Hé lộ thất bại phút chót của thượng đỉnh 'không tưởng', Tổng thống Trump bất ngờ đình chỉ đàm phán hòa bình Mỹ-Taliban
Tổng thống Donald Trump cho hay, ông vừa hủy bỏ một cuộc gặp ba bên tại Mỹ với lãnh đạo Taliban và Tổng thống Afghanistan.
Hôm thứ bảy (7/9), Tổng thống Donald Trump cho hay, ông đã hủy bỏ một cuộc gặp bí mật tại Trại David với giới lãnh đạo Taliban và Tổng thống Afghanistan, cũng như tạm dừng các cuộc đàm phán đang gần đạt được một thỏa thuận hòa bình với nhóm nổi dậy tại Afghanistan.
"Hầu hết mọi người đều không biết", ông Trump viết trên Twitter, các nhà lãnh đạo Taliban và Tổng thống Ashraf Ghani đã tới Mỹ ngày 7/9 để chuẩn bị tham dự một cuộc gặp lịch sử tại Trại David.
Tuy nhiên, theo ông Trump, "để thiết lập lợi thế sai lầm", Taliban thừa nhận đã gây ra vụ đánh bom tự sát hôm thứ năm (5/9) khiến một lính Mỹ và 11 người khác tại thủ đô Kabul thiệt mạng. "Tôi đã ngay lập tức hủy bỏ cuộc gặp và tạm dừng đàm phán hòa bình", ông viết.
"Nếu họ không thể đồng ý với một lệnh ngừng bắn trong các cuộc đàm phán hòa bình rất quan trọng này, và thậm chí giết 12 người vô tội, có lẽ họ cũng không có năng lực để thỏa thuận một hiệp định có ý nghĩa", ông Trump tỏ ra tức giận. "Họ còn muốn đánh nhau thêm bao nhiêu thập kỷ nữa?".
Trang New York Times nhận định, thông báo của ông Trump gây ngạc nhiên vì nhiều lý do. Một hội nghị thượng đỉnh bất ngờ tại Trại David với giới lãnh đạo của nhóm nổi dậy đã khiến hàng nghìn lính Mỹ thiệt mạng kể từ tháng 10/2001, sẽ là một động thái ngoại giao gây sốc – tương tự như các cuộc gặp của ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Cuộc họp thượng đỉnh cũng là cú thúc cho các hy vọng từ lâu của ông Trump nhằm thực hiện lời hứa tranh cử, là rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.
Tính tới tối thứ bảy (giờ Mỹ) chi tiết về cuộc họp, thời gian tổ chức và bị hủy bỏ vẫn chưa được công bố. Hôm thứ sáu (6/9), trang web Phát thanh tự do châu Âu dẫn lời một quan chức Afghan cho hay, Tổng thống Ghani đã hoãn tham dự một cuộc gặp được lên kế hoạch trước tại Washington.
Hiện cũng chưa rõ ông Trump có đang đình chỉ lâu dài quá trình thương lượng hòa bình hay không. Tổng thống Mỹ nổi tiếng với các quyết định bất chợt rồi lại thay đổi trong thời gian ngắn ngay sau đó.
Theo NYT, điều thậm chí còn quan trọng hơn cả số phận cuộc họp chính là lời tuyên bố của ông Trump về việc dừng các cuộc đàm phán hòa bình. Giới chức Mỹ cho biết, quá trình đàm phán đã tới giai đoạn cấp cao và cho tới tối ngày 7/9, họ đang gần đạt được một thỏa thuận.
Đặc phái viên của ông Trump tại Afghanistan Zalmay Khalilzad được cho là đã cam kết giảm quy mô quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Á nhằm đổi lấy một lệnh ngừng bắn cục bộ từ Talian. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh ToloNews, ông tiết lộ 5.400 lính Mỹ sẽ rời Afghanistan trong vòng 135 ngày sau khi thỏa thuận được ký kết.
Đối với 8.600 binh lính còn lại, ông Khalilzad nói, họ sẽ rời đi sớm sau khi kết thúc các cuộc đàm phán nội bộ Afghan nhưng không đưa ra thời hạn cụ thể. Một số quan chức Mỹ đề xuất, đó có thể là trong vòng 16 tháng, ngay cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, nếu Taliban đáp ứng được một số điều kiện nhất định.
Điều này sẽ cho phép ông Trump tuyên bố rằng, mình đã giúp kết thúc một cuộc xung đột dài lâu và đạt được điều mà chính quyền tiền nhiệm Barack Obama chưa làm được.
Tuy nhiên, thực tế có thể phức tạp hơn nhiều. Ông Trump từng ám chỉ Mỹ sẽ duy trì mạng lưới tình báo mạnh tại Afghanistan – một phát biểu được nhiều chuyên gia hiểu là kế hoạch cho sự hiện diện quy mô lớn của các chiến dịch có vũ trang dưới danh nghĩa CIA. Và thậm chí ngay cả khi thỏa thuận với Taliban được ký kết, quá trình thực hiện có thể gặp nhiều khó khăn.
Cựu chỉ huy Mỹ tại Afghanistan David Petraeus từng cảnh báo, một hiệp định mới có hiệu lực có thể dẫn tới sự quay trở lại của al-Qaeda. Nhiều người đưa ra ví dụ về việc ông Obama rút quân khỏi Iraq đã khiến IS hồi sinh tại cả Iraq và Syria.
Một số nhà phê bình coi các cuộc tấn công liên tục của Taliban là dấu hiệu cho thấy nhóm nổi dậy không thể từ bỏ bạo lực.
Còn về phía chính phủ Afghanistan, sau khi được thông tin về các cuộc gặp mặt giữa Mỹ và Taliban, họ đánh giá, ông Khalilzad đã không đạt được đủ nhượng bộ từ phía Taliban để đảm bảo sự ổn định sau khi Mỹ rời đi.
Một quan chức chỉ ra, thỏa thuận Mỹ-Taliban chưa chắc có thể giúp đạt được một cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 28/9 như ông Ghani yêu cầu. Thay vì yêu cầu một lệnh ngừng bắn toàn quốc, thỏa thuận chỉ kêu gọi giảm bạo lực tại Kabul và Parwan. Và điều đó, có thể cho phép Taliban tiếp tục hành xử với vị thế của "Tiểu vương quốc Hồi giáo" – như những gì họ đã làm khi cai trị Afghanistan từ năm 1996 – 2001.