Một chiếc Hermes Birkin cũ kỹ trở thành biểu tượng thời trang đắt nhất trong lịch sử
Chiếc túi Hermes Birkin màu đen đầy vết ố, trầy xước của diễn viên Jane Birkin vừa được bán đấu giá thành công ở mức 10 triệu USD và trở thành túi xách đắt giá nhất trong lịch sử…

Dù đã cũ kỹ, trầy xước và nhuốm màu thời gian, chiếc túi xách da Birkin màu đen của thương hiệu Pháp Hermes vừa được bán với giá 8,6 triệu euro (tương đương 10 triệu USD), phá vỡ mọi kỷ lục và trở thành chiếc túi đắt giá nhất trong lịch sử các phiên đấu giá.
Đây là chiếc Birkin đầu tiên được nhà mốt Hermes chế tác, thiết kế dành riêng cho nữ diễn viên kiêm ca sĩ người Anh Jane Birkin.
Theo chia sẻ, nữ diễn viên nổi tiếng này đã sử dụng chiếc túi gần như mỗi ngày từ suốt năm 1985 đến 1994 - ngay cả trước khi nó trở thành biểu tượng đỉnh cao của ngành xa xỉ.
Sự xuất hiện của chiếc túi hiếm có này tại phiên đấu giá của Sotheby’s tổ chức, vốn đã gây xôn xao dư luận trong nhiều tháng qua. Phiên đấu giá còn bao gồm nhiều mẫu thời trang cao cấp đến từ các nhà mốt tên tuổi như Christian Dior và Alexander McQueen.
Chiếc túi Birkin nguyên bản này đã vượt qua hàng loạt sản phẩm xa xỉ khác để xác lập kỷ lục mới. Trước đó, chiếc túi đắt nhất thế giới là một chiếc Kelly da cá sấu đính kim cương với giá 513.040 USD. Năm 2022, Sotheby’s từng bán một chiếc Hermes “Diamond Himalaya Birkin” đính kim cương trắng với giá hơn 450.000 USD, còn Christie’s năm 2021 bán một chiếc Hermes Kelly da cá sấu gần 390.000 USD.
Trước đó, Sotheby’s không tiết lộ giá ước tính trước phiên, nhưng ngay từ vòng đấu giá sớm, giá đã vượt ngưỡng kỷ lục 1 triệu euro. Trong buổi phát trực tiếp, người xem không giấu được sự kinh ngạc khi mức giá không ngừng tăng. Cuộc “tranh đấu” kéo dài 10 phút giữa 9 nhà sưu tầm kết thúc với chiến thắng thuộc về cá nhân giấu tên đến từ Nhật Bản, theo thông cáo báo chí của Sotheby’s.
Bà Morgane Halimi, giám đốc bộ phận túi xách và phụ kiện toàn cầu của Sotheby’s nhận định đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử thời trang và ngành hàng xa xỉ. Bà cho biết: “Kỷ lục này cho thấy sức mạnh phi thường của một huyền thoại, khả năng khơi dậy niềm đam mê và khát khao của những nhà sưu tầm luôn tìm kiếm các món đồ độc nhất. Đây cũng là lời tôn vinh gửi tới “nàng thơ điện ảnh” Jane Birkin”.

Nữ diễn viên Jane Birkin đã qua đời năm 2023 ở tuổi 76. Bà từng nói đùa với phóng viên Christiane Amanpour của CNN rằng, điều người ta nhớ đến bà nhiều nhất có lẽ chính là việc bà là nguồn cảm hứng cho mẫu túi xách nổi tiếng này. “Ôi trời, có khi đến lúc tôi chết rồi… điều người ta sẽ chỉ nói đến cái túi thôi”, bà từng hài hước chia sẻ.
Sau khi Jane Birkin bán chiếc túi vào năm 1994 để gây quỹ cho nghiên cứu phòng chống AIDS, chiếc túi đã nhiều lần đổi chủ nhưng vẫn xuất hiện công khai tại các triển lãm lớn như Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York và Bảo tàng Victoria & Albert ở London.
Theo Sotheby’s, chiếc Birkin nguyên bản mang nhiều điểm khác biệt so với mẫu sản xuất sau này, từ kích cỡ, chi tiết kim loại cho đến dây đeo vai – đều là những đặc điểm chưa từng được tái hiện.
Mặt trước chiếc túi còn in chữ viết tắt “J.B.” (Jane Birkin), trong khi một chiếc bấm móng tay bạc nhỏ đung đưa ở quai túi - thứ bà luôn mang theo bên người để giữ cho móng tay gọn gàng, theo mô tả của Sotheby’s. Trên bề mặt túi vẫn còn dấu vết của những miếng dán từ hai tổ chức nhân đạo Bác sĩ Không Biên Giới (Médecins du Monde) và UNICEF – minh chứng cho cuộc sống vô cùng năng động của Jane Birkin.
Trong khi nhiều người yêu thích Birkin xem đó là tài sản đầu tư - một nghiên cứu năm 2016 cho thấy giá trị của dòng túi này tăng đều đặn, thậm chí vượt cả chỉ số S&P 500 và giá vàng - thì nguồn gốc của chiếc túi lại hoàn toàn đến từ thực tế.
Năm 1984, cựu chủ tịch Hermès Jean-Louis Dumas tình cờ ngồi cạnh Jane Birkin trên chuyến bay từ Paris đến London. Là mẹ của ba người con, bà chia sẻ với ông rằng không thể tìm được chiếc túi nào đủ rộng để sử dụng hàng ngày, đến mức bà phải dùng một chiếc giỏ mây lớn.
Jane Birkin kể rằng bà muốn có một chiếc túi to bằng nửa chiếc vali và ông Dumas đã đáp: “Vậy bà hãy vẽ nó cho tôi xem”. Và bà Birkin đã phác họa ý tưởng của mình trên một chiếc túi giấy trên máy bay.
Hermes đã giao chiếc túi Birkin đầu tiên cho bà vào năm 1985, và tặng bà thêm bốn chiếc nữa trong suốt cuộc đời bà. Jane Birkin có nhận tiền bản quyền từ việc đặt tên, nhưng bà đều quyên góp toàn bộ cho các tổ chức từ thiện hằng năm.
“Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng một chiếc túi ban đầu được tạo ra như một món đồ thực dụng cho Jane Birkin, lại trở thành biểu tượng được săn đón bậc nhất trong lịch sử – và nhiều khả năng sẽ còn giữ vững vị trí đó trong nhiều năm tới”, bà Morgane Halimi của Sotheby’s chia sẻ trước thềm buổi đấu giá.