Hé lộ thế lực quỷ ám trong phim kinh dị 'Cám'

Lấy chất liệu dân gian cổ tích Tấm Cám, nhà làm phim đã xây dựng sự ghê rợn từ những hủ tục, mà chỉ cần nghe thấy đã rùng mình kinh hãi.

Với sự đầu tư bài bản và chỉn chu, phim kinh dị 'Cám' được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế trầm lắng của thị trường điện ảnh hiện tại.

Với sự đầu tư bài bản và chỉn chu, phim kinh dị 'Cám' được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế trầm lắng của thị trường điện ảnh hiện tại.

Dị bản rướm máu

Phim điện ảnh kinh dị “Cám” vừa chính thức công bố poster và trailer hé lộ một góc nhìn mới lạ về cổ tích Tấm Cám đúng chất dị bản đẫm máu. Đây cũng là phim điện ảnh được giới phê bình đánh giá cao, đồng thời là một trong những bộ phim với hi vọng sẽ phá vỡ sự trầm lắng của thị trường điện ảnh Việt thời gian qua.

“Cám” là dự án điện ảnh được thực hiện bởi ê-kíp “Tết ở làng địa ngục” và “Kẻ ăn hồn”, từ bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân.

“Cám” lấy chất liệu từ cổ tích dân gian Tấm Cám, điều này cho phép nhà làm phim xây dựng bản điện ảnh cổ trang, sáng tạo chất ghê rợn từ hủ tục và không khí liêu trai, đẫm máu.

 Poster về bàn chân thử giầy trong phim kinh dị 'Cám'.

Poster về bàn chân thử giầy trong phim kinh dị 'Cám'.

Trong hình ảnh poster và trailer vừa được hé lộ, khán giả dễ thấy và chú ý nhất đến dung mạo dị dạng, ngũ quan lệch lạc của nhân vật Cám cùng các chi tiết tà thuật ghê rợn. Điều này hứa hẹn “Cám” sẽ là tựa phim giải trí độc đáo, khi nhà sản xuất dự kiến khởi chiếu bộ phim vào ngày 27/9 tới đây.

Là dị bản cổ tích Tấm Cám, phim điện ảnh “Cám” không thể thiếu những chi tiết được mong đợi từ nguyên bản. Đã có Tấm và Cám thì ắt phải có lễ thử hài (giầy) và hình dáng chiếc hài - một vật định tình quan trọng giữa hoàng tử và nàng Tấm.

Trên thân chiếc hài đặc biệt còn có họa tiết thêu chỉ vàng chim vàng anh - một biểu tượng gắn liền cô Tấm trong phiên bản cổ tích. Tuy nhiên điều đáng nói là bàn chân ai đó lại mang đầy vết lở loét rướm máu, đang đưa chân ướm giầy giữa không khí u ám đến lạnh gáy ở gần giếng cá bống.

Trái ngược vẻ đẹp thôn quê mộc mạc chân thực đầu trailer, câu chuyện ở làng Hương bỗng trở nên rùng rợn kể từ sau câu gọi “bống bống bang bang” của chị em Tấm Cám. Mọi sự xảy đến với ngôi làng và hàng loạt biến cố ập đến tận nhà ông lý trưởng đều quỷ quái, tàn khốc, khác xa những gì người ta nhớ về cổ tích Tấm Cám.

Từ những khung hình đầu tiên, dung mạo dị dạng bất thường của Cám (Lâm Thanh Mỹ) cũng được tiết lộ là nguồn cơn của toàn bộ bi kịch gia đình ông lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường). Đối với ông Cả Hương (Mai Thế Hiệp) - ông nội Tấm Cám chính là nỗi ô nhục của cả dòng họ.

Ngoài ra, có thể thấy điểm mới lạ phát hiện rõ nhất là mối quan hệ chị em Tấm - Cám chẳng hề đối đầu mà rất yêu thương nhau. Tấm (Rima Thanh Vy) xinh đẹp phúc hậu luôn kề cận, bảo vệ đứa em Cám tự ti và thường phải che khuất nửa khuôn mặt biến dạng nhằm tránh lời đàm tiếu.

Khán giả cũng lần lượt nhìn thấy những chi tiết quen thuộc trong phiên bản cổ tích Tấm Cám, từ giếng cá bống cho đến hành động nhặt thóc, quả thị, hội đình. Tuy nhiên, có điều gì đó khiến mẹ kế (Thúy Diễm) uất ức, cha ruột gặp vong oán, hội thử giầy diễn ra kỳ dị, hàng loạt cái chết bí ẩn. Đặc biệt, hình ảnh về lễ tế trinh nữ được chủ trì bởi ông Hai Hoàng - người buổi sáng vẫn là bậc trưởng làng đạo mạo, càng khiến công chúng tò mò hơn.

Ê-kíp sản xuất cũng vén màn về ngày mẹ kế sinh hận khi đẻ ra đứa con bị ứng lời nguyền. Ngày Cám ra đời cũng là lúc báo hiệu chuỗi tai ương như đám mây đen đang dần kéo đến.

Ngoài ra, loạt chi tiết quỷ dị như bộ móng quỷ, ác quỷ mặt đỏ ba mắt, gương mặt Cám bất ngờ đầy máu, xác người bị lột da, đôi tay rực máu ôm nắm cơm giòi, đàn tế lễ dâng cô gái… cho thấy mức độ kinh dị và đen tối của bản phim lấy chất liệu dân gian Việt.

Kỳ vọng lớn

 Tạo hình nhân vật Cám.

Tạo hình nhân vật Cám.

Trước “Cám” (2024), điện ảnh Việt từng có một phim cải biên từ cổ tích Tấm Cám là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (2016) do Ngô Thanh Vân làm đạo diễn, và từng thu về hơn 66 tỷ đồng. Với phim “Cám”, đạo diễn và nhà sản xuất sẽ kỳ vọng thế nào?

Trả lời Báo GD&TĐ, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng: “Với tôi, một bộ phim thành công là bộ phim được khán giả yêu mến. Vì vậy, tôi rất hi vọng sự nỗ lực hết mình của cả một tập thể sẽ mang đến cho khán giả một bộ phim hay, chỉn chu và mới lạ”.

Phim “Cám” kể câu chuyện hư cấu, không xác định rõ niên đại. Theo cố vấn của các chuyên gia sử học cùng tài liệu tìm thấy được về các phiên bản Tấm Cám, ê-kíp thực hiện các bộ trang phục để phản ánh cuộc sống của người dân Việt Nam thời phong kiến.

Trong hoàn cảnh thị trường điện ảnh Việt đang khá ảm đạm, việc loạt phim kinh dị sắp ra mắt - trong đó có “Cám” được giới phê bình điện ảnh hi vọng sẽ phá vỡ sự trầm lắng hiện tại. Từng kinh qua một số bộ phim kinh dị nổi tiếng, nhà sản xuất Hoàng Quân tin tưởng những tác phẩm có câu chuyện hay, mới mẻ, sáng tạo và được sản xuất một cách chỉn chu, tâm huyết sẽ được khán giả ủng hộ.

“Tôi và đạo diễn Trần Hữu Tấn làm phim điện ảnh “Cám”, với tâm thế như vậy. Nghĩa là tôi tin vào việc “Cám” đã được ấp ủ, đầu tư trên tinh thần tạo ra một câu chuyện có nội dung hay, mới mẻ trên nền các chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam, với chất lượng sản xuất chỉn chu, tốt nhất có thể.

Thị trường phim Việt vô cùng khắc nghiệt, và tôi hiểu khán giả đang đặt nhiều kỳ vọng thông qua sự ủng hộ của họ đối với phim Việt. Một cách tích cực, tôi hi vọng khán giả sẽ nhìn thấy những nỗ lực này của đội ngũ sản xuất phim “Cám””, nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ.

“Phải nói rằng, các câu chuyện cổ tích dân gian của nước ta ngoài tính hấp dẫn, giá trị nhân văn ra, bản thân mỗi câu chuyện còn chứa đựng nhiều góc nhìn khác nhau. Ở truyện cổ tích Tấm Cám cũng vậy, ngoài câu chuyện chính mà chúng ta biết, thì vẫn còn rất nhiều phiên bản, dị bản được kể lại. Vì vậy, tôi tin rằng bản thân mình và nhà sản xuất Hoàng Quân cùng các anh em ê-kíp đang kể câu chuyện theo góc nhìn khác lạ kết hợp trong thể loại “kinh dị”, nhằm mang đến cho khản giả một bộ phim vừa lạ vừa quen” - Đạo diễn Trần Hữu Tấn.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/he-lo-the-luc-quy-am-trong-phim-kinh-di-cam-post696857.html