Hệ lụy của thị trường không fair-play với người tiêu dùng

Giá xăng dầu đã liên tục giảm. Người tiêu dùng chờ đợi giá các mặt hàng thiết yếu cũng sẽ giảm nhanh giống như đã tăng rất nhanh khi giá xăng dầu tăng lên. Thế nhưng đã 1 tháng qua, giá tiêu dùng không chỉ giảm nhanh không xảy ra mà 'giảm chậm' cũng chưa thấy.

Câu chuyện về giá xăng dầu đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua khi liên tục tăng và liên tục lập đỉnh giá mới và gần đây là việc giá xăng dầu dần hạ nhiệt, giảm trong nhiều kỳ điều chỉnh. Song song đó có một câu chuyện khác, là hiệu ứng tăng - giảm giá xăng dầu đã phản ứng dây chuyền với giá các sản phẩm khác, đặc biệt là giá các mặt hàng tiêu dùng. Đơn giản là bởi, mỗi khi giá xăng dầu tăng thì chỉ 1-2 ngày sau, thậm chí ngay trong ngày hôm đó, gần như tất cả loại giá khác cũng tăng theo, từ bó rau, con cá… ở chợ cho đến cả những mặt hàng tưởng như không liên quan gì như: mỹ phẩm, quần áo, rượu bia, mì gói, bột ngọt, dầu ăn… trong siêu thị cũng tăng theo. Đó là chưa nói tới các loại giá dịch vụ khác liên quan trực tiếp như giá cước taxi, giá cước vận tải hành khách, giá cước vận tải hàng hóa… gần như tăng đồng thời theo giờ với giá xăng dầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc tại một nhà máy sản xuất trong Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, huyện Chơn Thành

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc tại một nhà máy sản xuất trong Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, huyện Chơn Thành

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, 1 tháng qua, từ đầu tháng 7, giá xăng giảm đã về mức tương đương với giá tại thời điểm tháng 2-2022 - mức ổn định trong thời gian khá dài, song đến nay giá gần như tất cả các loại hàng hóa vẫn chưa thay đổi. Nhiều mặt hàng thiết yếu được sử dụng hằng ngày như: thịt heo, trứng gia cầm, rau, củ, quả… hiện vẫn chưa giảm. Các loại dịch vụ cũng tương tự, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trả lời truyền thông, đại diện các siêu thị, chuỗi cửa hàng, tiểu thương trong chợ cho rằng, giá xăng dầu thường được điều chỉnh 10 ngày/lần và theo giá thị trường. Giá xăng dầu hiện đã giảm nhưng doanh nghiệp sản xuất chưa thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa, phải theo xu hướng giá chung, theo lộ trình. Nguồn cung nguyên liệu cũng chưa giảm giá. Sản phẩm từ lúc sản xuất đến khi ra tới thị trường phải mất một khoảng thời gian nhất định…

Tiểu thương kinh doanh các mặt hàng nông sản - thực phẩm thì cho rằng, nông sản có tính chất mùa vụ và biến động phụ thuộc vào thời tiết chứ không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Còn thịt heo, vịt, gà… có nhiều loại chi phí, xăng dầu chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu giá thành sản phẩm nên giá chưa thể giảm. Đây cũng là lý giải của gần như tất cả mặt hàng khác.

Có thể thấy lý do được đưa ra rất nhiều và gần như lý nào cũng đúng, kèm theo đó là nhắn nhủ người tiêu dùng bình tĩnh rằng xăng dầu đã giảm giá, nhưng giá các mặt hàng khác thì cứ từ từ và chưa biết có giảm hay không. Tại sao khi xăng dầu tăng giá, ngay lập tức giá các mặt hàng khác cũng tăng theo, thế nhưng khi giá xăng dầu giảm, giá các mặt hàng khác không giảm và luôn có những lời giải thích nghe rất thỏa đáng. Từ thực tế đó nhiều năm qua, người tiêu dùng đã đúc kết vui rằng: Khi “xăng tăng cái gì cũng tăng”, nhưng “xăng giảm đừng chờ cái gì cũng giảm” và giá tiêu dùng đã lên thì không xuống!

Một bài toán rất đơn giản ai cũng có thể tính được là khi giá xăng dầu giảm sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi cho giảm giá thành sản xuất, từ đó tất nhiên giá bán sản phẩm cũng phải giảm mới đúng quy luật của thị trường. Đáng tiếc, thực tế điều đó chỉ luôn đúng khi giá xăng dầu tăng, còn ở chiều ngược lại khi giảm lại không diễn ra.

Giá hàng hóa tăng nhanh theo xăng rồi lại giảm chậm hay không giảm là một nghịch lý. Và nghịch lý ấy tồn tại nhiều năm qua, ai cũng thấy, cũng nói, bởi nó va chạm với cuộc sống, với túi tiền của tất cả mọi người. Thế nhưng, lời giải cho trường hợp này, vẫn là… hãy đợi đấy. Tình trạng “té nước theo mưa”, ăn theo giá xăng dầu chưa được siết chặt quản lý. Thị trường đang không fair-play, không “chơi đẹp” với người tiêu dùng. Còn người tiêu dùng cũng không biết kêu với ai về cuộc chơi không công bằng và thiếu sòng phẳng này.

Để điều hành được giá xăng dầu một cách ổn định, tác động tích cực tới nền kinh tế, Nhà nước đã phải đầu tư một khoản ngân sách không nhỏ hoặc chấp nhận giảm thu ngân sách không nhỏ khi giảm một số loại thuế nhất định. Xã hội càng phát triển càng hướng tới sự công bằng trong mọi góc độ. Không xóa bỏ được nghịch lý về giá như đã nêu trên, không chỉ người tiêu dùng sẽ chịu thiệt, mà việc bình ổn giá xăng dầu, bình ổn thị trường của Nhà nước cũng sẽ kém hiệu quả đi rất nhiều.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/135705/he-luy-cua-thi-truong-khong-fair-play-voi-nguoi-tieu-dung