Hệ lụy của sự mập mờ
Ở châu Âu vừa xảy ra chuyện rất lạ lùng. Trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, Thụy Điển xảy ra gần như đồng thời 3 vụ rò rỉ khí đốt ở hai tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 chạy từ Nga ngầm qua khu vực biển ấy sang Đức. Nord Stream 2 đã được xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào sử dụng.
Nord Stream 1 được sử dụng từ nhiều năm nay nhưng hiện tại cũng ngừng hoạt động. Vào thời điểm ngay sau khi xảy ra vụ việc nói trên, 3 nước Nauy, Đan Mạch và Ba Lan khánh thành tuyến đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe từ Nauy qua Đan Mạch sang Ba Lan. Phía Ba Lan ngợi ca việc này là sự khởi đầu của kỷ nguyên có chủ quyền hoàn toàn về cung ứng khí đốt và không còn lệ thuộc gì vào cung ứng khí đốt của Nga.
Tất cả những chuyện này diễn ra trong bối cảnh tình hình cả châu Âu bị tác động bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cùng với cuộc đối địch không khoan nhượng giữa Mỹ, EU, NATO và đồng minh với Nga, EU đang khủng hoảng năng lượng và Nga hạn chế cung ứng khí đốt cho EU. Trong khi EU thiên về đánh giá hai tuyến đường ống kia bị phá hoại và một cá nhân không có đủ khả năng về kỹ thuật để gây ra mức độ phá hoại như thế thì Nga chưa ngả hẳn về khả năng nào.
Trong EU hiện mới chỉ nghe thấy từ Ba Lan có ý kiến cho rằng Nga là thủ phạm. Vì hiện chưa thể xác định được thủ phạm nên mập mờ và ám chỉ là quan điểm phổ cập nhất. Đương nhiên, phía EU và một số nước thành viên rất muốn xác minh ra được Nga là thủ phạm. Khi cả hai tuyến đường ống đều không hoạt động thì Nga đâu cần phá hoại chúng để kiếm cớ ngừng cung ứng khí đốt cho EU.
Cho dù sự thật chuyện này như thế nào thì hệ lụy của tình trạng mập mờ hiện tại vẫn rất tai hại. Nó làm gia tăng mức độ bất an và lo ngại trong EU về cung ứng năng lượng trong mùa Đông sắp tới. Nó làm giá năng lượng tiếp tục leo thang trên châu lục. Và đặc biệt, nó làm cho mối quan hệ giữa EU với Nga thêm phức tạp, thêm nhạy cảm và thêm căng thẳng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/he-luy-cua-su-map-mo.html