Hé lộ sốc về các giai đoạn 'phá hủy' âm thầm trong kế hoạch khắc chế S-400, S-500 của Nga từ quân đội Mỹ

Trang web tin tức online C4ISRNET mới đây đã có bài phân tích về kế hoạch của Lầu Năm Góc trong việc phá vỡ khả năng phòng thủ của hệ thống phòng không Nga trong bối cảnh nguy cơ xung đột quân sự Nga-Mỹ tăng cao.

Theo Bulgarianmilitary, Mỹ đã xây dựng cả một trung đoàn đặc biệt nhằm mục tiêu giải quyết “những nhiệm vụ đặc biệt” mà theo đó nhiệm vụ chính là làm mất tác dụng và tiến tới vô hiệu hóa hệ thống phòng không S-400 và S-500 ở Nga cũng như ở các nước khác có cùng hệ thống vũ khí tương tự.

Tất cả mục tiêu này đều được nhắc đến trong kế hoạch được quân đội Mỹ phân chia thành nhiều giai đoạn, trang tin cho hay.

Theo đó, trong giai đoạn đầu tiên, tình báo cũng như các đơn vị chỉ huy mạng của quân đội Mỹ sẽ vào cuộc. Tình báo sẽ chỉ thực hiện nhiệm vụ xác định vị trí của hệ thống phòng thủ Nga.

Giai đoạn tiếp theo là khả năng quân đội Mỹ sẽ tìm hiểu rõ cấu trúc cũng như hoạt động của S-400 và S-500. Đồng thời với đó, quân đội Mỹ cũng học cách để vận hành hệ thống vũ khí này. Và theo kế hoạch, nhiệm vụ này sẽ được giao cho đơn vị tình báo 363 của quân đội Mỹ.

Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, giai đoạn thứ 3 sẽ liên quan tới sự do thám của máy bay U-2 nhằm phát triển những biến thể khác trong môi trường chiến tranh điện từ.

Và giai đoạn cuối cùng của kế hoạch là phát triển các hệ thống có thể khắc chế S-400 và S-500.

S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Hệ thống này được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó. Nga thiết lập 4 trung đoàn S-400 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia tại Moscow, vùng Kaliningrad, và Quận Quân sự phía Đông.

S-400 là vũ khí của Nga được nhiều nước trên thế giới quan tâm

S-400 là vũ khí của Nga được nhiều nước trên thế giới quan tâm

Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.

S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.

S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển. Nó có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.

Tổ hợp S-500 kế thừa nhiều đặc điểm của S-300 và S-400 và sở hữu những tính năng mới được đánh giá là vượt trội so với vũ khí cùng loại trên thế giới. S-500 được thiết kế để có thể thực hiện cả nhiệm vụ phòng không và đánh chặn tên lửa đạn đạo, tương đương vai trò của hai tổ hợp S-400 và A-135 của quân đội Nga hiện nay.

Trong nhiệm vụ phòng không, S-500 có tầm bắn 400 km và đủ sức tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tối đa 40 km và tốc độ 25.200 km/h. Với khả năng này, S-500 có thể hạ mọi chiến đấu cơ siêu thanh trên thế giới.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/he-lo-soc-ve-cac-giai-doan-pha-huy-am-tham-trong-ke-hoach-khac-che-s-400-s-500-cua-nga-tu-quan-doi-my-a456887.html