Hé lộ về Triều Tiên kể từ khi 'kín cổng cao tường' chống Covid-19
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Triều Tiên đóng cửa để phòng dịch, khiến cho thế giới càng tò mò hơn về những bí ẩn bên trong đất nước này.
Kể từ lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giao lưu với phóng viên nước ngoài tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019, cho đến nay, thông tin về đất nước này ngày càng ít ỏi khiến thế giới không khỏi thắc mắc: Cuộc sống bên trong "quốc gia bí ẩn" đang diễn ra như thế nào?
Cánh cửa của Triều Tiên với thế giới tiếp tục đóng chặt sau quyết định phong tỏa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Thậm chí, từ tháng 1/2020, Bình Nhưỡng đã đóng cửa và hạn chế giao thương thường xuyên với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của nước này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong tiếp cận nguồn tin về Triều Tiên. Một trong số đó là việc hàng loạt các nhà ngoại giao, nhân viên cứu trợ, đặc phái viên kinh tế... đã rời đi.
Mất đi kênh thông tin tương tác quan trọng đó đã khiến cho việc đưa ra các quyết sách can dự vào Triều Tiên và phương hướng đàm phán nhằm vào chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Lo sợ về đại dịch
Các nhà phân tích nhận định, Triều Tiên đang cực kỳ cẩn thận trước đại dịch, nhưng cũng có một chút thái quá.
Ngày 9/9, thế giới có thêm cơ hội nhìn bên trong Triều Tiên, khi truyền thông nước này công bố loạt hình ảnh về cuộc duyệt binh kỷ niệm 73 năm Quốc khánh, trong đó có đoàn diễu hành mặc áo bảo hộ màu cam, được cho là đơn vị phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Những tiết lộ hiếm hoi đó phần nào cung cấp thêm thông tin và manh mối cho các nhà phân tích, nghiên cứu về tình hình Triều Tiên hiện nay.
Theo ông Kim Joon-hyung, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Handong của Hàn Quốc và là cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Moon Jae-in: “Triều Tiên ngày càng bị phủ bóng bởi nhiều vấn đề phức tạp. Covid-19 cùng các lệnh trừng phạt chính là những mối đe dọa hiện hữu”.
Triều Tiên vốn luôn được coi là đất nước bí ẩn nhất thế giới và số lượng phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại đây không nhiều.
Nhưng ít ra, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hãng tin AP vẫn có văn phòng ở Bình Nhưỡng. Còn hiện nay, hầu hết các nhà báo nước ngoài đã rời đi và điều đó càng khiến cho thông tin về đất nước này ngày càng ít hơn.
Thiếu sự gắn kết
Theo ông Frank Aum, chuyên gia cao cấp về Đông Bắc Á tại Viện Hòa bình Mỹ và là cựu quan chức Lầu Năm Góc, sự thiếu gắn kết giữa Mỹ và Triều Tiên xuất phát từ một số mâu thuẫn trong những động thái gần đây.
Đặc phái viên của Tổng thống Biden về vấn đề Triều Tiên Sung Kim luôn thể hiện thiện chí gặp gỡ với những người đồng cấp Triều Tiên “mọi lúc, mọi nơi” để khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ.
Mặt khác, Mỹ nới rộng khoảng cách với Triều Tiên hơn khi gia hạn lệnh cấm đi lại và tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Ông Aum cũng nói thêm: “Trở ngại lớn nhất hiện nay chính là thiếu sự tương tác với Triều Tiên”.
Từ đầu năm 2020, hầu hết các nước phương Tây đã rút nhân viên ngoại giao tại Triều Tiên về nước vì tình trạng thiếu lương thực và vật tư y tế. Chỉ có một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Syria và Cuba vẫn giữ các nhân viên ngoại giao ở lại.
Ngay cả số lượng người đào tẩu khỏi Triều Tiên cũng giảm mạnh. Trong quý 2/2021, chỉ có hai người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc, con số được ghi nhận thấp nhất trong 18 năm qua. Và điều đó càng hạn chế hơn nữa nguồn tin về cuộc sống ở Triều Tiên.
Đặc biệt, theo ông Robert Lauler, biên tập viên tiếng Anh của tờ Daily NK, sự thận trọng của Triều Tiên hiện nay càng khiến việc tiếp cận các nguồn tin trực tiếp từ chính phủ trở nên khó khăn hơn.
Theo Liên hợp quốc, những khoảng trống thông tin ngày càng khiến các nhà phân tích và các nhóm nhân đạo lo ngại vì đây là thời điểm mà những người dân Triều Tiên đang gặp phải tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Đầu tháng 9, truyền thông nhà nước đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phải kêu gọi nỗ lực ngăn chặn thiệt hại kinh tế do thiên tai và dịch Covid-19 gây ra.
Hơn nữa, một số dấu hiệu cho thấy ông Kim đã không còn xuất hiện trên trường quốc tế, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, với bước ngoặt là sự đổ vỡ của cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 2/2019.
Các nhà phân tích cho biết, kể từ cuối năm 2019, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đẩy mạnh tần suất tuyên bố về khả năng tự cường. Đồng thời, các bài bình luận về các vấn đề đối ngoại không thường xuyên xuất hiện như trước đây.