Hé lộ nguyên nhân tàu khu trục Triều Tiên bị lật khi hạ thủy
Hình ảnh vệ tinh và các video cho thấy kỹ thuật hạ thủy bằng cách đẩy ngang thân tàu xuống nước đã không thực hiện đúng cách, gây mất thăng bằng và khiến con tàu bị lật.

Hình ảnh vệ tinh của tàu trước và sau vụ tai nạn. Ảnh: The New York Times.
Chiếc tàu khu trục nặng 5.000 tấn của Triều Tiên đã bị lật úp ngay trong lễ hạ thủy trước sự chứng kiến của lãnh đạo Kim Jong Un. Sự cố bẽ bàng này được xem là thất bại quân sự đáng kể, trong đó một phần nguyên nhân được cho là do kỹ thuật hạ thủy theo chiều ngang chưa từng được Bình Nhưỡng áp dụng trước đó.
Kỹ thuật rủi ro, thiếu kinh nghiệm thực hiện
Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng phương pháp hạ thủy ngang cho tàu chiến - một kỹ thuật đòi hỏi kinh nghiệm cao. Việc thiếu hiểu biết thực tiễn, kết hợp với sức ép chính trị nhằm đẩy nhanh tiến độ, có thể đã dẫn đến tai nạn, New York Times cho biết.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ba quan chức nhà máy đóng tàu, bao gồm kỹ sư trưởng cùng một cán bộ cấp cao trong ngành vũ khí, đã bị bắt giữ sau khi ông Kim gọi sự cố này là “hành vi phạm tội”.
Hình ảnh vệ tinh chụp ba ngày trước vụ tai nạn cho thấy con tàu dài khoảng 143 mét, là lớp tàu chiến lớn nhất từng được Triều Tiên chế tạo, nằm trên bệ phóng tại xưởng đóng tàu. Cách đó khoảng 40 mét, một công trình được cho là khu vực khán đài dành cho ông Kim đang được xây dựng.
Chiếc khu trục hạm được lắp ráp tại thành phố cảng Chongjin, phía đông bắc Triều Tiên - nơi vốn nổi tiếng với việc sản xuất các tàu nhỏ như tàu hàng và tàu cá. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, nhà máy này “chắc chắn” không có kinh nghiệm cần thiết để chế tạo và hạ thủy tàu chiến cỡ lớn.

Lễ hạ thủy tàu khu trục 500 tấn vào tuần trước được vệ tinh ghi lại. Ảnh: The New York Times/Maxar Technologies.
Giới phân tích nhận định con tàu gặp nạn có cùng kích thước và cấu hình với tàu khu trục dẫn đường Choe Hyon - chiếc tàu chiến mặt nước mạnh nhất từng được Triều Tiên chế tạo.
Tàu Choe Hyon được coi là niềm tự hào trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân mang phong cách Liên Xô cũ của ông Kim, và từng là tâm điểm trong buổi lễ hạ thủy hoành tráng diễn ra tại cảng Nampo hồi tháng trước.
Video do truyền thông nhà nước công bố cho thấy buổi lễ với pháo hoa, hoa giấy và sự hiện diện của ông Kim cùng con gái Kim Ju Ae. Một khán đài lớn được dựng ngay cạnh tàu Choe Hyon, khi ấy đã được đưa xuống nước an toàn.
Theo báo chí Triều Tiên, lần hạ thủy đó diễn ra suôn sẻ nhờ sử dụng kỹ thuật phổ biến cho tàu lớn: Con tàu được đóng trong nhà xưởng có mái che tại Nampo, sau đó chuyển ra ụ nổi khô. Bằng cách bơm nước vào ụ, tàu tự nổi lên mặt nước. Ông Choi Il, cựu sĩ quan hải quân Hàn Quốc, cho biết quy trình này phù hợp với tàu trọng tải lớn.
Tuy nhiên, xưởng đóng tàu tại Chongjin không có ụ nổi đủ lớn để thực hiện phương pháp tương tự. Thậm chí nơi này cũng không có đường trượt dốc để thả tàu từ đuôi xuống biển. Do đó, kỹ sư buộc phải đóng tàu ngay trên bờ kè dưới lớp lưới che, và khi hoàn thành, hạ thủy theo phương pháp đẩy ngang từ bệ.
Nếu thực hiện chuẩn xác, tàu sẽ trượt theo bệ phóng và lao xuống nước đúng cách, giống như trường hợp hạ thủy tàu USS Cleveland nặng 3.500 tấn tại Wisconsin (Mỹ) vào năm 2023. Thường thì sẽ có tàu kéo túc trực để hỗ trợ điều hướng sau khi tàu tiếp nước.
Tuy nhiên, theo truyền thông nhà nước, khi kỹ sư Triều Tiên đẩy tàu xuống biển, nó bị mất cân bằng và lật nghiêng. Hình ảnh vệ tinh 2 ngày sau cho thấy con tàu phủ bạt xanh, nằm nghiêng sang phải; phần mũi mắc kẹt trên bệ còn phần đuôi chìa ra ngoài cảng. Khán đài theo dõi sự kiện cũng đã được tháo dỡ.

Hình ảnh hiện trạng tàu khu trục được phân tích bằng vệ tinh. Ảnh: The New York Times/Maxar Technologies.
Việc hạ thủy tàu lớn theo phương pháp ngang đòi hỏi kỹ thuật cân bằng rất tinh vi, ông Choi nhận định. Ông cho rằng hệ thống vũ khí nặng trên tàu có thể càng khiến thao tác thêm khó khăn.
Kết cấu tàu bị đặt dấu hỏi
Chỉ vài ngày sau khi chiếc Choe Hyon đầu tiên được hạ thủy, ông Kim đã đích thân giám sát việc bắn thử nhiều loại tên lửa từ tàu. Ông cũng từng nhiều lần đến các xưởng đóng tàu để thúc giục kỹ sư bám sát tiến độ mở rộng hải quân, và rõ ràng đã kỳ vọng tái hiện lễ ra mắt hoành tráng cho tàu khu trục thứ hai.
Các nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng đội kỹ sư tại Chongjin, vốn làm việc trong điều kiện thua kém so với Nampo, chắc hẳn chịu áp lực rất lớn sau thành công của đồng nghiệp. Điều đó có thể đã dẫn đến việc rút ngắn quy trình, bỏ qua các bước an toàn cần thiết.
Triều Tiên tuyên bố có thể khôi phục lại thế cân bằng cho tàu bằng cách bơm nước ra ngoài, và dự kiến trong vòng 10 ngày nữa sẽ khắc phục xong phần thân bị hư hại, theo thông tin từ truyền thông nhà nước.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng thiệt hại nghiêm trọng hơn nhiều so với mô tả của Bình Nhưỡng. Ông Yang Uk, chuyên gia quân sự Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan (Seoul), nhận định nguyên nhân tai nạn có thể không chỉ do kỹ thuật hạ thủy lỗi mà còn nằm ở kết cấu mất cân bằng của con tàu.
“Sau sự cố, tàu trông có vẻ bị vặn xoắn”, ông Yang nói. “Có thể thấy nó không được thiết kế với độ bền kết cấu đạt chuẩn của một chiến hạm”.