Hé lộ kịch bản khủng hoảng hậu bầu cử Mỹ khiến hai ứng viên tổng thống 'căng mình' chuẩn bị
CNN đăng tải, các chuyên gia bầu cử và chiến lược gia thế giới đang ngày càng lo ngại về khả năng nổ ra tranh cãi xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 19/7, Tổng thống Donald Trump từ chối cam kết sẽ chấp nhận kết quả bỏ phiếu. "Tôi sẽ không chỉ nói có. Tôi sẽ không nói không", ông Trump nhấn mạnh. "Tôi còn phải xem đã".
Với số lượng cử tri Mỹ lựa chọn bỏ phiếu qua thư được dự đoán sẽ nhiều hơn bao giờ hết, việc công bố kết quả cuối cùng gần như chắc chắn đòi hỏi thời gian lâu hơn – có thể lên tới nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần. Cả chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và ứng viên Joe Biden đều đã dành ra hàng triệu USD và tuyển dụng đội ngũ luật sư tinh hoa để sẵn sàng cho các cuộc chiến pháp lí.
Quá khứ hay phản đối kết quả bầu cử của ông Trump
Tổng thống Trump từng nhiều lần bày tỏ nghi ngờ với bỏ phiếu qua thư, đồng thời kêu gọi các bang hạn chế hình thức này. Nếu thất bại vào tháng 11, ông Trump có thể đổ lỗi cho bỏ phiếu qua thư. Trong quá khứ, ông "nổi tiếng" là người thường đặt câu hỏi về kết quả của các cuộc bỏ phiếu. Ngay cả trong bầu cử tổng thống Mỹ 2016, mặc dù giành chiến thắng nhưng ông Trump cũng đã "kịp" cáo buộc một cách thiếu căn cứ rằng, có hàng triệu phiếu không hợp lệ tại California và một số bang khác.
Hồi tháng 6, ứng viên Joe Biden từng chia sẻ, "nỗi lo lớn nhất của ông" là Trump sẽ "cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử". "Chúng ta có thể không biết ai chiến thắng tại Pennsylvania… cho tới một tháng trước bỏ phiếu".
Trong lịch sử Mỹ, hầu như không có tiền lệ về một cuộc bầu cử tổng thống mà kết quả bị phản đối. Theo các sử gia, chưa từng có một ứng viên nào từ chối chấp nhận thất bại.
Trong trường hợp ông Trump, nếu không tái trúng cử, rất có thể ông sẽ kêu gọi người ủng hộ đổ về Washington và vây quanh Nhà Trắng. Ông có thể chỉ trích kết quả bỏ phiếu và chỉ rời bỏ Washington một cách hòa bình vào ngày nhậm chức của ông Biden. Hoặc cũng có khả năng ông sẽ khởi kiện và tìm cách chứng minh rằng kết quả có những điểm bất thường.
Vài trò của Tòa án Tối cao
Một số chuyên gia e ngại, Tòa án Tối cao có thể sẽ đóng vai trò quyết định cuộc bầu cử. Các hồ sơ khởi kiện tại bang và tòa án địa phương sẽ được đệ trình lên Tòa án Tối cao nơi phe bảo thủ chiếm đa số.
Thượng viện đang nằm dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa cũng sẽ có tiếng nói quan trọng tới hành động của ông Trump hậu bầu cử.
"Một khi chúng ta xác nhận kết quả, nếu Biden chiến thắng, việc các nghị sỹ Cộng hòa chấp nhận kết quả và tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình – là cực kì quan trọng", cộng tác viên chuyên về chính trị của CNN Amanda Carpenter nhận định.
Phần lớn động thái của ông Trump vào tháng 11 được cho là sẽ phụ thuộc vào số phiếu chênh lệch giữa 2 ứng viên. Nếu kết quả là sát nút, đội ngũ của ông Trump có thể khởi phát kiện tụng; nhưng nếu chiến thắng của Biden thực sự thuyết phục, ông Trump hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận.
Đảng Dân chủ cũng có thể góp phần
Mặc dù ông Trump thường xuyên đưa ra các thông tin gây tranh cãi về bầu cử, nhưng giới chuyên gia lưu ý, vấn đề có thể đến từ cả hai bên. Một số nguồn tin chia sẻ với CNN, Đảng Dân chủ có thể từ chối tính pháp lí của kết quả hoặc tạo dư luận tiêu cực nếu ông Trump giành chiến thắng mà có sự can thiệp từ bên ngoài.
Một vài gương mặt hàng đầu của Đảng Dân chủ, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Nghị sỹ bang Georgia John Lewis (biểu tượng nhân quyền vừa qua đời do căn bệnh ung thư vào tuần trước) từng chỉ trích chiến thắng năm 2016 của ông Trump là bất hợp pháp. Họ cáo buộc, sự can thiệp của Nga tác động xấu tới Clinton và giúp Trump, sử dụng tuyên truyền trên mạng xã hội, thâm nhập Internet và ăn cắp email…
Các chuyên gia e ngại, bất ổn xã hội có thể bùng nổ nếu đương kim tổng thống tái đắc cử – thậm chí còn căng thẳng hơn cả các cuộc biểu tình (đôi khi còn mang tính bạo lực) từng diễn ra sau chiến thắng năm 2016 của chính ông. Mức độ mâu thuẫn hiện tại cao hơn lúc đó, đặc biệt sau khi nước Mỹ mới bị "rúng động" bởi một loạt các cuộc biểu tình sắc tộc vừa qua.
"Nếu ông Trump một lần nữa thua ở số phiếu phổ thông nhưng lại chiến thắng bằng phiếu Đại cử tri đoàn, sẽ có rất nhiều ý kiến cho rằng nền dân chủ của chúng ta bị đổ vỡ", sử gia Douglas Brinkley nói. "Đó sẽ là lần đầu tiên một tổng thống trúng cử hai lần mà không giành được nhiều phiếu nhất".
Ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng
Ngay cả khi một bên từ chối chấp nhận kết quả, điều đó không có nghĩa mọi thứ đều vô giá trị. So với 4 năm trước, các bang đều đã có nhiều tiến bộ trong an ninh bầu cử và các biện pháp kiểm phiếu mới đang được áp dụng khiến tính chính xác của kết quả cuối cùng sẽ được gia tăng.
"Bầu cử năm 2020 sẽ là cuộc bầu cử an toàn nhất mà chúng tôi từng có", David Becker, người sáng lập Trung tâm Cải tiến và Nghiên cứu Bầu cử tuyên bố. "Nhiều phiếu bầu cử hơn, tăng cường kiểm toán, an ninh dữ liệu chắc chắn hơn và các cơ quan bầu cử cũng chia sẻ thông tin thường xuyên hơn".
Nếu ông Trump và Biden không thỏa mãn với kết quả, có những cách khác nhau để xử lý. Đội ngũ của họ có thể khởi kiện ở cấp bang và liên bang, mặc dù các tranh cãi pháp lý cần dựa trên những thực tế có thể được minh chứng trước tòa án.
"Cuối cùng, nếu không có chứng cứ cho những cáo buộc, cơ quan bầu cử sẽ công bố kết quả và vấn đề sẽ được giải quyết", Michael Morley, một giáo sư luật tại Đại học bang Florida nói.
Còn chuyên gia phân tích chính trị của CNN là Ron Brownstein kết luận: "Nếu kết quả thuyết phục, sẽ rất khó để kháng cự lại ngay cả đối với phe phái quyền lực nhất; còn nếu đó là một kết quả sát nút, tình hình có thể sẽ trở nên rất xấu".