Hé lộ hình ảnh đầu tiên về hố đen siêu lớn ở trung tâm Dải Ngân hà
Lần đầu tiên các nhà học thu được hình ảnh của một siêu hố đen siêu lớn bên trong trung tâm thiên hà của chúng ta - Milky Way.
Trong thập kỷ qua,nhóm gồm hơn 300 nhà thiên văn học từ nhiều quốc gia cùng tạo ra Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT). Dự án EHT gồm một mạng lưới đài quan sát vô tuyến nằm rải rác trên toàn thế giới. Ngày 12/5, kết quả nghiên cứu mới nhất về hố đen thu được từ Kính thiên văn EHT được công bố trong 6 cuộc họp báo đồng thời ở Washington và nhiều nơi khác trên thế giới.
Cụ thể, các nhà khoa học đã thu được hình ảnh đầu tiên về hố đen siêu lớn ở trung tâm Milky Way.
"Ngày hôm nay, EHT vui mừng được chia sẻ hình ảnh đầu tiên của hố đen khổng lồ ở trung tâm thiên hà của chúng ta", ông Feryal Özel, nhà vật lý thiên văn tại đại học Arizona, tuyên bố.
Hình ảnh thu được cho thấy hố đen được bao quanh bởi một vòng ánh sáng với ba điểm sáng nổi bật.
Nhìn từ Trái đất, hố đen này nằm gần chòm sao Nhân mã, khối lượng gấp 4 triệu lần mặt trời, lực hấp dẫn của nó mạnh đến mức có thể bẻ cong không gian và thời gian. Dù vậy, hố đen ở trung tâm Milky Way chỉ có kích thước bằng 1/1000 so với hố đen của thiên hà Messier 87.
Nhóm nghiên cứu thực hiện dự án do ông Sheperd Doeleman, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, dẫn đầu.
Vào tháng 4/2019, nhóm này từng làm cả thế giới kinh ngạc khi đưa ra bức ảnh đầu tiên về hố đen M87. Bức ảnh được gọi là "đĩa bồi tụ", nó được xem là chụp được "cái bóng" của hố đen, nằm tại khu vực chân trời sự kiện - ranh giới trước khi một vật chất bị hố đen nuốt chửng và không thể quay trở lại được nữa.
“Chúng tôi đã thấy những gì chúng tôi nghĩ là không thể nhìn thấy được”, ông Doeleman phát biểu vào năm 2019.
"Einstein cũng không thể tưởng tượng được những gì mà chính ông đã tìm ra. Để có được bức ảnh mà vị thiên tài đã nghĩ đến từ 100 năm trước, chúng ta cần 40 quốc gia cùng hợp lực", ông Carlos Moedas, chuyên gia từ Hội đồng nghiên cứu Châu Âu nói.
Trong dự án mới nhất, nhóm của ông Doeleman nhìn được những điều tưởng như "không thể nhìn thấy" một lần nữa. Thành tựu này sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về cách hoạt động của thiên hà cũng như những bí ẩn chưa được giải đáp trong vũ trụ.
Bà Janna Levin, một nhà khoa học tại Đại học Barnard, nói rằng kết quả nghiên cứu mới “rất ngoạn mục và giàu thông tin”. “Tôi vẫn chưa chán những bức ảnh về hố đen”, bà Levin nói.
Từ lâu, các nhà thiên văn học từ lâu đã tin vào sự tồn tại của một hố đen khổng lồ nằm cách Trái đất 26.000 năm ánh sáng trong chòm sao Nhân Mã, ẩn sau những đám mây bụi và khí bao phủ trung tâm Dải Ngân hà. Hố đen này đã “nuốt chửng” hàng triệu ngôi sao và chứa một từ trường kỳ lạ - nơi thời gian và không gian đều bị đảo lộn. Tới nay, vẫn chưa có ai tìm ra hố đen vũ trụ dẫn đến đâu hoặc có thứ gì nằm ở phía bên kia của nó.