Hệ lụy nghiêm trọng từ giá giấy tăng
Toàn ngành xuất bản thế giới, từ các nhà sáng tạo nội dung, nhà xuất bản, đơn vị in ấn và cả khách hàng đều đang phải thích nghi với cuộc khủng hoảng giấy.
Nhà sáng tạo truyện tranh Davis Dewsbury tại Ontario, Canada đã phải gọi điện tới 13 xưởng in thì mới có thể tìm thấy một nơi in cuốn truyện tranh mới của nhóm ông, Auric: A God in Plastic, với mức giá có thể chấp nhận được.
Đội ngũ sáng tạo phải chạy vạy tìm giấy
Ông Dewsbury là nhà đồng sáng lập của nhóm sáng tác truyện tranh Great North Comics. Ông cho biết ông và các đồng nghiệp đã gọi điện tới các xưởng in trên khắp Ontario, mở rộng quy mô tìm kiếm đến tận Quebec và Winnipeg trước khi tìm đến Ottawa.
Ông Dewsbury nói: “Đây là lần đầu tiên tôi phải bắt đầu tiếp cận với các nhà in khác nhau để xem họ có thể làm gì. ‘Bạn có sẵn giấy gì? Nó có giá bao nhiêu? Sự khác biệt về chi phí là gì?’. Tôi đã phải làm quen với điều này. Trước đây, quá trình in rất dễ dàng”.
Allison O’Toole, một biên tập viên truyện tranh tự do ở Toronto, Canada chia sẻ: “Truyện tranh là thành quả lao động và lòng say mê nghề của hầu hết người làm ra chúng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kinh tế không quan trọng”. Gần đây, O’Toole đã tham gia biên tập và điều hành một chiến dịch huy động vốn cộng đồng để ra mắt tuyển tập Shades of Fear.
Để chuẩn bị cho dự án này, O’Toole đã liên hệ với một nhà in trước đó nhiều tháng. Bà dành 21% kinh phí cho dự án chỉ để in, dự tính sẵn rằng giấy có thể đắt hơn từ 15 đến 20% vào thời điểm cuốn sách được đem đi in.
Steven Andrews, biên tập viên sản xuất của nhà xuất bản cộng đồng TO Comix Press cũng cho biết: “Ra mắt mỗi cuốn sách luôn là một canh bạc với số tiền tiết kiệm cả đời của tôi. Và, thật không may, tôi đã đánh mất hầu hết số tiền đó”. Ông chia sẻ thêm rằng vẫn cảm thấy may mắn khi giữ được sức khỏe và công việc hàng ngày của mình là một nhà phát triển trong ngành công nghiệp game.
Các nhà xuất bản tìm giải pháp
Đối với các nhà xuất bản lớn trên khắp thế giới, họ cũng đã phải tìm kiếm nhiều giải pháp để xoay xở trong tình hình hiện tại. Theo ghi nhận của trang The Guardian, các nhà xuất bản thương mại tại Anh đang tìm cách in trên giấy rẻ hơn và mỏng hơn, giảm số lượng tái bản các sách cũ và xuất bản ít đầu sách hơn để tìm cách giảm chi phí.
Nhiều nhà xuất bản cũng buộc phải trì hoãn việc xuất bản sách mới và chịu thêm chi phí gia tăng từ tình trạng thiếu giấy và chậm trễ vận chuyển.
Theo Financial Times, các nhà xuất bản học thuật ở khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu cho biết lịch in ấn đang kéo dài ít nhất gấp đôi thời gian, buộc họ phải thay đổi kế hoạch xuất bản, sử dụng các loại giấy khác và dùng tới các máy in theo yêu cầu đắt đỏ hơn.
Tim Jones, Giám đốc thiết kế và sản xuất tại Nhà xuất bản Đại học Harvard (HUP), cho biết: “Đối với việc sản xuất sách, đó là một cơn bão mà chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi”.
Ông cho biết thời gian đưa được sách về kho hàng đã tăng từ 8 lên 16 tuần với chi phí xuất bản tăng từ 11% lên 15%.
Trước đại dịch, một tác phẩm mới của Nhà xuất bản Đại học Duke thường mất 4 tuần để đưa từ bàn giấy đến nhà kho, nhưng hiện tại phải mất từ 9 tới 17 tuần.
“Tôi chưa từng gặp tình huống như vậy trong 27 năm qua” bà Amy Ruth Buchanan, Giám đốc phụ trách chỉnh sửa, thiết kế và sản xuất của nhà xuất bản này chia sẻ.
Thêm vào đó, cũng có nhiều thay đổi vào phút chót đối với lịch in khi các đơn vị in phải vật lộn với việc nhà máy ngừng hoạt động, thiếu nhân viên và chậm trễ trong vận chuyển. “Nhiều khi sách không được in đúng lịch hẹn, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng nóng lên lần đầu tiên... Các đồng nghiệp của chúng tôi trong lĩnh vực tiếp thị và phân phối có lẽ đã bạc thêm vài sợi tóc", bà Amy chia sẻ.
Mặc dù xuất bản hàn lâm ít mang tính chu kỳ hơn so với các tác phẩm thương mại, vốn có nhu cầu cao trong thời gian nghỉ hè và lễ Giáng sinh, điều quan trọng là các đầu sách vẫn phải được cung cấp cho các sự kiện học thuật và phục vụ giảng dạy.
Cathy Felgar, Giám đốc phụ trách xuất bản của Nhà xuất bản Đại học Princeton, cho biết họ đã phải lùi ngày xuất bản của 40% số sách kể từ đầu năm nay. Dù đa phần chỉ lùi một vài tuần nhưng tình hình đang ngày càng khó khăn hơn.
Bà Cathy nói: “Số lượng bản in tăng vọt trở lại (sau đại dịch) và không đủ công suất in. Nhà xuất bản Đại học Princeton, nơi có khoảng 250 đầu sách mới hàng năm, đã thực hiện các biện pháp như chọn các loại giấy khác và tìm thêm nhiều cơ sở in nhưng những điều này đã đẩy chi phí lên cao”.
Mặc dù các nhà xuất bản cho biết áp lực có thể giảm bớt vào năm tới nhưng họ cảnh báo sự chậm trễ trong quá trình in ấn vẫn có thể tiếp tục do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu lao động và mọi chi phí đang cao hơn.
Người tiêu dùng phải chịu hậu quả
Trang The Guardian dẫn chia sẻ của bà Valerie Brandes, người sáng lập nhà xuất bản Jacaranda Books Arts Music, cho biết rất có thể giá sách cho người tiêu dùng sẽ phải tăng “trên mọi định dạng sách” từ 10% đến 20%.
Bà Julia Marshall, Giám đốc sản xuất tại nhà xuất bản Simon & Schuster Anh, cho biết: “Có những lo ngại về khả năng chi trả cho sách, đặc biệt là trong môi trường hiện nay. Dù sách vẫn là một hình thức giải trí hợp túi tiền so với các hoạt động giải trí khác, áp lực hiện tại đối với thu nhập khả dụng là rất lớn”.
Đồng tình với nhận định trên, bà Aimeé Felone, Giám đốc điều hành của nhà xuất bản dành cho trẻ em Knights Of, cũng tin rằng người tiêu dùng sẽ “đối mặt với giá sách tăng vì như vậy nhà xuất bản mới có lãi”.
Dù vậy, bà Marshall nói rằng việc tăng giá sách “chỉ là một phần của giải pháp” và điều cần thiết là các nhà xuất bản phải xem xét lại các chiến lược in ấn, linh hoạt hơn trong việc lựa chọn chất liệu và giảm bớt việc trang trí bìa “để hạn chế tăng giá”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/he-luy-nghiem-trong-tu-gia-giay-tang-post1372025.html