Hệ quả nào cho kinh tế Mỹ khi chuỗi cung ứng Bắc Mỹ đứt gãy?

Việc áp đặt thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump được coi là một trong những hành động bảo hộ mậu dịch mạnh mẽ nhất trong gần 100 năm qua của Mỹ, gây ra những tác động kinh tế đáng kể và tạo ra sự bất ổn định trên thị trường.

Cảng hàng hóa ở Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa ở Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Hành động này có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng tích hợp cao giữa ba nước Bắc Mỹ, vốn là nền tảng cho sức cạnh tranh của nền sản xuất Mỹ. Sự kết hợp giữa khả năng đổi mới của Mỹ, sự giàu có về tài nguyên của Canada và lao động giá rẻ của Mexico đã mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ trong hàng chục năm qua, nhưng việc áp thuế quan có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và gây ra những hệ lụy tiêu cực.

Các công ty Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu giá rẻ từ Canada và Mexico. Việc áp thuế quan làm tăng chi phí sản xuất, khiến hàng hóa Mỹ kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, với hơn 930.000 việc làm, là một ví dụ điển hình về tác động của chiến tranh thương mại. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp linh kiện ở Canada và Mexico. Thuế quan làm tăng chi phí sản xuất ô tô, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty và giá bán cho người tiêu dùng. MEMA, hiệp hội các nhà cung cấp trong ngành công nghiệp ô tô, cho biết thuế quan sẽ gây nguy hiểm cho hàng trăm nghìn việc làm, tăng chi phí cho người tiêu dùng và làm suy yếu chuỗi cung ứng tích hợp ở Bắc Mỹ. Bloomberg Economics chỉ ra rằng Canada và Mexico cung cấp hơn 80% một số linh kiện ô tô quan trọng cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Ông Steven Downing, Giám đốc điều hành (CEO) của Gentex, một công ty cung cấp công nghệ cho ngành ô tô, cho biết thuế quan có thể gây ra "một chút hỗn loạn" trong nửa đầu năm nay. Giám đốc Tài chính (CFO) của Gentex, ông Kevin Nash, ước tính trong trường hợp xấu nhất, chi phí nguyên vật liệu từ Mexico sẽ tăng thêm từ 5-10 triệu USD.

Công ty nghiên cứu Trade Partnership Worldwide ước tính rằng các công ty Mỹ phải trả thêm 700 triệu USD tiền thuế mỗi ngày do các biện pháp thuế quan của ông Trump. Điều này ảnh hưởng đặc biệt đến các bang biên giới như Texas và North Dakota. CFO của Colgate-Palmolive, ông Stanley Sutula, cho biết công ty đang lên kế hoạch cho nhiều kịch bản khác nhau để đối phó với thuế quan và các biện pháp trả đũa.

Không những thế, các công ty Mỹ còn đối mặt với nguy cơ đồng USD mạnh lên, gây thêm áp lực lên lợi nhuận. Theo Bloomberg Intelligence, điều này “có thể dẫn đến sự suy yếu của giá cổ phiếu giống như những gì đã xảy ra vào năm 2018” trong cuộc chiến thương mại đầu tiên mà ông Trump khởi xướng. Ông Jay Timmons, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia, cảnh báo rằng thuế quan "đe dọa làm đảo lộn chính chuỗi cung ứng đã từng giúp ngành sản xuất của Mỹ cạnh tranh hơn trên toàn cầu".

Tác động kinh tế của thuế quan không chỉ giới hạn ở ngành sản xuất. Các chuyên gia của Bloomberg Economics ước tính rằng động thái của ông Trump có thể khiếm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 1,2% và chỉ số lạm phát cốt lõi tăng 0,7%. Mức thuế trung bình của Mỹ cũng được dự đoán sẽ tăng từ gần 3% hiện tại lên 10,7%. Ông James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế của ING, chỉ ra rằng các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do họ chi tiêu phần lớn thu nhập cho hàng hóa. Ông ước tính thuế quan sẽ khiến một gia đình bốn người Mỹ điển hình thiệt hại 3.342 USD. Về phía Canada và Mexico, ông Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ của Capital Economics, cảnh báo rằng hai nước này có thể rơi vào suy thoái, vì xuất khẩu sang Mỹ chiếm đến khoảng 20% nền kinh tế của Canada và Mexico.

Việc áp thuế quan cũng làm tăng chi phí năng lượng cho người tiêu dùng Mỹ. Thuế quan đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada, mặc dù thấp hơn so với các mặt hàng khác, vẫn góp phần làm tăng giá năng lượng.

Ngoài ra, việc áp thuế quan của ông Trump cũng mâu thuẫn với Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thỏa thuận thương mại mà chính ông đã ký kết. Hơn nữa, cách thức áp đặt thuế quan một cách đột ngột, không có sự tham vấn đầy đủ từ đội ngũ kinh tế, đã tạo ra sự không chắc chắn về chính sách, gây lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Khánh Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/he-qua-nao-cho-kinh-te-my-khi-chuoi-cung-ung-bac-my-dut-gay-20250204135527095.htm