Hệ lụy từ cho mượn sổ đỏ

ĐBP - Người xưa có câu 'Tiền mất tật mang' ngụ ý cảnh báo những việc do tin tưởng người khác trong giao dịch thường ngày, khi đặt niềm tin không đúng chỗ sẽ dẫn đến rủi ro, phiền toái, vừa mất tiền vằ gặp những hệ lụy, phiền muộn không đáng có.

Hiện nay, do đời sống kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu quan hệ giao dịch dân sự giữa các cá nhân, chủ thể với tổ chức kinh doanh, sản xuất ngày càng đa dạng, phong phú và mang nhiều sắc thái mới. Việc cho người khác mượn sổ đỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) để cầm cố, thế chấp vay tiền tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng dẫn đến những rủi do khó lường.

Trong các giao dịch dân sự, vay tín dụng ngân hàng là giao dịch bình thường nhằm giải quyết các nhu cầu đời sống, phát triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Hoạt động này tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc phải có tài sản thế chấp như: Nhà, đất, sổ tiết kiệm, kim loại quý, giấy tờ có giá trị... Thực tế, có nhiều trường hợp cho người thân mượn sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thế chấp vay tiền ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Do không hiểu hết bản chất của việc cho mượn, thế chấp, cầm cố nên xảy ra rủi ro cho chủ sở hữu (người cho mượn sổ đỏ, tài sản). Bởi trong trường hợp nếu người mượn sổ đỏ mất khả năng thanh toán, khi ngân hàng phát mại tài sản thế chấp để thu nợ thì người cho mượn sổ đỏ sẽ mất tài sản chứ không phải người mượn sổ.

Theo chia sẻ của ông Phạm Duy N., phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, hiện gia đình ông vướng vào hệ lụy như đã nêu ở trên. Chuyện là khi còn sống, bố mẹ ông N., phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, bao gồm, nhà 2 tầng với diện tích sàn 100m2 thế chấp ngân hàng vay với số tiền hơn 1 tỷ đồng, sau đó cho chị Nguyễn Thị L. vay lại.

Chuyện xảy ra từ năm 2019, hiện bố mẹ ông N. đã chết; đến nay chị L. không trả tiền cho ngân hàng, khiến gia đình ông N. đối diện với khả năng mất nhà, đất khi ngân hàng phát mại tài sản (hiện ông N. đang ở trong ngôi nhà mà bố mẹ để lại). Điều đáng nói là, khi chết, bố mẹ ông N. không để lại di chúc thừa kế tài sản, việc phân chia thừa kế theo pháp luật.

Hiện nay, chị Nguyễn Thị L. chỉ có cam kết với ông N. là sẽ có trách nhiệm thanh toán với ngân hàng, còn bao giờ trả thanh toán, khi nào trả hết thì không biết.

Để đảm bảo giao dịch dân sự không xảy ra rủi ro, người dân cho mượn tiền cần cảnh giác, tránh sa vào cám dỗ vật chất kẻo lại tiền mất tật mang.

Anh Khôi (TP. Điện Biên Phủ)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/193092/he-luy-tu-cho-muon-so-do