Hé lộ tà đạo 'Thiên triều Nam Quốc' khiến cả gia đình tan nát

Liên quan đến vụ việc chị Trần Thị Bích D. (33 tuổi, trú xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, Bình Thuận) bị gia đình chồng nhốt và 'tra tấn như thời trung cổ' để trừ tà, ngày 9-7, TAND TP Phan Thiết đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, giao 3 con ruột của chị D., gồm: cháu N.N.B.Y (2014); N.N.H.A (2000) và N.K.L (2022) cho chị D. chăm sóc.

Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Ngọc Lan (ảnh trái) và Nguyễn Thị Hoài Diễm về hành vi: “Giữ người trái pháp luật”.

Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Ngọc Lan (ảnh trái) và Nguyễn Thị Hoài Diễm về hành vi: “Giữ người trái pháp luật”.

Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, chị D. và chồng là anh Nguyễn Tự T. kết hôn với nhau từ năm 2014, có 3 con, chung sống với nhau ở xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết). Tháng 12-2023, vợ chồng chị ly hôn nhưng chị D. vẫn ở lại nhà chồng cũ để chăm sóc 3 đứa con. Từ lúc ly hôn, gia đình chồng cũ của chị D. thay ổ khóa, thu điện thoại không cho chị tự ý ra ngoài, không cho liên hệ với người thân, bạn bè bên ngoài xã hội. Kể từ đây, những người thân trong gia đình chồng cũ bắt đầu hành hạ chị D. "như thời trung cổ" để "trừ tà". Sau thời gian dài bị “tra tấn”, chị D. đã trốn thoát khỏi nhà chồng cũ để về nhà mẹ ruột và đến cơ quan Công an trình báo.

Sau thời gian tích cực điều tra, đến đầu tháng 6-2024, cơ quan Công an xác định chị D. bị thương tích với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 20% nên tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người gây ra vụ việc trên, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Lan (1989), Nguyễn Thị Hoài Diễm (1983, chị ruột Lan), Nguyễn Hồng Tâm (1974, trú H. Bắc Bình, Bình Thuận) và Nguyễn Hữu Tình (1992, tài xế của gia đình Lan). Đây là những người đã có hành vi giữ người trái pháp luật đối với chị Trần Thị Bích D.

Cũng qua điều tra, cơ quan Công an xác định việc chị em bà Lan, Diễm (đều là chị chồng của chị D.) và những đồng phạm khác có hành vi giữ người trái pháp luật và “tra tấn” chị D. để “trừ tà” là vì những người này cuồng tín theo “tà giáo” có tên là “Thiên triều Nam Quốc”. Được biết, đại gia đình bà Lan mới tham gia vào tà giáo “Thiên triều Nam Quốc” từ đầu tháng 2-2023, nhưng chỉ sau hơn 1 năm đã làm cả gia đình ly tán. Từ ngày gia nhập tà đạo, bà Lan, bà Diễm và em trai đều là giáo viên, cán bộ nhà nước lần lượt xin nghỉ việc và ly hôn rồi chú tâm vào việc lập đàn cúng bái. Đại gia đình bà Lan thường tổ chức cúng bái, lập ra “pháp trường” hành hình các hình nộm tại biệt thự ở số 241- Bàu Me và khu đất biệt lập tại số 29- Trần Bình Trọng (xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết) từ 23 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau.

Thông tin về tà đạo “Thiên triều Nam Quốc”, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cho hay, những người theo tà đạo này hoạt động lén lút, lôi kéo người dân tham gia trái với quy định của pháp luật. Những người theo “Thiên triều Nam Quốc”, mặc trang phục cổ trang, đọc lời khấn diệt tà ma, sử dụng nhiều vật dụng cổ quái như hình nhân, cung tên, búa, chảo lửa… để thực hiện các hoạt động, hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Sau “thời gian thử thách” khoảng 2 tháng, những người theo tà đạo được “đức vua” của “Thiên triều Nam Quốc” phong chức, tước phẩm; trang phục… với lời thề phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trung thành tuyệt đối với “Thiên triều Nam Quốc”.

Đối với gia đình bà Lan là một trong 40 nhóm được phong tước phẩm và được gọi là nhóm 32. Trong đó, bà Lan được phong là “Thần tướng Mộc Lan” quản lý chung nhóm 32; bà Diễm được phong là “Thủy thần Tịnh Tứ”; Nguyễn Hồng Tâm (đối tượng vừa bị khởi tố cùng bà Lan, bà Diễm) được phong tướng là “Vương Đại Hiếu”; Trần Hữu Tình (lái xe cho gia đình bà Lan, cũng vừa bị khởi tố) có bí danh: “Ngư Hữu Tình”. Ngoài ra, chị D. (bị hại trong vụ án) cũng bị ép vào tà đạo với bí danh: “Tiểu Di”; chồng của bị hại D. được phong là tướng quân với 2 bí danh: “Triệu Vân”, “Trắc Trân Quân”; bà K. (chị ruột bà Lan) có bí danh: “Liêu Kiều Thanh”; con ruột bà Diễm (sinh viên) có bí danh: “Bao Chủng”; cha ruột bà Lan được phong là “Bảo Dương Thanh Đề”; mẹ bà Lan có bí danh “Bạch Linh”…

Bà Lan được phong là “Thần tướng Mộc Lan”, bà Tâm được phong là “Vương Đại Hiếu” và các thành viên tà giáo đều xăm chữ phía sau lưng.

Bà Lan được phong là “Thần tướng Mộc Lan”, bà Tâm được phong là “Vương Đại Hiếu” và các thành viên tà giáo đều xăm chữ phía sau lưng.

Những người được phong tước phẩm đều được phát một lá cờ màu vàng có thêu hình bông sen và một khánh vàng hoặc khung gỗ có nội dung:“Thiên triều Nam Quốc” và “Quốc phong hoàn thành thiên lệnh”. Tất cả vật phẩm trên sau khi ban tặng, “đức vua” của “Thiên triều Nam Quốc” đều yêu cầu các thành viên đặt ở nơi trang trọng, các thành viên phải tuân lệnh tuyệt đối chỉ lệnh của vua. Ngoài ra, những người tham gia tà đạo này còn buộc phải xăm hai dòng chữ Phạn và Việt sau cổ có nội dung: “Án ma ni bát di hồng”.

Sau một thời gian tham gia “Thiên triều Nam Quốc”, chị D. (bị hại trong vụ án) nhận ra những vô lý của tà đạo này nên có ý định rời khỏi tổ chức này. Khi biết được ý định rời khỏi tà đạo của em dâu, “soái tướng Mộc Lan” dựng nên kịch bản vu khống và bạo hành “như thời Trung cổ” đối với chị D. vì cho rằng đó là “mầm họa”.

B.T (tổng hợp)

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/he-lo-ta-dao-thien-trieu-nam-quoc-khien-ca-gia-dinh-tan-nat-post298090.html