnh: Diệu Linh)

Một cảnh trong phim Chiếc giường ngân hạnh, bộ phim mở màn chương trình “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc” trong khuôn khổ DANAFF III tại Đà Nẵng. (Ảnh: Diệu Linh)

Từ vị trí biên kịch và phó đạo diễn, Kang Je Gyu bước vào sự nghiệp đạo diễn với Chiếc giường ngân hạnh (The Ginkgo Bed), tác phẩm mang màu sắc giả tưởng, thể loại khi đó còn xa lạ với công chúng Hàn. Bộ phim tạo được tiếng vang, mở ra hướng đi mới cho dòng phim thương mại pha chất nghệ thuật.

Shiri – cuộc cách mạng trong lòng khán giả

Thành công tiếp theo là Shiri – bộ phim hành động với đề tài về căng thẳng liên Triều, phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé tại Hàn Quốc ở thời điểm ra mắt.

Shiri đã thu hút 6,5 triệu lượt khán giả đến rạp, con số ấn tượng giúp bộ phim vượt qua thành tích của phim Hollywood Titanic (4,3 triệu lượt xem) tại thị trường Hàn Quốc. Đây được xem là “quả bom tấn” đầu tiên của điện ảnh Hàn, phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé nội địa và mở ra nhận thức mới về tiềm năng của phim thương mại Hàn Quốc tại châu Á và cả thị trường Mỹ.

Chia sẻ về quá trình thực hiện Shiri, đạo diễn Kang Je Gyu cho biết, ông đối mặt với không ít áp lực, trong đó lớn nhất là chi phí sản xuất quá cao so với mặt bằng chung và đề tài không thu hút khán giả.

“Tôi quyết định lồng ghép thêm yếu tố hành động để tạo sức hút. Nhưng điều quan trọng hơn, tôi muốn thay đổi cách nhìn nhận. Trước đây, các bộ phim thường mô tả người Triều Tiên như những kẻ phản diện, nhưng với tôi, họ cũng chỉ là những con người bình thường, sống trong hoàn cảnh khác biệt”, ông nói.

Poster phim Shiri của đạo diễn Kang Je Gyu. (Nguồn: Criterionfilms.dk)

Poster phim Shiri của đạo diễn Kang Je Gyu. (Nguồn: Criterionfilms.dk)

Bằng cách kết hợp yếu tố hành động hiện đại với góc nhìn nhân văn, Shiri đã thay đổi cách nhìn của công chúng về một đề tài tưởng như đã cũ kỹ. Đó cũng là lần đầu tiên điện ảnh Hàn cho thấy phim thương mại vẫn có thể mang giá trị văn hóa, nhân văn.

Dù không phải tác phẩm khởi đầu cho làn sóng Hàn Quốc (Hallyu), Shiri đã đóng vai trò nền tảng quan trọng trong việc thúc đẩy sự lan tỏa của làn sóng văn hóa này.

Thành công vang dội của Shiri tiếp thêm sự tự tin cho giới làm phim Hàn Quốc, giúp họ vững vàng hơn trong cuộc cạnh tranh với điện ảnh Hollywood ngay trên sân nhà. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh nghệ thuật, cú hích từ Shiri còn tạo động lực cho các nhà đầu tư mạnh tay rót vốn vào ngành công nghiệp điện ảnh.

Cùng với sự hỗ trợ của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), các công ty sản xuất bắt đầu chủ động tiếp thị tác phẩm của mình đến các nhà phát hành quốc tế, mở rộng cánh cửa xuất khẩu phim Hàn ra thế giới.

Cờ bay phấp phới và hành trình vượt qua định kiến

Trong buổi chia sẻ, đạo diễn Kang Je Gyu dành thời lượng đáng kể nói về bộ phim Cờ bay phấp phới (Taegukgi). Một trong những trở ngại lớn mà Taegukgi gặp phải từ giai đoạn chuẩn bị là tâm lý e ngại của nhà đầu tư do nội dung phim... kén khán giả nữ.

Theo đạo diễn Kang Je Gyu, nhiều người cho rằng phim chiến tranh khó thu hút khán giả nữ – đối tượng vốn không chủ động chọn thể loại này, mà thường chỉ xem vì đi cùng người yêu. Chính định kiến ấy khiến nhiều nhà đầu tư do dự, thậm chí từ chối rót vốn.

Hai tài tử của điện ảnh Hàn Quốc là Jang Dong Gun và Won Bin góp phần làm nên thành công của phim Taegukgi. (Nguồn: Đoàn làm phim)

Hai tài tử của điện ảnh Hàn Quốc là Jang Dong Gun và Won Bin góp phần làm nên thành công của phim Taegukgi. (Nguồn: Đoàn làm phim)

Thay vì bỏ cuộc, ông quyết định dùng toàn bộ ngân sách có được để quay trước cảnh mùa Đông, một phân đoạn then chốt. Đoạn phim ngắn ấy sau đó được trình chiếu tại hội chợ phim, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, mở đường cho một trong những tác phẩm đậm chất sử thi nhất của điện ảnh Hàn thời kỳ đầu công nghiệp hóa.

“Tôi không phủ nhận rằng phim chiến tranh thường không được khán giả nữ yêu thích. Nhưng thay vì chấp nhận điều đó như một rào cản, tôi tìm cách mở rộng điểm chạm cảm xúc”, ông chia sẻ.

Lựa chọn hai diễn viên có ngoại hình thu hút như Jang Dong-gun và Won Bin chính là một phần trong chiến lược ấy. “Họ không chỉ điển trai mà còn thể hiện chiều sâu nội tâm của nhân vật – những con người chiến đấu không chỉ vì Tổ quốc, mà còn vì tình thân, tình người. Chính điều đó khiến họ trở nên đẹp hơn trong mắt khán giả”.

Đó là lựa chọn chiến lược nhưng cũng thể hiện bản lĩnh dám đánh cược với thẩm mỹ khán giả và thực tế chứng minh ông đã đúng. Chỉ trong hơn hai tháng công chiếu, Taegukgi đã thu hút hơn 11 triệu lượt xem tại Hàn Quốc, nhanh chóng trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn tại thời điểm đó.

Sức hút của Taegukgi tại thị trường Hàn Quốc thậm chí còn vượt qua cả The Lord of the Rings: The Return of the King – tác phẩm giành giải Oscar 2004. Với kinh phí sản xuất chỉ 13 triệu USD, Taegukgi đã mang lại giá trị kinh tế ước tính khoảng 423 triệu USD cho Hàn Quốc, bao gồm doanh thu phòng vé và các hiệu ứng lan tỏa tích cực khác.

Không chỉ thành công ở trong nước, Taegukgi còn gây tiếng vang quốc tế. Bộ phim còn giành giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương năm 2005, góp phần đưa tên tuổi Jang Dong Gun và Won Bin vươn ra ngoài khu vực.

Kết nối với khán giả – yếu tố sống còn của điện ảnh

Buổi nói chuyện thu hút sự quan tâm của các chuyên gia điện ảnh trong và ngoài nước, cùng các nhà làm phim trẻ. (Ảnh: Diệu Linh)

Buổi nói chuyện thu hút sự quan tâm của các chuyên gia điện ảnh trong và ngoài nước, cùng các nhà làm phim trẻ. (Ảnh: Diệu Linh)

Khi được hỏi làm thế nào để “nắm bắt được điều khán giả muốn xem”, đạo diễn Kang Je Gyu thẳng thắn: “Đừng chỉ nói chuyện với những người làm nghề. Hãy trò chuyện với gia đình, bạn bè, những người bình thường, họ mới là khán giả thực sự của bạn”.

Chia sẻ về hành trình nghề nghiệp, ông cho biết từng học chuyên sâu về diễn xuất khi còn ngồi ghế nhà trường, nhưng lại bén duyên với điện ảnh trong vai trò đạo diễn và biên kịch. Những kịch bản đầu tay của ông sớm được đánh giá cao và trở thành nền tảng cho các tác phẩm sau này.

Với ông, kịch bản là yếu tố then chốt trong cấu trúc phim. “Chúng ta phải luôn trăn trở để làm ra một kịch bản tốt. Hãy học cách thử nghiệm, cứ quay thật nhiều, kể cả bằng điện thoại, cho đến khi cảm thấy mình làm phim một cách tự nhiên và tự do nhất”, ông khuyên.

Kang Je Gyu cũng đưa ra lời khuyên thực tế dành cho những người mới bắt đầu: “Đừng vội ngồi viết kịch bản như thể đang học bài. Hãy chia sẻ ý tưởng với những người xung quanh, lắng nghe phản ứng của họ. Từ những câu hỏi như ‘rồi sao nữa?’, bạn sẽ dần tích lũy được chất liệu để hoàn thiện câu chuyện của mình”.

Theo ông, việc viết ra một kịch bản nên bắt đầu từ đối thoại người với người, với đời sống. Khi cảm thấy thôi thúc phải viết vì không thể không viết, ấy là lúc ý tưởng đã đủ sức nặng để trở thành phim.

Vị đạo diễn cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng về ranh giới giữa phim nghệ thuật và phim thương mại: “Tôi không ủng hộ việc tách bạch hai thể loại này ngay từ đầu, vì điều đó dễ khiến người làm phim tự giới hạn chính mình. Nếu bạn làm phim với niềm tin rằng, dù không đoạt giải thì vẫn có khán giả yêu mến, thì đó mới là con đường bền vững”.

Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải trả lời được câu hỏi: bộ phim này có ý nghĩa gì trong thời đại hôm nay? Nếu không thể trả lời được, thì dù kỹ thuật có xuất sắc đến đâu cũng khó mà thành công”. Với đạo diễn Kang Je Gyu, một bộ phim thực sự giá trị là bộ phim đối thoại được với thời đại của nó và đây luôn là yếu tố ông cân nhắc trong mọi tác phẩm.

Đại biểu đặt câu hỏi cho đạo diễn Kang Je Gyu. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Đại biểu đặt câu hỏi cho đạo diễn Kang Je Gyu. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Dù thừa nhận môi trường làm phim ngày nay đã thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của công nghệ AI, dòng tiền đầu tư khổng lồ, hay các hệ thống phản hồi từ khán giả trước khi phim ra rạp, ông vẫn tin rằng điều cốt lõi làm nên một bộ phim không bao giờ thay đổi. Đó là trí tưởng tượng, bản sắc cá nhân và sự chân thành của người kể chuyện. “Kỹ thuật có thể thay thế nhiều thứ, nhưng không bao giờ thay thế được trái tim người làm phim”, ông khẳng định.

Master Class không chỉ là buổi học, mà là một hành trình truyền lửa. Kang Je Gyu không tô hồng điện ảnh, ông nói về nỗi buồn, về thất bại, về những lúc mất niềm tin. Nhưng hơn tất cả, ông tin rằng: “Thành công hay thất bại là chuyện thường tình. Quan trọng là bạn không được đánh mất niềm tin vào chính mình”.

Trong buổi chuyên đề đặc biệt ấy, những nhà làm phim trẻ, dù chỉ mới bắt đầu hành trình đã được tiếp thêm một điểm tựa quan trọng, đó là cảm hứng từ một người từng mơ hồ, từng hoài nghi, nhưng vẫn vững bước để chạm đến giấc mơ, bằng chính ngôn ngữ điện ảnh của mình.

Diệu Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/he-lo-hanh-trinh-lam-phim-cua-dao-dien-kang-je-gyu-cha-de-cua-nhung-tac-pham-bom-tan-han-quoc-320009.html