Hệ lụy từ thiếu giáo viên

Thống kê cho thấy, năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục thiếu trên 10 vạn giáo viên. Năm học 2024-2025 đang cận kề, nhiều địa phương cho hay không đủ giáo viên cho năm học mới, đang nỗ lực tìm mọi cách khác nhau để gỡ khó.

Trên thực tế, thiếu giáo viên có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống giáo dục, trong đó giáo viên và học sinh là những đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Khi thiếu giáo viên, để duy trì học tập, có thể một giáo viên sẽ phải dạy nhiều lớp hơn hoặc phải đảm nhiệm dạy các môn học ngoài chuyên môn của mình. Giáo viên một số môn đặc thù phải di chuyển rộng và xa để tới các trường, nơi không có người dạy. Những kế hoạch riêng của nhiều giáo viên phải tạm gác lại, như làm thêm việc khác để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình; bồi dưỡng hay học tập nâng cao chuyên môn và nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe để tái tạo sức lao động lên lớp. Kế hoạch dạy học phải “giật gấu vá vai”, phải bỏ những hoạt động chưa trực tiếp hay sát sao với giảng dạy, lo cốt giữ được đủ giờ dạy trên lớp. Áp lực công việc tăng lên. Giáo viên phải chịu sức ép lớn hơn khi phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và làm giảm chất lượng công việc của nhà giáo, thậm chí giáo viên bỏ nghề tìm việc làm khác, lương cao hơn và sức ép công việc ít hơn.

Khi thiếu giáo viên, dẫn đến việc các lớp học có thể phải gộp lại, sẽ tăng sĩ số lớp học. Giáo viên chỉ có thể đảm bảo được số tiết dạy tối đa của mình, nên học sinh có thể phải cắt số buổi học hoặc giảm số tiết theo quy định. Sĩ số lớn, mức chuẩn không đạt sẽ làm giảm khả năng giáo viên quan tâm và hỗ trợ tới từng học sinh, dẫn đến hiệu quả giảng dạy không cao. Thiếu giáo viên có thể hạn chế các hoạt động ngoại khóa và hỗ trợ cá nhân, khiến học sinh mất đi cơ hội phát triển kỹ năng mềm và khám phá sở thích cá nhân. Nói chung, học sinh thiệt thòi, hạn chế sự phát triển cá nhân của các em. Với số lượng giáo viên hạn chế, những học sinh yếu kém hoặc cần hỗ trợ đặc biệt có thể không nhận được sự quan tâm đầy đủ, dẫn đến việc các em bị tụt hậu trong quá trình học tập và học sinh dễ bị bỏ rơi hoặc chậm tiến. Học sinh chán học không hứng thú tới trường dẫn đến không chuyên cần hay bỏ học. Quản trị nhà trường xáo trộn và gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục:

Nề nếp nhà trường không thể giữ nguyên khi thiếu giáo viên, phải tìm các giải pháp tình thế. Tuyển dụng giáo viên không thể theo đúng tiêu chuẩn và phải phá lệ. Trình độ đào tạo giáo viên sẽ hạ thấp, tăng cường tạm tuyển hoặc ký hợp đồng ngắn hạn với những người có nghiệp vụ sư phạm. Các trường ở vùng sâu, vùng xa hoặc có điều kiện kinh tế, vốn khó thu hút giáo viên. Giờ thiếu giáo viên sẽ ở tình trạng thiếu giáo viên “kép”, dẫn đến sự bất bình đẳng trong cơ hội học tập giữa các khu vực. Những hậu quả này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân giáo viên và học sinh mà còn có thể tác động lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Thực trạng thiếu giáo viên lâu nay cho thấy, nguyên nhân cơ bản là do khoa học dự báo làm chưa tốt, chưa đưa ra câu trả lời chính xác. Số lượng học sinh tăng hay giảm? Quy mô phát triển giáo dục ở vùng thành phố và vùng khó khăn cần khác nhau, điều chỉnh tới mức độ nào? Loại hình và số lượng giáo viên cần có để đào tạo theo kịp xu thế thời đại là bao nhiêu? Phát triển số lượng và chỉ tiêu ngành học của các trường Sư phạm có kế hoạch cụ thể đến đâu?...

Vì thế, để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên, đối với chính sách tuyển dụng và chính sách đãi ngộ nhà giáo cần tiếp tục coi trọng và đặt lên hàng đầu, cần bám sát thực tế để luôn đổi mới theo cơ chế thị trường; cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho nhà giáo, chứ không phải hạ thấp tiêu chuẩn tuyển chọn - như là chìa khóa giải quyết tình trạng khủng hoảng thiếu giáo viên hiện nay.

Đặng Tự Ân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/he-luy-tu-thieu-giao-vien-10288325.html