Hệ quả sau thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vừa qua là một trong những sự kiện kinh hoàng nhất trong lịch sử, khiến cho số người thiệt mạng lên đến hơn 40.000 người và các đội cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm dấu hiệu của sự sống dưới đống đổ nát trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Không những vậy, trận động đất còn để lại những hệ quả từ kinh tế đến nguy cơ về dịch bệnh và thảm họa y tế.
Thiệt hại kinh tế khổng lồ
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu tính toán từ một nhóm nhà kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, mức thiệt hại mà các trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây ra có thể lên tới 84 tỷ USD, con số này chỉ mới tính riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ chiếm hơn 1/10 GDP nước này. Mức thiệt hại mà nhóm nhà kinh doanh trên đưa ra cũng cao gấp nhiều lần so với ước tính trước đó của những chuyên gia khác. Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo, trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới hơn 4 tỷ USD. Trong khi đó, ngân hàng đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Mỹ Bank of America dự đoán, mức thiệt hại kinh tế sau trận động đất vào khoảng 3-5 tỷ USD, cộng với ít nhất 2-3 tỷ USD các khoản tiền khác cần thiết để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.
Bên cạnh các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, động đất cũng có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và dẫn đến mất việc làm. Điều này là do nhiều doanh nghiệp có thể buộc phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn do thiệt hại do trận động đất gây ra. Điển hình như trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở Nepal vào năm 2015 khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ ở các khu vực bị ảnh hưởng buộc phải đóng cửa, dẫn đến hoạt động kinh tế suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ngoài ra, động đất sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế là giảm số lượng khách du lịch. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, vì lượng du khách giảm có thể dẫn đến giảm chi tiêu và giảm việc làm. Có thể nói, tác động của động đất đáng kể đến nền kinh tế của các quốc gia và tác động có thể được cảm nhận trong nhiều năm sau thảm họa diễn ra.
Nỗ lực tái thiết trở nên khó khăn
Syria là khu vực đang phải chịu một tình trạng khẩn cấp nhân đạo, và trận động đất gần đây khiến cho tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn. Hàng triệu người dân ở đất nước này đã phải di tản hoặc chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang phải đối mặt với lạm phát cao và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng. Sự suy giảm kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ được thúc đẩy bởi sự kết hợp của đại dịch Covid-19, giá năng lượng toàn cầu cao, xung đột ở Ukraine, và chủ yếu là do các chính sách kinh tế do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chỉ đạo, đã kìm hãm lãi suất bất chấp lạm phát tăng vọt, khiến đồng lira giảm giá trị thấp kỷ lục so với đồng USD, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức mua của người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những năm gần đây, dự trữ ngoại hối của quốc gia này đã giảm mạnh và thâm hụt tài khoản vãng lai đã tăng lên.
Sau mỗi trận động đất, tác động rõ nhất của nó là những đống đổ nát của các tòa nhà, đường phố, cầu cống và các cơ sở hạ tầng khác. Các chuyên gia cho rằng, đối với các khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chịu ảnh hưởng sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter vừa qua, những khu vực này phải đối mặt với sự phục hồi lâu dài do những trở ngại ngắn hạn. Các công trình bị hư hại trên diện rộng, thiệt hại về cơ sở hạ tầng này có thể lớn và tốn kém để sửa chữa, đồng thời có thể làm gián đoạn nền kinh tế địa phương trong nhiều năm tới. Cơ sở hạ tầng, nước, nước thải, thức ăn, chỗ ở, tất cả những thứ đó đều thực sự quan trọng và điều đó cần có thời gian và tiền bạc. Ảnh hưởng của trận động đất lan rộng trên một khu vực 300km, vì vậy công cuộc tái thiết có thể tiêu tốn hàng chục hoặc hàng trăm tỷ USD. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định sẽ tăng tốc độ loại bỏ các đống đổ nát, cam kết xây dựng lại nhà mới cho tất cả những người sống sót sau trận động đất trong vòng một năm. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, khi thảm họa xảy ra vào đúng thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Còn tại Syria, các nỗ lực tái thiết có vẻ còn phức tạp hơn nhiều. Liên Hợp Quốc ước tính, hơn 4 triệu người phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Syria do cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước này kể từ năm 2011. Với tình trạng thiếu máy móc và công nghệ, công tác giải cứu tại Syria lại càng trở nên khó khăn. Những khác biệt này đồng nghĩa với quá trình phục hồi của Syria sẽ tiến triển theo trình tự dài và phức tạp hơn. Giám đốc phụ trách thảm họa, khí hậu và khủng hoảng của Phong trào Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) Caroline Holt cảnh báo, nếu như tại Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn công việc phục hồi sẽ được thực hiện trong vòng hai đến ba năm thì ở Syria nỗ lực phục hồi có thể mất từ 5 đến 10 năm.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Quan chức xử lý thảm họa động đất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Robert Holden cảnh báo, nhiệm vụ khẩn cấp hiện nay là tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo những người sống sót trong thảm họa vẫn tiếp tục sống. Có quá nhiều người đang phải sống trong trong tình cảnh ngày càng tồi tệ, từ thiếu thốn đồ ăn đến nhiên liệu và thông tin liên lạc. Ông cảnh báo về mối đe dọa dịch bệnh sau động đất có thể là một thảm họa khác, đẩy nhiều người vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn nếu cộng đồng quốc tế không có hành động ngay lập tức.
Trong khi, nguy cơ bùng phát các bệnh từ nguồn nước cũng đang trở thành mối lo ngại không thể bỏ qua. Nhiều nạn nhân trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm ở khu vực vừa bị ảnh hưởng do thảm họa. Với việc phần lớn cơ sở hạ tầng vệ sinh ở khu vực động đất bị hư hại hoặc không thể hoạt động, các cơ quan y tế Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc đảm bảo cho người dân không bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao như dịch tả, thương hàn, kiết lỵ... là rất cao do thiếu vệ sinh, vấn đề nước uống bị xâm nhập bởi nguồn nước từ hệ thống cống rãnh của thành phố.
Các chuyên gia y tế cho biết, trong trường hợp bệnh như dịch tả bùng phát và không được giải quyết, nguy cơ có tới 30% bệnh nhân không thể chống chọi được với căn bệnh này. Hiện đã có sự gia tăng đáng kể các trường hợp tiêu chảy ở cả trẻ em và người lớn bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Các bác sĩ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là cần thành lập một đơn vị lớn để đảm bảo những cơ sở trú ẩn tạm thời, nhưng phải được trang bị phòng tắm, nhà vệ sinh, nhà ăn và các tiện nghi cần thiết khác. Trước những nguy cơ về vấn đề sức khỏe, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang làm việc với chính quyền địa phương để tăng cường giám sát các bệnh lây truyền qua đường nước, cúm mùa và Covid-19 ở những người phải di dời sau động đất.