Hé lộ nhiệm vụ dài 908 ngày của tàu vũ trụ tuyệt mật X-37B
Thông tin về các hoạt động của con tàu trong chuyến bay dài kỷ lục này rất thưa thớt. Giới chức Mỹ chỉ tiết lộ con tàu đang thực hiện 'một số thí nghiệm khoa học' ở độ cao 400km trên Trái Đất.
X-37B, một con tàu vũ trụ không người lái, đã hạ cánh xuống Trạm vũ trụ Kennedy của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vào lúc 5h22 sáng ngày 12/11, kết thúc sứ mệnh thứ 6 mà nó và một con tàu "chị em" đã thực hiện kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 2010.
Tuy nhiên thông tin về các hoạt động của con tàu trong chuyến bay dài kỷ lục này rất thưa thớt. Giới chức Mỹ chỉ nói rằng con tàu đang thực hiện "một số thí nghiệm khoa học" ở độ cao 400km trên Trái Đất.
Trung tá Joseph Fritschen, Giám đốc chương trình X-37B tại Văn phòng Năng lực phản ứng nhanh của Không quân Mỹ, cho biết: “X-37B tiếp tục vượt xa các ranh giới của hoạt động thử nghiệm."
Ông cho biết thêm rằng khả năng tiến hành các thí nghiệm trên quỹ đạo Trái Đất và gửi kết quả về để phân tích chuyên sâu đã chứng tỏ giá trị cao của X-37B đối với đối với lực lượng không quân và cộng đồng khoa học Mỹ.
Theo ông, việc bổ sung module dịch vụ trên nhiệm vụ lần thứ 6 này đã cho phép quân đội Mỹ thực hiện "nhiều thí nghiệm hơn bao giờ hết."
X-37B ban đầu được hãng Boeing thiết kế cho NASA. Nhưng sau đó nó đã được điều chỉnh để quân đội Mỹ sử dụng. Phương tiện này về cơ bản là một sự kết hợp giữa máy bay và tàu vũ trụ. Có thể nói nó là một tàu con thoi thu nhỏ.
X-37 có 3 biến thể A/B/C, phiên bản sau lớn hơn và hiện đại hơn phiên bản trước. Tháng 11/2006, Không quân Mỹ quyết định phát triển X-37B dưới mật danh Future-X từ nguyên mẫu X-37A.
Biến thể X-37B có chiều dài 8,9m, sải cánh 4,5 m, cao 2,9 m, trọng lượng có tải 4.990kg. Phương tiện này có khoang chứa hàng với kích cỡ 2,1x1,2m. Sau khi lên quỹ đạo Trái đất, X-37B hoạt động bằng động cơ Aerojet AR2-3.
Trong nhiệm vụ thứ sáu, con tàu được đặt tên là Phương tiện thử nghiệm quỹ đạo-6 (OTV-6). Nó đã được gắn lên tên lửa Atlas V và phóng lên quỹ đạo vào tháng 5/2020. Tính từ khi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên, con tàu đã có khoảng 10 năm bay trên quỹ đạo Trái Đất, di chuyển qua quãng đường dài 2,1 tỷ km.
Chuyến bay mới nhất kéo dài 908 ngày đã phá kỷ lục 780 ngày trên quỹ đạo, được chính X-37B thiết lập trước đó.
Lực lượng Không gian Mỹ chỉ tiết lộ một số thông tin nhỏ về các thí nghiệm được thực hiện trên con tàu trong chuyến bay gần nhất. Chúng bao gồm một thử nghiệm của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ, đã "thu hoạch" thành công ánh sáng Mặt Trời, trước khi chiếu các ánh sáng này xuống Trái Đất dưới dạng vi sóng.
Một hoạt động khác của tàu là triển khai một vệ tinh huấn luyện điều khiển bằng điện từ, do các học viên của Không quân Mỹ thiết kế.
NASA cũng tham gia một thử nghiệm được gọi là Tiếp xúc vật liệu và Đổi mới công nghệ trong không gian (METIS-2), có nội dung nghiên cứu tác động của không gian đối với các vật liệu khác nhau.
Không có chi tiết nào về các thí nghiệm khác trên tàu được tiết lộ. Điều này đã gây ra nhiều đồn đoán khác nhau.
Ông Dmitry Rogozin, cựu Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 với kênh tin tức nhà nước Nga Russia-24 rằng X-37B có thể được sử dụng để do thám hoặc mang vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chuyên gia và nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cũng lặp lại quan điểm này.
Ông nói với tờ South China Morning Post rằng khả năng thay đổi quỹ đạo tùy ý của X-37B giúp nó có khả năng do thám các vệ tinh khác, hoặc các mục tiêu trên Trái Đất.
Ngoài ra điều này cũng có nghĩa con tàu đủ khả năng tiến hành các cuộc tấn công từ quỹ đạo.
"Nếu X-37B có thể mang theo các vệ tinh nhỏ, nó cũng có thể mang theo vũ khí. Nó cũng có thể được trang bị cánh tay robot để bắt lấy các vệ tinh khác trên quỹ đạo," ông Song nói.
Điều thú vị là Trung Quốc cũng có một tàu vũ trụ bí mật giống X-37B. Con tàu được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Trường Chinh 5B vào ngày 4/8 năm nay.
Giống như X-37B, phần lớn những gì con tàu đang thực hiện trên quỹ đạo vẫn chưa được biết đến./.