Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
Ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng người dân chặt bỏ cây điều để trồng sầu riêng. Đây là một nghịch lý, vì do nguồn cung thiếu, Việt Nam phải chi gần 2,3 tỷ USD nhập khẩu hạt điều trong hơn 7 tháng qua. Và cũng không phải cây điều là loại cây duy nhất bị phá bỏ để trồng sầu riêng. Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng cảnh báo tình trạng nông dân phá bỏ chanh leo, cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng, bỏ qua những hệ lụy sau này.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/8, nước ta đã xuất khẩu gần 451.600 tấn điều nhân, thu về 2,55 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhân điều xuất khẩu tăng 25,2%, giá trị tăng 22,6%. Năm ngoái, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 644 nghìn tấn, giá trị 3,64 tỷ USD. Ngành điều Việt Nam duy trì vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân trong gần hai thập kỷ qua.
Tuy nhiên, khoảng 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành điều Việt Nam là nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia. Lý do, nguồn cung nguyên liệu nội địa của nước ta khá khiêm tốn do diện tích trồng bị thu hẹp. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,77 triệu tấn hạt điều, giá trị 3,19 tỷ USD; tăng 46,2% về lượng và tăng 19,6% về giá trị so với năm trước đó. Còn tính từ tháng 1 đến 15/8 năm nay, nước ta đã chi ra gần 2,3 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 1,88 triệu tấn hạt điều thô, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành điều Việt Nam gặp không ít khó khăn. Điển hình, đầu năm nay, giá loại hạt này tăng phi mã, nhà cung cấp đòi tăng giá theo hoặc xù đơn hàng, khiến các nhà máy sản xuất điều trong nước lao đao vì thiếu nguyên liệu. Diện tích trồng điều bị thu hẹp dẫn đến nguy cơ chuỗi giá trị điều toàn cầu của Việt Nam bị lung lay và chắc chắn sẽ mất nếu chúng ta không thay đổi chiến lược sản xuất và phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nghịch lý là Việt Nam - quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều - lại gia tăng nhập khẩu điều thô, khiến người trồng điều khó tiêu thụ sản phẩm, giá thu mua hạt điều tươi trong nước giảm. Giá điều nội địa khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thu nhập không đảm bảo nên nhiều nông dân ngậm ngùi chặt bỏ điều để chuyển sang cây trồng khác. Thực trạng trên khiến diện tích cây trồng này ở nước ta giảm dần đều qua từng năm. Cụ thể, từ 440.000ha năm 2007, đến năm 2022 tổng diện tích điều cả nước giảm còn 305.000ha. Năm 2023, diện tích điều giảm còn 300.000ha, sản lượng đạt 347.600 tấn.
Giá hạt điều trồng trong nước khó cạnh tranh với giá hạt điều thô nhập khẩu, cộng thêm “cơn sốt xuất khẩu sầu riêng” đã khiến nông dân ở nhiều vùng đã đốn bỏ cây điều để trồng sầu riêng. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ, ông thấy đắng lòng khi nông dân đốn bỏ cây điều trồng sầu riêng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể, ông từng về huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), đứng trên một vườn trồng điều và nhìn phía bên kia vườn, thấy bà con đang đốn điều để trồng sầu riêng.
Hiện tượng ồ ạt đốn hạ, phá hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu, điều... để chuyển đổi sang trồng sầu riêng là rất đáng lo ngại. Cảnh báo nguy cơ phá vỡ quy hoạch về diện tích trồng, về sản lượng và dễ làm mất cân đối cung cầu. Trong năm nay, đã 2 lần, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo tình trạng tại một số tỉnh phía Nam xuất hiện tình trạng ồ ạt phá bỏ cây cà phê, hồ tiêu để chuyển sang trồng sầu riêng. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc tăng diện tích sầu riêng thiếu kiểm soát, không theo định hướng của các cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Trường hợp cung vượt quá cầu, và trồng tại những khu vực không phù hợp, người trồng sầu riêng rất dễ bị thiệt hại nghiêm trọng như những cơn sốt tiêu, cam sành đã xảy ra.
“Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát và không theo định hướng của các cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Trường hợp cung vượt quá cầu, và nghiêm trọng hơn là tại các vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn, cây sầu riêng dễ ảnh hưởng về năng suất và chất lượng, người trồng dễ bị thiệt hại nghiêm trọng”, Cục Trồng trọt nhận định. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, giải pháp để khắc phục tình trạng này là cần ứng biến theo quy luật thị trường, không thể ngăn bằng công cụ kinh tế khác. Nêu thực tế ở Bình Phước đã tổ chức mô hình khuyến nông trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều để tạo đa tầng giá trị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, nấm linh chi đỏ đem lại thu nhập rất cao nên bà con giữ được tán điều vì có thêm sinh kế. Bộ trưởng ghi nhận Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa dạng nhưng cần đẩy nhanh các sản phẩm OCOP từ cây điều; xây dựng chuỗi chia sẻ liên kết giữa người trồng điều với doanh nghiệp chế biến điều; khắc phục bất ổn khi dân trồng điều mà Việt Nam vẫn phải nhập điều thô từ nước ngoài.