Hé lộ lý do hàng chục nghìn người châu Phi mất tích

Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), hơn 71.000 người được xác nhận mất tích trên khắp châu Phi, tăng 75% so với con số được ghi nhận vào năm 2019.

ICRC cho biết tính đến cuối tháng 6/2024, châu Phi đứng đầu về số lượng người mất tích và số lượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

“Số lượng người mất tích ngày càng gia tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột vũ trang và nạn bạo lực kéo dài hàng thập kỷ. Không những vậy, vô số người khác đang phải chịu đựng những đau thương, mất mát. Đây thực sự là một thảm kịch nhân đạo, để lại hậu quả vô cùng to lớn đối với gia đình và xã hội” -Patrick Youssef, giám đốc khu vực Châu Phi của ICRC cho biết.

Xung đột vũ trang kéo dài ở Châu Phi đã khiến hàng ngàn người mất tích. Khu vực này cũng chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh bất ổn chính trị tiếp diễn, dòng người di cư với mong muốn tìm nơi trú ẩn toàn ngày càng đông, làm gia tăng nguy cơ chia cắt và mất tích.

ICRC cho biết tính đến cuối tháng 6, châu Phi đứng đầu về số lượng người mất tích, số lượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Ảnh: ICRC

ICRC cho biết tính đến cuối tháng 6, châu Phi đứng đầu về số lượng người mất tích, số lượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Ảnh: ICRC

Được tổ chức vào ngày 30/8 hàng năm, Ngày Quốc tế Người mất tích giúp người dân hiểu hơn về hoàn cảnh của những người mất tích, tôn vinh ký ức cũng như xoa dịu nỗi đau gia đình, người thân của họ.

ICRC đang kêu gọi những nỗ lực quốc tế để ngăn ngừa và ứng phó với tình trạng người mất tích ngày càng gia tăng. Sự quyết tâm từ các quốc gia là yếu tố quan trọng để ứng phó với tình trạng này, đặc biệt là sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong từng quốc gia và quốc tế.

“Khi các cuộc xung đột vũ trang xảy ra, cả dân thường và quân nhân đều mất tích. Họ có thể bị bắt và bị giam giữ. Những người này có thể còn sống, tuy nhiên hoàn toàn bị cắt dứt liên lạc với người thân” - ông Youssef cho biết.

Theo luật nhân đạo quốc tế, chính quyền nhà nước có trách nhiệm xác định tình trạng và nơi ở của những người mất tích. Tuy nhiên, nhiều cơ quan thiếu nguồn lực, kỹ năng và quyết tâm để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. ICRC và các hiệp hội đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các quốc gia tìm kiếm người mất tích.

Tại khu vực phía Đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, các tình nguyện viên từ Hội Chữ thập đỏ DRC đã làm việc tại các trung tâm thông tin liên lạc do ICRC thành lập nhăm hỗ trợ người di cư nhanh chóng kết nối với gia đình và người thân. Tại Sudan, ICRC, hợp tác với Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Sudan, cung cấp đường dây nóng để giúp trẻ em cơ nhỡ liên lạc lại với gia đình, người thân.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/he-lo-ly-do-hang-chuc-nghin-nguoi-chau-phi-mat-tich.html