Hệ lụy 'hoa hồng'
Con gà luộc lên đến tiền triệu, đĩa rau xào cả trăm nghìn đồng, một nắm bún lèo tèo kèm hai miếng chả mỏng dính cũng bị 'chém' đến mấy chục nghìn đồng...
Chuyện du khách bị “thổi giá” đang là chủ đề “nóng” trên các diễn đàn du lịch những ngày qua. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, ngành "công nghiệp không khói" vừa mới khởi sắc trở lại đã vướng phải thị phi ở nhiều phân khúc. Càng những điểm du lịch nổi tiếng ở xa đất liền, câu chuyện về giá cả càng trở nên bức xúc. Kiểu tư duy mạnh ai nấy làm, cạnh tranh thiếu chuyên nghiệp của không ít tổ chức, cá nhân khiến môi trường du lịch chịu nhiều hệ lụy. Du khách một đi không trở lại. Thiệt hại cho cái chung là vô cùng lớn.
Những trường hợp làm ăn chụp giật, bắt bí du khách, khi có thông tin phản ánh đều bị cơ quan chức năng xử phạt nặng. Nhưng xét trên bình diện chung, đó chỉ là cách giải quyết vụ việc. Muốn thiết lập một môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh... thì phải quan tâm đến những giải pháp tổng thể.
Trên các diễn đàn du lịch, người ta nhắc nhiều đến chuyện “hoa hồng”. Đó là những khoản chi bất thành văn của các chủ nhà hàng, doanh nghiệp... Theo đó, để thu hút du khách về phía mình, họ phải chi “hoa hồng” cho các dịch vụ vận tải, tài xế taxi, xe ôm, hướng dẫn khách... Lực lượng này tiếp cận du khách ngay từ cổng sân bay, bến xe. Cứ chỗ nào trả “hoa hồng” cao, họ tìm mọi cách để đưa được du khách tới đó ăn uống, nghỉ dưỡng, mua sắm... Vào dịp học sinh nghỉ hè, nhiều dịch vụ còn đến tận các trường học, gặp gỡ hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm để thuyết phục tổ chức cho học sinh, phụ huynh đi du lịch với khoản “hoa hồng” hấp dẫn...
Và rồi mọi khoản chi phí đều dồn về du khách. Để có lợi nhuận, dịch vụ du lịch phải nâng giá các mặt hàng, hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng. Một món hàng bị “thổi giá” khi có phản ánh của du khách, cơ quan chức năng sẽ xử lý được ngay. Nhưng tràn lan “hoa hồng” trong môi trường du lịch thì vô cùng khó để phát hiện, xử lý, bởi đó là thỏa thuận bất thành văn. Du lịch càng gặp khó, “hoa hồng” càng nở rộ. “Hoa hồng” càng phát triển, du lịch càng vắng khách. Cái vòng luẩn quẩn ấy là một thách thức cho môi trường du lịch, cho văn hóa du lịch.
Giá cả và chất lượng dịch vụ là hai yếu tố cốt lõi để phát triển du lịch. Giá điện tăng, giá xăng tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng... buộc giá cả dịch vụ du lịch tăng theo là một nhẽ. Nhưng sự nở rộ của “hoa hồng” kéo theo sự tăng giá đến chóng mặt thì rõ là bất ổn, không thể chấp nhận. Ấy là chưa nói đến khía cạnh văn hóa, khi du khách cảm thấy bị lừa dối thì rất khó để họ quay trở lại.
Để thu hẹp “đất” của “hoa hồng” thì liên kết, hợp tác phát triển du lịch là giải pháp thông minh được các địa phương ký kết, phối hợp thực hiện. Theo đó, sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp sẽ mang đến cho du khách các tour, tuyến, điểm đến bằng hợp đồng trọn gói, cam kết chất lượng dịch vụ, giá cả minh bạch. Trong trường hợp đi lẻ, các địa phương khuyến cáo du khách cần tìm hiểu kỹ dịch vụ nơi đến, liên hệ nắm thông tin trước để tránh bị “thổi giá”.
Ứng phó với thứ “lệ” bất thành văn thì phải dựa vào những điều đã được xác định thành văn.
Đó là du lịch văn minh!
Mùa hè đến rồi, hãy lựa chọn thông minh để có được những chuyến đi đầy hương sắc hoa hồng, đừng để trở thành nạn nhân của “hoa hồng”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/he-luy-hoa-hong-728959