Hé lộ tiến độ chuyển giao các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt
Bốn ngân hàng yếu kém gồm DongABank và 3 ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng là CBBank, OceanBank, GPBank đang được Ngân hàng Nhà nước rốt ráo trình Chính phủ các phương án tái cơ cấu...
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội, trong đó đề cập tới các nhiệm vụ liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Theo đó, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Cơ quan này cũng đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng mua bắt buộc.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, việc cơ cấu cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg mới đạt được 5/9 mục tiêu đề ra, còn 4 mục tiêu chưa đạt...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu chủ trương, định hướng cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém để xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Liên quan đến tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, được kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét cho phép thí điểm việc phá sản đối với một số đối tượng sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn hệ thống. Đối tượng thí điểm là các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém/bị kiểm soát đặc biệt có quy mô nhỏ (lượng tiền gửi và người gửi tiền ít); không còn tiền gửi hoặc có tiền gửi trong hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, nhất là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt. Chỉ đạo Vietcombank, Vietinbank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của Agribank.
Đối với việc cổ phần hóa Agribank, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc ban hành quyết định cổ phần hóa, thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Agribank.
Đến cuối tháng 02/2023, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180,4 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.254,5 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5,94 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5,37 triệu tỷ đồng.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Đến cuối tháng 02/2023, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 469,5 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.883,8 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.728,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5.114,3 nghìn tỷ đồng.
Đối với các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 06 đơn vị.