Hé lộ 'sứ mệnh đặc biệt' của ông Trump khiến Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc phải đột ngột từ chức
Việc đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad rời cương vị trước cuộc bầu cử tháng 11 tới là một phần trong kế hoạch của tổng thống Donald Trump - theo CNN.
Đại sứ Mỹ về nước theo yêu cầu của Trump
Các nguồn tin của CNN ngày 14/9 nói rằng tổng thống Trump đã thúc giục Branstad trở lại Mỹ để hỗ trợ ông trong chiến dịch tái cử.
Việc Branstad rời cương vị là điều được dự báo trước - theo nhiều quan chức chính quyền Trump cùng các nhân vật thân cận với đại sứ Mỹ, bởi ông có dự định chỉ phục vụ trong 1 nhiệm kỳ. Hai nguồn tin cho hay tính đến vài tuần trước đây, ông Branstad vẫn có kế hoạch ở lại Bắc Kinh cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, nhưng tình hình đã thay đổi khi ông được Trump đề nghị quay về Mỹ và tham gia trong chiến dịch tranh cử.
"Đó là lý do ông ấy kết thúc sớm nhiệm kỳ, bởi vì tổng thống đã đề nghị," một nguồn tin của CNN nói.
Thông tin về việc ông Branstad từ chức xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc leo thang trong nhiều lĩnh vực. Chính phủ Trung Quốc hôm 11/9 tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế chưa xác định nhằm vào giới chức ngoại giao cấp cao Mỹ và các nhân viên Mỹ ở Trung Quốc, sau khi Washington có hành động tương tự nhằm vào các nhà ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tháng 9.
Đại sứ Branstad có mối quan hệ hữu nghị với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ thập niên 1980, song điều này dường như chưa thể đem lại lợi ích thực tế trong quan hệ giữa hai nước.
Trump cũng đề cập việc Terry Branstad thôi giữ chức đại sứ tại Trung Quốc khi ông gọi điện cho thượng nghị sĩ Cộng hòa của bang Iowa, Joni Ernst. Ông Ernst đăng tải cuộc gọi này trên Twitter, trong đó tổng thống nói đại sứ Branstad "sẽ trở về từ Trung Quốc bởi ông ấy muốn tham gia chiến dịch".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chiều 14/9 nói nước này chưa nhận được thông báo về việc ông Branstad từ nhiệm.
Nhân tố quan trọng ở các bang chiến trường
Nguồn thạo tin của CNN tiết lộ ông Trump muốn Branstad hỗ trợ vận động tại bang Iowa. Chiến dịch của Trump tin rằng ông Branstad có thể tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến cử tri các bang Iowa, Wisconsin, Missouri và ngay cả Minnesota.
Một tập hợp các cuộc khảo sát của New York Times Upshot/Đại học Siena được công bố hôm 5/9 cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước ông Trump ở bang Minnesota với tỉ lệ tín nhiệm 50% và 41%. Khoảng cách chênh lệch thu hẹp hơn ở bang Wisconsin với 48% và 43%.
"Ông ấy vẫn có vai trò tốt ở vùng Trung Tây. Ông ấy có danh tiếng tốt và gần như là nhân vật tốt nhất để nói về ảnh hưởng của Trung Quốc," nguồn tin thân cận với chiến dịch Trump tiết lộ.
Cựu phó tổng thống Biden và Trump vẫn đang trong cuộc đua rất sít sao tại Iowa, theo các bảng khảo sát vài tháng trở lại đây. Vào năm 2016, kịch bản tồi tệ nhất đối với ứng viên Hillary Clinton đã xuất hiện tại bang chiến trường này, với 6 phiếu đại cử tri lọt vào tay ông Trump.
Các chuyên gia đánh giá việc từ chức của ông Branstad sẽ không gây hậu quả lớn khi ông không giữ vai trò trọng tâm trong không gian chính sách Mỹ-Trung của Washington. Dù không phải là tiên phong trong chính sách cứng rắn của chính quyền Trump với Bắc Kinh, ông Branstad lại được kỳ vọng thể hiện cách tiếp cận quyết liệt hơn khi tham gia vào chiến dịch của tổng thống.
Trong tweet đăng sáng ngày 14/9, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gửi lời cảm ơn ông Branstad vì những đóng góp trong vai trò đại sứ tại Trung Quốc, nhưng không nêu lý do cho sự ra đi của ông này hay đề cập người kế nhiệm tiềm năng.
Branstad là một trong những nhân vật được Trump "chấm" để làm đại sứ vào tháng 12/2016, khi ông mới là tổng thống đắc cử. Trump ca ngợi Branstad là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách công, thương mại, nông nghiệp, và "tình hữu nghị lâu bền" với ông Tập Cận Bình.
Ông Tập gặp Branstad khi tham gia chương trình trao đổi của chính phủ Mỹ-Trung năm 1985, và tái ngộ ông này trong chuyến công du Mỹ năm 2012 với vai trò phó chủ tịch Trung Quốc. Hai ông có một cuộc gặp nữa khi Terry Branstad giữ chức thống đốc bang Iowa và thăm Bắc Kinh năm 2013.
Việc bổ nhiệm Branstad được Bắc Kinh hoan nghênh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi ông là "người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc".
Vai trò của Terry Branstad trở nên mờ nhạt hơn trong những tháng gần đây, khi căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao. Hôm 9/9 vừa qua, báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo từ chối đăng tải bài viết của đại sứ Mỹ, trong đó ông cáo buộc chính phủ Trung Quốc "lạm dụng" sự cởi mở của Mỹ trong nhiều thập kỷ.