Hệ lụy từ việc luật sư làm chứng mua bán nhà đất giấy tay
Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân là luật sư tham gia làm chứng cho các hợp đồng mua bán nhà đất bằng giấy tay. Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, nhất là việc tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Luật sư không được làm chứng mua bán nhà đất
Theo quy định của pháp luật, các giao dịch chuyển nhượng nhà đất giấy tay sẽ không đủ điều kiện để công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán. Từ đó, nhiều người dân tìm đến các tổ chức, cá nhân hành nghề luật sư nhờ làm chứng cho việc mua bán nhà đất giấy tay. Nhận thức pháp luật của một số người dân có những hạn chế nhất định khi nghĩ rằng luật sư làm chứng bằng việc ký tên và đóng dấu đỏ sẽ giúp hợp đồng mua bán đất của họ có giá trị pháp lý. Thế nhưng, đây lại là giấy tờ nhà đất chưa hợp pháp và không được pháp luật công nhận để đăng ký, cập nhật biến động trên giấy tờ về nhà đất.
Trong khi đó, luật sư là người hiểu biết pháp luật liên quan đến điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhưng vì lợi nhuận mà một số người sẵn sàng đứng ra làm chứng hợp đồng mua bán đất giấy tay cho các đương sự để hưởng thù lao (khoảng từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng cho mỗi hợp đồng mua bán). Việc làm chứng của luật sư gây ra hậu quả khôn lường như: tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, nhà đất mua bán có thể liên quan đến quy hoạch về trật tự xây dựng hoặc đã bị áp dụng biện pháp bảo đảm đang phải thi hành án, cùng một nhà đất nhưng rao bán cho nhiều người…
Một trong những vụ việc được phát hiện gần đây là trường hợp luật sư N.D.B. (tại thành phố Biên Hòa) đã thực hiện việc xác thực và làm chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trái quy định pháp luật cho nhiều người.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Tư pháp đã thực hiện thanh tra - kiểm tra đối với 13 tổ chức hành nghề luật sư và phát hiện 9 tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Sở ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền trên 124 triệu đồng; đình chỉ hoạt động đối với 1 văn phòng luật sư và 1 chi nhánh của văn phòng luật sư.
Cụ thể, năm 2020, luật sư B. thực hiện việc xác thực và làm chứng các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bên bán là ông B.V.T. (chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản ở Đồng Nai) với bên mua là các bà: N.T.T., N.T.D. (cùng ngụ tỉnh Bình Dương) và ông Đ.L.H. (ngụ thành phố Biên Hòa)… Những người tham gia các giao dịch đã tin tưởng luật sư B., ngộ nhận việc chuyển nhượng QSDĐ đã được công chứng nên đã ký các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Sau này, khi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh tiến hành bắt ông B.V.T. để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì những người tham gia giao dịch trên mới biết mình là người bị hại. Những người này đã liên hệ luật sư B. để yêu cầu giải thích, hướng dẫn xử lý, nhưng không được. Do đó, họ đã và đang gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều nơi về các hành vi vi phạm pháp luật của ông B.
Theo quy định tại Điều 22 Luật Luật sư năm 2015, phạm vi hành nghề luật sư không bao gồm nội dung làm chứng. Một số quan điểm cho rằng, việc làm chứng của luật sư là thực hiện “dịch vụ pháp lý khác” theo quy định của Luật Luật sư năm 2015. Tuy nhiên, Điều 30 Luật Luật sư năm 2015 quy định, hoạt động “dịch vụ pháp lý khác” của luật sư bao gồm: giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.
Từ những căn cứ trên cho thấy, phạm vi hành nghề của luật sư không có hoạt động làm chứng, giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân cũng không có hoạt động làm chứng.
Tiếp tục siết chặt công tác quản lý nhà nước
Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, pháp luật hiện nay không ghi nhận việc làm chứng cho các thỏa thuận mua bán đất của luật sư. Việc làm chứng cho các giao dịch mua bán đất của luật sư trong bối cảnh thiếu hiểu biết pháp luật của người dân là hành động gián tiếp tiếp tay cho hành vi lừa đảo của một số đối tượng. Điều này không chỉ xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người dân, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, nguyên nhân làm gia tăng các vụ tranh chấp dân sự.
Thời gian qua, Sở Tư pháp đã nhận được các đơn tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến việc luật sư làm chứng trong các hợp đồng mua bán nhà đất giấy tay trái với quy định pháp luật. Sở đã tăng cường thanh, kiểm tra để có cơ sở xử lý. Theo đó, những tổ chức, cá nhân hoạt động rất mạnh trong việc làm chứng mua bán đất giấy tay và có nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo của công dân gồm: luật sư N.D.B. (kiểm tra trong năm 2024); Văn phòng Luật sư H.Đ.B. và Chi nhánh Văn phòng Luật sư M.T.K.S., đều đóng tại thành phố Biên Hòa (kiểm tra năm 2023)…
Sau khi kiểm tra và phát hiện vi phạm, Sở Tư pháp kịp thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính đối với những sai phạm vượt quá thẩm quyền. Ngoài ra, sở gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị liên quan cùng tham gia xử lý những sai phạm theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Tuấn, đến nay, hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc luật sư làm chứng mua bán nhà đất giấy tay đang xuất hiện những kiểu “lách” luật mới dưới nhiều hình thức khác nhau và rất tinh vi. Do vậy, Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng các nghiệp vụ theo dõi, thanh - kiểm tra đột xuất để có sự chấn chỉnh kịp thời những sai phạm.
“Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã có gửi văn bản đến Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh đề nghị xử lý sai phạm đối với một số văn phòng luật sư đã xác nhận nhiều hợp đồng giao dịch chuyển nhượng QSDĐ không đúng quy định pháp luật. Về việc này, Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh đang tích cực phối hợp xác minh làm rõ để xử lý theo quy định” - ông Tuấn cho hay.