Hè này về đi bắt cua đồng nhé!

Tháng Sáu, cánh đồng quê trắng băng nước, chúng tôi cứ bì bõm như vậy suốt buổi, chả kể bắt được ít nhiều cua hay không, khi nào mặt trời lên quá bụi tre đầu làng thì cả hai cùng về. Nhìn nhau lấm lem từ đầu đến chân rồi ôm bụng cười vang vì mặt đứa nào cũng đầy bùn đất.

Minh họa Ngọc Minh

Chúng tôi cùng độ tuổi và lớn lên cùng nhau, hồi ấy nhà Mạnh kinh tế khó khăn lắm, tôi thì đỡ vất hơn.

Quê tôi một vùng chiêm trũng. Làng cách làng bởi những ruộng lúa, ruộng ngô, vườn lạc, thửa đậu xanh mướt mát. Tháng Sáu, luôn là thời điểm lũ trẻ quê chúng tôi thích nhất, bởi không phải chúi đầu vào sách vở mà được thỏa thích làm những việc mình thích. Ham vui nên sau những ngày hè đứa nào cũng nhẻm đen và hốc hác vì chang nắng.

Tôi nhớ lần đầu đi bắt cua đồng, những ngón tay vụng về của tôi rớm máu vì bị càng cua kẹp, có những khi thét lên vì đau điếng. Nhưng đáng sợ hơn cả là không may gặp phải rắn. Tôi nhớ, có lần thò tay ngay vào lỗ rắn nục, tưởng vớ được lươn, khi thấy cái đuôi quấn lấy cổ tay thì mới phát hiện ra đó là rắn. Mặt tái xanh, cũng chả màng tới những gốc rạ vừa cắt xong cứng, sắc đâm toạc chân, vậy là cuống cuồng bỏ chạy, la lối om xòm. Tôi sợ là thế, nhưng Mạnh thì đuổi theo bắt bằng được con nùng nục, và khi bắt lại được thì đứng khoe chiến tích với tôi bằng cách cười rất khoái chí.

Mạnh dạy tôi bắt cua bằng ngón nghề “độc lạ”, đó là lấy tay mình làm mồi, nhử cua kẹp vào ngón tay. Không dễ để phát hiện lỗ có cua, lại càng không dễ để bắt được cua. Vài lần đầu bị càng cua kẹp đau điếng tôi đã nản lòng tình nguyện cầm giỏ lẽo đẽo theo sau. Nhưng cũng chỉ được một lúc vì thấy Mạnh bắt liên tục những con cua một cách dễ dàng ra khỏi lỗ, tôi lại nổi máu thắng thua, không chịu cam tâm làm chân xách giỏ, ăn hôi.

Cả làng gọi Mạnh là “sát cá”, vì câu bằng cần, thả lưới hay bắt bằng tay không thì cả làng chả ai bì lại được. Cái tay khẳng khiu, cái chân như cái xe điếu, người Mạnh gầy như cây sậy, học thì đọc trước quên sau, nhưng về khoản cá, lươn, cua thì Mạnh chỉ nhìn qua cái là biết ngay chỗ nào có. Mạnh nhanh nhẹn, thoăn thoắt như một rô bốt được lập trình sẵn vậy. Từ cái nghiêng người đến động tác đút tay vào lỗ, loáng cái kéo tay ra là có sản phẩm lươn hay cua ngay, tất cả đều thành thục một cách chuyên nghiệp.

Trời tháng Sáu nắng là vậy nhưng chúng tôi ra đồng bắt cua là chỉ quần đùi áo cộc. Chúng tôi thường đi vào buổi sáng, theo kinh nghiệm “lõi đời” của Mạnh thì buổi chiều khó bắt hơn vì cua hay lươn đều tránh nóng và sẽ chui sâu vào trong hang. Chúng tôi đi bắt cua cũng chỉ vì vui, thấy thích với cái việc được đằm mình vào nắng, vào gió lồng lộng giữa đồng, thích cái cảm giác chiến thắng khi khổ công truy bắt bằng được mấy con cua kềnh khôn lỏi, thích cả cái cảm giác vừa vui sướng vừa nơm nớp lo sợ vì không đoán định được trong cái lỗ kia là rắn, là lươn hay là cua. Lâu rồi thành quen, tôi được Mạnh hướng dẫn rồi cũng biết cách bắt được cua mà không bị càng cua kẹp đau điếng nữa và còn biết phân biệt lỗ nào có cua, lỗ nào có lươn và lỗ nào là rắn - những trải nghiệm thật khó có thể quên.

Tháng Sáu, cánh đồng quê trắng băng nước, chúng tôi cứ bì bõm như vậy suốt buổi, chả kể bắt được ít nhiều cua hay không, khi nào mặt trời lên quá bụi tre đầu làng thì cả hai cùng về. Nhìn nhau lấm lem từ đầu đến chân rồi ôm bụng cười vang vì mặt đứa nào cũng đầy bùn đất.

Mới đó thôi đã mấy chục năm xa quê. Tháng Sáu, tự nhiên tôi nhận được tin trên messenger của Mạnh - đứa bạn nối khố nhắn “hè này về đi bắt cua đồng nhé”. Hơn 40 năm nay Mạnh vẫn ở quê, mặc dù tôi ít về nhưng chúng tôi vẫn thường liên lạc, có lẽ hôm nay “tâm trạng” nên Mạnh lại nhớ ngày xưa.

Hình ảnh con sông quê nước trong văn vắt, cánh đồng sau mùa gặt nước đổ trắng băng, bóng hai cậu nhỏ vô tư chạy bì bõm trên cánh đồng cười vang, bùn đất lấm lem và đôi bàn tay nham nhở vết cua cặp lại hiện về rõ ràng trong tôi...

Ừ... hè này về đi bắt cua đồng nhé!

Tản văn của Hà Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/he-nay-ve-di-bat-cua-dong-nhe-31985.htm