Mẫu máy bay siêu thanh không người lái SR-72 là dự án tối mật của Không quân Mỹ, được Lockheed Martin thiết kế để đạt tốc độ hơn 6.437km/h, trở thành máy bay siêu thanh nhanh nhất thế giới, được dự báo sẽ gây áp lực cực lớn lên Nga và các đối thủ khác. Với tốc độ siêu nhanh đó, SR-72 trở thành máy bay siêu vượt âm và có thể lẩn tránh những máy bay chiến đấu phản lực hiện nay.
SR-72 được xem là máy bay kế nhiệm của mẫu SR-71 “Blackbird” từng lập kỷ lục tốc độ vào năm 1974 và ngừng hoạt động năm 1998 sau khi giữ ngôi máy bay có người lái nhanh nhất. SR-72 là máy bay siêu thanh không người lái và có thể tái sử dụng. Chức năng cơ bản của nó bao gồm các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
SR-72 được thiết kế có phần hiện đại, liền mạch, và có tính khí động học cao hơn hẳn người tiền nhiệm. Hai khối động cơ cùng các ống Pitot ở mũi máy bay được ẩn sâu vào bên trong kết cấu thân nhằm giảm lực cản không khí và diện tích phản xạ sóng radar. Hai cánh đứng ở đuôi cùng khung thân cũng có phần "phẳng" và nhỏ gọn hơn, không còn nhiều chi tiết nhô ra bên ngoài.
Sở dĩ SR-72 có hình dáng đặc biệt này bởi nó được thiết kế để đạt tốc độ tối đa đến Mach 6 (khoảng 7400 km/h). Các kỹ sư có lẽ sẽ ứng dụng kết cấu khung thân từ mẫu máy bay thử nghiệm X-15, kết hợp cùng các vật liệu chịu lực, chịu nhiệt mới như hỗn hợp carbon, gốm; giúp SR-72 không bị nổ tung bởi sức cản và nhiệt độ cực lớn.
Giúp sức cho SR-72 đạt được vận tốc Mach 6 là một thiết kế động cơ cũng không kém phần đặc biệt, bao gồm hai động cơ phản lực Turbojet thông thường và hai động cơ Scramjet. Chúng sẽ được chia đều để nằm cùng một khoang ở mỗi bên máy bay, và sẽ thay phiên hoạt động ở những dãy tốc độ tương ứng: Hai động cơ phản lực Turbojet sẽ hoạt động khi cất cánh và bay ở tốc độ dưới Mach 3. Khi ở tốc độ từ Mach 3 đến Mach 6, chúng sẽ được tắt để đảm bảo không bị phá hủy do vận tốc lớn hơn giới hạn chịu đựng của vật liệu. Máy bay khi này sẽ vận hành bằng hai động cơ Scramjet.
Động cơ Scramjet - Supersonic Combustion Ramjet (tạm dịch: động cơ phản lực đốt siêu thanh) là một biến thể của động cơ Ramjet. Với động cơ này, quá trình đốt cháy nhiên liệu sẽ diễn ra trong luồng không khí siêu thanh và sẽ đạt hiệu suất càng cao khi vận hành ở vận tốc càng lớn.
Được chăm chút kỹ lưỡng hơn Blackbird, nên SR-72 cũng sẽ có khả năng sử dụng được các loại vũ khí phóng từ khoang chứa trong thân của nó. Đó có lẽ sẽ là loại tên lửa lửa siêu thanh AGW-183A vừa được thử nghiệm thành công gần đây bởi không quân Mỹ, với các thông số ấn tượng như tốc độ Mach 5 (6100 km/h), và tầm hoạt động trên dưới 1600 km.
Khả năng chiến đấu của mẫu máy bay khiến nó lý tưởng để tấn công mục tiêu trong môi trường nguy hiểm, gặp rủi ro cao đối với người lái. Theo các báo cáo, phương tiện có thể bắn vũ khí siêu thanh nhanh hơn bất kỳ hệ thống nào khác và lập tức đạt tốc độ siêu thanh.
Ngoài ra, nó có thể duy trì tốc độ cao trong thời gian dài hơn. SR-72 có kích thước tương tự SR-71, dài hơn 30 m. Tốc độ trên 6.437 km/h rất quan trọng đối với quân đội bởi phương tiện cho phép họ tới đích nhanh chóng. Ví dụ, ở tốc độ này, thời gian bay từ Mỹ tới châu Âu sẽ rút ngắn xuống 1,5 giờ. Với tốc độ siêu nhanh đó, SR-72 trở thành máy bay siêu vượt âm và có thể lẩn tránh những máy bay chiến đấu phản lực hiện nay.
Chương trình SR-72 tập trung vào phát triển hệ thống đẩy siêu thanh chu kỳ kết hợp dựa trên turbine (TBCC) tái sử dụng hoàn toàn. Hệ thống đẩy đó là một loại động cơ phản lực hút khí ngoài kết hợp động cơ turbine phản lực cánh quạt sử dụng ở nhiều máy bay chiến thuật hiện đại với động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm, có thể đạt và duy trì tốc độ trên Mach 5 (6.174 km/h), thậm chí vượt qua Mach 10 (12.348 km/h).
Tốc độ SR-72 có thể tăng vọt là nhờ hệ thống đẩy chu kỳ kết hợp dựa trên turbine (TBCC) mới kết hợp với động cơ phản lực dòng thẳng chế độ kép hiện nay. Theo Lockheed Martin, nguyên mẫu SR-72 sẽ cất cánh bay thử nghiệm vào năm 2025 và có thể đi vào hoạt động trong năm 2030.
Lý Thùy