Hé lộ nguyên do vua Lê lập Dương Vân Nga làm Hoàng Hậu
Trong sử Việt, Dương Vân Nga là người duy nhất hai lần làm Hoàng Hậu, mà lại là Hoàng Hậu của hai vương triều kế tiếp nhau.
Trong sử Việt, Dương Vân Nga là người duy nhất hai lần làm Hoàng Hậu, mà lại là Hoàng Hậu của hai vương triều kế tiếp nhau (triều Đinh và Tiền Lê). Vua Đinh Tiên Hoàng lập Dương Vân Nga làm hậu ngoài những toan tính chính trị còn bởi vì vẻ đẹp của bà. Nhưng trong lần thứ hai làm Hoàng Hậu, Dương Vân Nga dù đã có con và không còn thanh xuân nữa mà vẫn được Lê Đại Hành sách lập.
Điều gì dẫn vua Lê Đại Hành đến quyết định trên?
Lê Đại Hành vừa lên ngôi đã phải đương đầu với cuộc xâm lăng của nhà Tống. Với tài chỉ huy của ông và tinh thần đoàn kết chống giặc của quân dân Đại Cồ Việt, đầu năm 981, quân xâm lược Tống bị quét sạch khỏi bờ cõi. Khi tình hình đã yên ổn, năm 982, Lê Đại Hành quyết định lập Hoàng Hậu. Về việc này, sử cũ chép:
“Nhâm Ngọ (982)…, lập Hoàng Thái Hậu nhà Đinh là Dương Thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ sinh của Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào trong cung, đến đây lập làm Hoàng Hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lí Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quốc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu làm năm Hoàng Hậu” (Đại Việt sử kí toàn thư, Kỉ nhà Tiền Lê).
Như vậy, Dương Vân Nga đã được Lê Hoàn đối xử theo một cách khác thường: lấy làm vợ. Đây là điều kì lạ vì vua Lê Đại Hành chọn ai không chọn lại đi chọn người đã có chồng có con, mà lại là Thái Hậu của triều trước, người đã giao ngai vàng cho ông. Nếu nói rằng đó là vì động cơ chính trị thì rất khiên cưỡng. Lúc ấy, vua Lê Đại Hành đã có trong tay tất cả, được quân đội ủng hộ, lại có uy danh vang dội sau khi đánh thắng quân Tống. Họ Đinh thì chỉ còn Đinh Toàn thơ dại, không có khả năng gây hại cho ông.
Sử sách không chép rõ nhưng hé lộ cho chúng ta một thông tin. Khi tóm lược về sự nghiệp của Lê Đại Hành, sách Đại Việt sử kí toàn thư có một câu rằng: “Vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước” (Đại Việt sử kí toàn thư, Kỉ nhà Tiền Lê). Những câu chữ ngắn gọn ấy cho biết, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga đã “quan hệ bất chính” với nhau trước khi Lê Đại Hành lên ngôi. Chuyện tư tình giữa họ ắt hẳn xảy ra trong thời gian Lê Đại Hành làm Phó Vương.
Nhưng không rõ Dương Vân Nga bị cưỡng ép hay thật lòng ưng thuận. Dầu sao, đó cũng được cho là nguyên do để sau này Lê Đại Hành quyết định lập Dương Vân Nga làm Hoàng Hậu. Quyết định ấy chính là biện pháp hợp pháp hóa mối quan hệ giữa hai người, để Lê Đại Hành có thể công khai tiếp tục chung sống với Dương Vân Nga.
Việc Dương Vân Nga lần thứ hai làm Hoàng Hậu như vậy là chủ yếu xuất phát từ ham muốn cá nhân của Lê Đại Hành. Lúc bấy giờ Dương Vân Nga không còn trẻ nữa nhưng chắc hẳn vẫn rất cuốn hút nên đã khiến Lê Đại Hành không màng đến luân thường và những điều tiếng để lập bà làm Hoàng Hậu nhằm thỏa sức gần gũi bên bà. Những chuyện như thế không phải là hiếm gặp trong lịch sử Đông Tây kim cổ.
Chuyện Dương Vân Nga mời Lê Đại Hành lên ngôi và rồi trở thành Hoàng Hậu nhà Tiền Lê đã lưu truyền trong dân gian, là cơ sở nảy sinh của bản diễn ca lục bát “Hoàn vương ca tích”. Theo bản ca tích này, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga vốn có tình ý với nhau trước khi Dương Vân Nga là Hoàng Hậu nhà Đinh.
Sau khi Dương Vân Nga vào cung, hai người vẫn thường xuyên gặp gỡ và “quan hệ tư tình” với nhau. Đinh Toàn là kết quả của mối tình vụng trộm ấy. Đó là cơ sở để sau này Lê Đại Hành phong Dương Vân Nga làm Hoàng Hậu và không giết chết Đinh Toàn. Nội dung của bản diễn ca rất không hợp lí, bởi từ năm 970 đến năm 979, Lê Đại Hành dẫu có mặt ở kinh đô nhưng khó có thể gặp gỡ riêng tư với Dương Vân Nga mà tránh được con mắt dò xét của Đinh Tiên Hoàng cùng các đại thần khác. Bản diễn ca trên, do vậy, chỉ là do người thời sau đồn đoán và sáng tác mà thôi.
Dương Vân Nga đội chiếc mũ Hoàng Hậu lần thứ hai được 18 năm thì qua đời (năm 1000). Truyền thuyết kể rằng khi chung sống với Lê Đại Hành, bà đã sinh được một Công Chúa là Lê Phất Ngân, người sau là Hoàng Hậu của Hoàng Đế Lý Thái Tổ, người lập ra triều Lý thay thế triều Tiền Lê trong lịch sử.