Hệ lụy từ tàu cá 67: Ngư dân giỏi phải hầu tòa
Từng là ngư dân sản xuất giỏi nức tiếng, nhận được tổng cộng 89 bằng khen, giấy khen, kỉ niệm chương… của các cấp từ trung ương đến địa phương trao, gia đình giàu có, ông Phạm Trí Thức (67 tuổi, thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) không bao giờ tưởng tượng được bây giờ trắng tay. Chưa hết, ông còn bị siết nợ và liên tục hầu tòa vì 'nợ xấu'.
Tàu 16,6 tỷ bị đấu giá chưa đến 2 tỷ
Hơn 20 năm về trước, 3 chiếc tàu vỏ gỗ của ngư dân Phạm Trí Thức đã dọc ngang khắp các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa với sản lượng đánh bắt mỗi năm bình quân 150 tấn. Hơn một nửa trong đó là cá được đưa đi xuất khẩu, mang về nguồn thu nhập không hề nhỏ cho gia đình và bạn tàu. Gần 30 năm sống với nghề biển, khối tài sản ông Thức có được lúc thịnh vượng đã ngấp nghé chục tỷ đồng.
Năm 2014, Biển Đông “sôi động” với sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển của ta, Nghị định 67 ra đời. Được nhiều sự động viên, khích lệ đóng tàu vỏ thép để phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo, gia đình ông Thức đã mạnh dạn bán đi 3 con tàu gỗ, vay gần 15,8 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi đóng tàu vỏ thép với quyết tâm “làm ăn lớn”. Tàu vỏ thép của ông có số hiệu QNg 91999-TS với công suất gần 1.000 mã lực (CV), tính thêm cả ngư lưới cụ có tổng trị giá 16,6 tỷ đồng. Ông Thức cũng mang ngôi nhà khang trang với diện tích hơn 120m2 thế chấp để vay vốn…
Cuối năm 2016, con tàu được hạ thủy, cũng là ngày khởi đầu cho chuỗi bi kịch của ông Thức. Đầu năm 2017, ông Thức chỉ tập trung làm quen với tàu vỏ thép hoàn toàn mới lạ và nghề cũng chuyển từ lưới rút sang lưới rê. Thế nhưng chỉ sau đó ít lâu, tháng 6/2018, ông bị ngân hàng kiện vì không thể trả được khoản nợ gốc và lãi 300 triệu đồng/quý. Ông phải chạy vạy mượn 300 triệu đồng đóng cho ngân hàng và trở lại biển khơi. Nhưng rồi đến cuối năm 2018, ngân hàng lại một lần nữa khởi kiện ra tòa, vì ông Thức mất khả năng chi trả, tàu neo bờ từ đó.
Thay vì đi biển, ông Thức phải hầu tòa. Năm 2021, con tàu được đóng với tổng vốn 16,6 tỷ đồng (ngân hàng cho vay 15,8 tỷ đồng, ông Thức đối ứng 800 triệu đồng) đã bị bán đấu giá chưa đến 2 tỷ đồng, vì đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng theo hợp đồng! Ông Thức chạy tàu ba ngày, ba đêm vào tận Gò Công (Tiền Giang) để giao cho chủ mới, nhận lại hơn 5 triệu đồng tiền công mà đứt ruột. Đây cũng là chuyến đi cuối cùng của ông với con tàu vỏ thép. Niềm hy vọng ngày nào chỉ còn là tuyệt vọng.
“Để đánh bắt trên tàu vỏ thép, tôi phải cầm cố nhà, bán 3 con tàu vỏ gỗ để bọc inox thân tàu, lắp máy sản xuất nước biển thành nước đá và máy lọc nước biển thành nước ngọt... Tôi rất muốn vươn khơi. Bao kỳ vọng không thành, giờ thì hối hận cũng đã muộn rồi”, ông Thức nói.
Ông Thức chỉ ra những bất cập trong chương trình đóng tàu 67: Năm đầu tiên ngư dân chủ yếu tập làm quen với tàu, nên chỉ hoạt động 6 phiên biển; dẫu thế đã bị ngân hàng kiện vì không thể trả nợ gốc và vốn vay 300 triệu đồng/quý. Giá như chính sách tính đến việc đi biển đầy rủi ro như hỏng máy, thời tiết xấu, giá thủy sản bấp bênh... để giãn nợ cho ngư dân thời gian ít nhất 5 năm đầu thì…
“Chính sách không đi kèm phương án giải quyết rủi ro trên biển của ngư dân, tôi thua trắng khi đóng tàu 67 vì sự cố mất lưới, hết tiền không thể ra khơi. Nếu có chính sách cho cơ cấu nợ thì không đến mức bị khởi kiện, bán tàu thi hành án”, ông Thức nói chua chát.
Giữa tháng 3/2022, ông Thức nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục Thi hành án dân sự TP Quảng Ngãi, sẽ kê biên ngôi nhà của gia đình do ông không thể trả nợ khoản vay 15,8 tỷ đồng. Từ ngày nhận được thông báo cưỡng chế thi hành án, ông Thức trở nên kín tiếng, không thiết tha trò chuyện. Bán cả tàu lẫn nhà, ông vẫn chưa trả hết nợ.
Trắng tay
Ông Thức không phải là trường hợp duy nhất ở Quảng Ngãi lao đao vì tàu vỏ thép. Trong số 11 chủ tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67, không ít người cũng rơi cảnh vỡ nợ.
Tàu QNg 90999 TS công suất 810 CV mang tên Biển Đông 1 của ông Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) là tàu vỏ thép đầu tiên ở Quảng Ngãi, được ngân hàng hỗ trợ cho vay đóng mới theo Nghị định 67, hạ thủy đầu năm 2016. Con tàu có tổng trị giá đầu tư gần 14 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ngân hàng hơn 13,2 tỷ đồng, đủ sức cho 20 thuyền viên hoạt động liên tục khoảng 30 ngày trên biển.
Sau một năm vươn khơi, duy trì trả lãi ngân hàng đều đặn, các phiên biển tiếp sau đó, tàu của ông Hân liên tục gặp sự cố, hỏng hóc, hiệu quả đánh bắt thấp. Năm 2018, tàu cá của ông đang hoạt động ngoài khơi thì bị cướp hết ngư cụ trị giá lên đến 3,6 tỷ đồng. Không đủ tiền để sắm lại ông đành cho tàu neo bờ, còn phải thuê người trông coi. Còn ông Hân lại theo tàu bạn kiếm cơm qua ngày. Từ khá giả, nhà cửa khang trang, giờ đây ông Hân trở thành “con nợ” với nợ gốc và lãi cứ mỗi ngày thêm chồng chất. Mới đây, tàu vỏ thép của ông bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Sơn đưa ra bán đấu giá.
“Đối với những tàu đóng theo chương trình Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, khi đến kì trả nợ nếu ngư dân chưa trả được thì có thể cho qua kì sau nên áp lực trả nợ đỡ hơn so với đóng tàu 67. Tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT tham mưu với Chính phủ có cơ chế xử lý các rủi ro hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại đã cho các chủ tàu vay đóng mới theo Nghị định 67 để ngân hàng xử lý dứt điểm các tàu làm ăn không hiệu quả. Nếu để lâu thì những con tàu này sẽ bị hư hỏng nặng, xuống cấp, giá trị sẽ thấp”.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi Cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Ngãi
Năm 2016, ngư dân Võ Văn Tình (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) cũng cầm cố sổ đỏ để vay tiền đóng tàu vỏ thép. Đến năm 2019, gia đình ông không trả được nợ vì thua lỗ. Hiện tại, con tàu đang được neo đậu tại cầu Trà Bồng, (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) chờ thanh lý. Trắng tay vì tàu vỏ thép, gia đình ông lấn tạm khoảng đất làm nơi trú ngụ, bán bánh xèo mưu sinh qua ngày. “Ngày xưa có tàu gỗ lời lỗ gì cũng cố được. Giờ ân hận, mất nhà, trắng tay”, bà Lê Thị Chi vợ ngư dân Tình nói.
Do đâu?
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 63 tàu cá đóng theo Nghị định 67 với tổng vốn đầu tư hơn 387 tỷ đồng (có 11 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ). Năm 2017, một tàu cá vỏ gỗ làm nghề lưới vây bị tai nạn chìm mất hoàn toàn. Trong số 62 tàu đó, có đến 80% hoạt động không hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi Cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân tàu 67 thua lỗ là nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt, trong khi mức độ khai thác những năm gần đây rất lớn, số lượng tàu đông, cho nên hiệu quả khai thác giảm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thẻ vàng Ủy ban châu Âu nên hàng xuất đi ít, chủ yếu tiêu thụ trong nước, giá cả bị giảm sút, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao, lực lượng tham gia lao động trên biển ngày càng thiếu hụt. Trong khi đó, một số chủ tàu vận hành loại tàu lớn hiện đại chưa được tốt, đặc biệt là những tàu vỏ thép, khi hoạt động có những trục trặc về trang thiết bị khai thác, bảo dưỡng tàu không đảm bảo theo quy định nên hiệu quả khai thác thấp. Chưa kể trong quá trình đánh bắt, một số chủ tàu để mất ngư lưới cụ trị giá lên tới vài tỷ đồng, không có khả năng mua sắm lại nên đành phải chuyển đổi nghề.
Thực tế, số tiền vay vốn thương mại đóng tàu theo Nghị định 67 quá lớn khiến ngư dân khó có khả năng trả lãi. Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất nhưng yêu cầu trả lãi suất đúng kỳ hạn. Một số chủ tàu vỏ thép lâm vào cảnh nợ nần, trả lãi không đúng kỳ hạn thì không được tiếp tục bù lãi. Một số ngư dân vì đánh bắt không hiệu quả, phải vay nóng số tiền không nhỏ để trả lãi ngân hàng, lo phí tổn ra khơi…, đã nợ càng thêm nợ.
Năm 2021, con tàu được đóng với tổng vốn 16,6 tỷ đồng (ngân hàng cho vay 15,8 tỷ đồng, ông Thức đối ứng 800 triệu đồng) đã bị bán đấu giá chưa đến 2 tỷ đồng, vì đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng theo hợp đồng!
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/he-luy-tu-tau-ca-67-ngu-dan-gioi-phai-hau-toa-post1442131.tpo