Hệ lụy khi nam giới bị bụng bia
Trong cơ thể chúng ta, khoảng 90% chất béo nằm ở dưới da. 10% còn lại được gọi là mỡ nội tạng hay mỡ trong bụng. Ở nam giới, sau tuổi 40, lượng testosterone giảm mạnh, calo dư thừa nhiều hơn và bị tích trữ dưới dạng mỡ nội tạng. Khi chúng hết chỗ dự trữ trong bụng, các chất béo sẽ chuyển xuống gan, tuyến tụy và cơ bắp.
Mỡ nội tạng gây ra nhiều nguy hiểm
Gây viêm. Các tế bào mỡ ở một người khỏe mạnh có thể giúp giảm viêm, tự sửa chữa các tổn thương. Nhưng nếu mô mỡ thừa, cơ chế này hoạt động bất thường. Cơ thể kháng lại hormone insulin - chất duy trì lượng đường trong máu. Ngoài ra, mỡ nội tạng tiết ra nhiều adipokine - hóa chất gây viêm - và giải phóng nhiều axit béo hơn vào máu. Chất béo nội tạng còn tạo ra nhiều protein cytokine, gây viêm ở mức độ thấp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh mạn tính khác.
Bệnh tim. Không giống như các tế bào mỡ dưới da, mỡ nội tạng tiết ra hormone và hàng loạt chất hóa học liên quan nhiều bệnh lý ở người lớn tuổi. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa khả năng mắc bệnh tim và vòng eo quá khổ của nam giới, phụ nữ. Ở nhóm có vòng eo lớn nhất, nguy cơ phát triển bệnh tim của họ tăng gấp 2 lần. Cứ 5cm vòng eo tăng lên, nguy cơ bị bệnh tim cao thêm 10%.
Chứng mất trí nhớ. Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra những người ở độ tuổi 40 trở lên là nhóm có mỡ bụng cao nhất. Đàn ông trên 40 tuổi và bị béo bụng cũng có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, bệnh Alzhermer cao gấp 3 lần so với người bình thường.
Đái tháo đường, tăng huyết áp. Mỡ nội tạng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, có thể gây ra các vấn đề lâu dài ảnh hưởng đến mắt, thận, tim, não, bàn chân và dây thần kinh. Ngoài ra, mỡ nội tạng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, hoặc huyết áp cao, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Tăng nguy cơ tử vong. Theo kết quả nghiên cứu trên hơn 350.000 đàn ông và phụ nữ châu Âu, béo bụng làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong sớm ngay cả khi trọng lượng cơ thể bình thường. Ngoài ra, nhóm người có chất béo ở nội tạng cao, nhất là vùng bụng, tiềm ẩn nguy cơ giảm tuổi thọ.
Ung thư. Nam giới bị mỡ nội tạng có nguy cơ bị u tuyến đại trực tràng (polyp tiền ung thư) cao gấp 3 lần bình thường. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định polyp trong đại tràng liên quan tình trạng kháng insulin. Đây có thể là cơ chế làm tăng nguy cơ ung thư ở nam giới bụng bia. Ngoài ra, nam giới dư thừa nhiều mỡ nội tạng, béo bụng, còn làm tăng khả năng bị trầm cảm, tiểu đường tuýp 2, cholesterol trong máu cao, cao huyết áp, rối loạn cương dương và sinh lý yếu....
Làm thế nào để giảm mỡ nội tạng?
Xu hướng tăng mỡ nội tạng trong cơ thể đến từ nhiều nguyên nhân, phụ thuộc gene, nội tiết tố, tuổi tác và lối sống, sinh hoạt. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện thông qua những thay đổi từ bữa ăn và thói quen sinh hoạt. Bởi mỡ nội tạng dễ chuyển hóa thành axit béo, đốt cháy nhanh khi ăn kiêng, tập thể dục.
Chúng ta nên tập luyện, tham gia các hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày, như đi bộ nhanh, đạp xe, tập tạ... Các bài tập săn chắc cơ bụng không triệt tiêu mỡ nội tạng, vì vậy bạn nên phối hợp tập thể dục hợp lý, vận động cơ toàn thân để giảm cân tổng thể và tiêu hao chất béo.
Chế độ ăn uống là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn có bị tích mỡ nội tạng hay không. Nên duy trì cân nặng, chọn thực phẩm ít béo, hạn chế đường, tinh bột xấu. Mỗi bữa ăn nên được chuẩn bị với đủ 4 nhóm dưỡng chất, ít chế biến với dầu mỡ, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả.
Ngủ ít, uống rượu bia, hút thuốc là những thói quen làm tăng tích mỡ nội tạng nhanh chóng. Do đó, chúng ta nên thay đổi lối sống lành mạnh, tích cực, ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe mạnh, tránh được nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Theo khuyến cáo của Trường Y khoa Harvard (Mỹ), người có mỡ nội tạng nhiều sẽ có chu vi vòng bụng lớn hơn 101cm với đàn ông và 89cm với phụ nữ. Mỡ nội tạng thường tích tụ qua thời gian dài. Có nhiều nguyên nhân gây tích mỡ nội tạng như chế độ ăn kém lành mạnh, ít vận động, di truyền, mất cân bằng nội tiết tố, tuổi già, căng thẳng,...
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/he-luy-khi-nam-gioi-bi-bung-bia-post464496.antd