Hé lộ vụ cướp tại sân bay chấn động nước Mỹ từ loạt cái chết bí ẩn
Phi vụ dường như là một tội ác hoàn hảo cho đến khi những kẻ tham gia bị diệt khẩu từng người một.
Ngày 11/12/1978, 6 người đàn ông che mặt, trang bị vũ khí đột nhập vào kho hàng của hãng hàng không Lufthansa Airlines tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy (JFK, bang New York, Mỹ). Chỉ trong 1 giờ đồng hồ, những tên cướp đã lấy đi thành công 5,8 triệu USD tiền mặt và trang sức mà không cần nổ súng. Đây được coi là vụ cướp với giá trị tiền mặt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ tính tới thời điểm đó.
Phi vụ dường như là một tội ác hoàn hảo cho đến khi những kẻ tham gia từng người bị diệt khẩu một. Các nhà chức trách chưa bao giờ tìm ra số tiền hay đồ trang bị sức bị đánh cắp nhưng họ liên tục bận rộn trước hàng chục thi thể và sự mất tích của những người liên quan đến vụ cướp. Một số người bị bắn vào đầu theo kiểu hành quyết. Một thi thể khác bị trói và giấu trong xe tải đông lạnh thịt. Một người phụ nữ mất đầu trôi dạt vào bờ biển New Jersey.
Sau cuộc điều tra kéo dài hàng thập kỷ, chỉ có một đối tượng bị kết án trong vụ trộm.
Quy tụ nhiều ‘trùm sò’
Vụ cướp táo tợn trên là ý tưởng ban đầu của một giám sát viên hàng hóa của hãng hàng không Lufthansa tên là Louis Werner. Bị dồn vào bước đường cùng trước khoản nợ do cờ bạc lên tới 20.000 USD, Werner tiếp cận tay chuyên cá cược Martin Krugman, tiết lộ về những khoản tiền khổng lồ chuyển từ Đức về và được cất giữ tạm thời tại kho hàng JFK của hãng hàng không. Werner yêu cầu Krugman tìm kiếm đồng bọn.
Với lời đề nghị từ Werner, Krugman đã chuyển lời đến trùm xã hội đen buôn bán ma túy Henry Hill. Tay này đã lôi kéo thêm bạn bè của mình Jimmy “the Gent” Burke – một kẻ đầu sỏ khác có băng nhóm cướp khét tiếng, thường làm các phi vụ cướp xe tải chở hàng từ sân bay, và Paul Vario, một tên trùm trong gia đình tội phạm khét tiếng Lucchese.
Theo tài liệu của tòa án, Werner đã “phím trước” cho băng đảng tin tức một lô hàng tiền mặt lớn sẽ được đưa đến kho hàng hóa vào ngày 9/12 và giữ lại đây suốt 2 ngày cuối tuần trước khi được chuyển đến ngân hàng vào thứ hai tuần sau.
Ba giờ sáng thứ hai, ngày 11/12, 6 người đàn ông trùm mặt lái chiếc xe Ford Econoline 150 màu đen đến trước cửa kho hàng Lufthansa. 12 phút sau, một nhân viên vận chuyển hàng hóa tên Kerry Whalen đã phát hiện ra chiếc xe khả nghi gần đó và đi tới kiểm tra. Ngay lập tức, anh ta bị đánh gục bằng súng lục và bị kéo vào trong xe. Ví của anh bị lấy đi và gia đình anh ấy bị đe dọa. Không còn lựa chọn nào khác, Whalen đồng ý hợp tác với những tên cướp.
Khi Whalen đang bị giam giữ, một nhân viên khác trong kho đã nghe thấy tiếng động và cũng đến định kiểm tra. Khi anh bước vào bến bốc hàng, 6 tên cướp phục kích. Cầm theo chiếc chìa khóa do Werner cung cấp, nhóm cướp này bước vào nhà kho và bắt những nhân viên còn lại, nhốt tất cả vào phòng nghỉ, lấy hình ảnh Whalen bị đánh đập ra đe dọa những người còn lại.
Sau khi nhốt chung tất cả nhân viên, một trong những tên cướp ra lệnh cho nhân viên quản lý cấp cao tại kho tên Rudi Elrich để lấy mật mã đột nhập vào căn hầm được bảo vệ 2 lớp cửa. Với sự hướng dẫn từ trước từ Werner, cùng với thao tác của Elrich, những tên cướp nhanh chóng tiếp cận kho tiền và lấy đi 40 thùng tiền mặt, trang sức. Theo lời cảnh báo của Werner, hệ thống cửa đôi bảo vệ hầm tiền của kho hàng hóa này cực kỳ phức tạp. Bất kỳ sơ suất nào xảy ra cũng có thể dẫn đến việc hệ thống an ninh được kích hoạt. Một khi điều đó xảy ra, nhóm cướp sẽ không có cơ hội trốn thoát vì cảnh sát cảng vụ có thể phong tỏa toàn bộ sân bay trong vòng chưa đầy 90 giây.
Đến 4h16, toàn bộ tiền đánh cắp đã được chất lên xe tải Econoline bên ngoài. Mặc dù 4h21 những tên cướp đã lái xe ra khỏi kho hàng nhưng đến 4h30, những người nhân viên kho mới gọi điện báo cho chính quyền. Chỉ trong 64 phút, những tên cướp cao chạy xa bay khỏi JKF với khoản tiền kếch xù.
Sơ suất nhỏ phá hủy tội ác hoàn hảo
Vụ cướp kho hàng Lufthansa có thể là một tội ác hoàn hảo nếu nó không có bước đi sai lầm ích kỷ của một trong những kẻ tham gia.
Ngày 13/12, hai ngày sau vụ trộm, cảnh sát nhận được cuộc gọi từ một sĩ quan tuần tra báo cáo về một chiếc xe tải lớn đậu trong khu vực cấm đỗ xe ở Canarsie, Brooklyn. Nhân viên tuần tra cho biết chiếc xe này khớp với vẻ ngoài chiếc xe tải do nhân viên Lufthansa miêu tả.
Cảnh sát điều tra và chuyên gia dấu vân tay ngay lập tức có mặt tại hiện trường và tịch thu chiếc xe vì tin rằng đó chính là chiếc Ford Econoline được thấy ở sân bay JFK. Sau khi đi vào điều tra sâu hơn, dấu vân tay thuộc về Parnell Edwards. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Edwards đã bị đồng bọn trừ khử do mắc sai lầm.
Edwards được giao nhiệm vụ xử lý chiếc Ford Econoline sau khi số tiền được chuyển đi. Ngay sau vụ trộm, hắn ta được lệnh đưa chiếc xe tải đến một bãi nghiền ô tô ở New Jersey và vứt nó tại đây. Thay vì đi thẳng đến New Jersey, Edwards đi đường vòng đến nhà bạn gái ở Canarsie. Tại đây, vì say thuốc và rượu, hắn để quên chiếc xe tải đang bị truy nã trong khu vực cấm đậu xe. Với sai lầm của Edwards, Jimmy Burke quyết định diệt khẩu đồng bọn.
Theo Henry Hill - người sau này trở thành nhân chứng và giúp đưa Burke cùng những người khác vào tù, sai lầm của Edwards đã khiến Burke rơi vào trạng thái lo lắng tột độ. Cục Điều tra Liên bang (FBI) chỉ mất ba ngày sau khi tìm thấy chiếc xe tải để xác định Burke là kẻ chủ mưu và băng nhóm của hắn ta là thủ phạm.
Trong lòng như có lửa đốt, Burke thề rằng sẽ giết bất kỳ ai có thể “hé răng’ tiết lộ hắn ta liên quan đến vụ trộm Lufthansa.
Edwards là nạn nhân đầu tiên bị tay chân của Burke là Tommy DeSimone và Angelo Sepe giết tại căn hộ của hắn ta. Tiếp theo là Krugman. Sau đó là một số tay súng mà Burke chiêu mộ, cùng với một số thành viên gia đình. Trong vòng sáu tháng, hầu hết tất cả những người liên quan đến vụ trộm đều chết hoặc mất tích, bao gồm Frank Burke, con trai của Jimmy.
Chương cuối của vụ trộm
Với việc Jimmy Burke diệt khẩu hầu như tất cả những người liên quan đến vụ cướp Lufthansa, gần như không còn ai phải vào tù nếu họ thực sự bị bắt. 40 năm sau vụ cướp Lufthansa, chỉ có một người đàn ông phải ngồi tù vì liên quan trực tiếp đến tội ác.
Louis Werner bị bắt 4 tháng sau vụ trộm vì cung cấp cho bọn cướp thông tin nội bộ nhà ga. Hắn ta bị kết án vào tháng 5/1979 và phải ngồi tù 15 năm.
Năm 1980, Henry Hill bị bắt vì buôn bán ma túy. Lo sợ Burke sẽ giết mình để ngăn hắn hợp tác với chính quyền, Hill tình nguyện làm người cung cấp thông tin cho FBI để đổi lấy sự bảo vệ. Sau khi cung cấp cho chính quyền những thông tin có giá trị về Burke, Hill tham gia Chương trình Bảo vệ Nhân chứng và biến mất.
Cả Vario và Burke đều vào tù sau khi Hill cung cấp lời khai, nhưng cả hai vụ án đều không liên quan gì đến vụ trộm Lufthansa. Vario bị bắt vì tội gian lận, đánh bạc và cho vay nặng lãi, trong khi Burke bị bắt vì dàn dựng tỷ số trong các trận đấu bóng rổ. Cả hai người đều chết trong tù, Vario vào năm 1988 và Burke vào năm 1996.
Cho đến ngày nay, vụ cướp Lufthansa vẫn là một trong những vụ án dài nhất, chưa kể đẫm máu nhất và lâu đời nhất, trong lịch sử nước Mỹ.