Hệ quốc tế ở True North School, HS Việt Nam không cần học nội dung GD bắt buộc?
Học hệ quốc tế của True North School chương trình đào tạo là theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục Mỹ nên việc chuyển học sinh sang trường công cùng cấp sẽ rất khó.
Theo tìm hiểu của phóng viên Trường TH, THCS và THPT True North (TNS), sau đây gọi tắt là True North School, là trường có vốn đầu tư nước ngoài. Trường là thành viên của NPX Point Avenue - một tập đoàn về công nghệ giáo dục có trụ sở được đặt tại Singapore. Trong đó không thể không kể đến hai anh em người Mỹ gốc Hàn họ Hwang là Samuel và Danny, được biết đến với vai trò là người thành lập ra True North School.
Trên website của mình, True North School cũng giới thiệu ông Danny Hwang là Giám đốc điều hành nhà trường. Ngoài ra, ông Michael Lambert, người đồng sáng lập được giới thiệu là Tổng Hiệu trưởng của True North School.
Bên cạnh đó, bà Ninh Thị Lâm Bằng được giới thiệu là Hiệu trưởng khối tiểu học hệ song ngữ; Bà Terri Pham là Hiệu trưởng tiểu học hệ quốc tế; bà Dương Thị Hồng Hạnh là Hiệu trưởng THCS & THPT hệ song ngữ.
Được biết, True North School chính thức được cấp phép thực hiện tuyển sinh vào năm 2022.
Học phí cao nhất gần 700 triệu đồng/ năm
Để có thêm những thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình học, mức học phí và các khoản phí phải đóng khi phụ huynh muốn cho con vào học tại True North School, phóng viên đã liên hệ đến hotline tư vấn tuyển tuyển sinh của nhà trường để tìm hiểu.
Theo thông tin được nhân viên tư vấn tuyển sinh cung cấp, mức học phí tại True North School giao động trong khoảng từ 200 đến 290 triệu đồng/ năm đối với hệ song ngữ. Đối với hệ quốc tế, mức học phí sẽ có mức giao động từ 500 đến 690 triệu đồng/ năm.
Biểu học phí đối với hệ song ngữ tại True North School. Ảnh chụp màn hình
Nhân viên tư vấn cho hay: "Hiện tại nhà trường đang có ưu đãi giảm giá học phí cho các bạn đăng kí tuyển sinh trong tháng 5. Cụ thể, nếu phụ huynh đăng ký cho con học lớp 2,3,4,5 sẽ được giảm 30% học phí và nếu đăng ký cho con học lớp 1 sẽ được giảm 35% học phí. Đồng thời, với học sinh lớp 1 khi đăng ký vào học sẽ được miễn phí phí ghi danh và phí nhập học".
Theo biểu thông tin học phí mới nhất của True North School mà phóng viên nhận được, khi muốn cho con vào học tại trường, phụ huynh phải đóng các khoản phí nộp 1 lần như: Phí ghi danh 3 triệu đồng/ học sinh đối với cả hai hệ quốc tế và song ngữ. Đồng thời, với phí nhập học, phụ huynh phải đóng 15 triệu đồng với hệ quốc tế và 10 triệu đồng đối với hệ song ngữ.
Ngoài ra, phụ huynh phải đóng phí giữ chỗ là 70 triệu đồng đối với hệ song ngữ, còn với hệ quốc tế là 100 triệu đồng. Các khoản phí này sẽ không được hoàn lại.
Khi đã là học sinh của nhà trường, phụ huynh phải đóng các khoản phí thường niên, như phí ăn uống và phí phát triển trường có chung mức là 25 triệu đồng.
Bên cạnh đó, có một số khoản phí khác như: Phí học liệu là 20 triệu đồng đối với hệ song ngữ và 25 triệu đồng đối với hệ quốc tế; phí bảo hiểm là 1,5 triệu đồng, phí 2,5 triệu đồng; phí xe buýt từ 26 đến 29 triệu đồng.
Ngoài ra, trong suốt thời gian theo học tại trường, học sinh phải đóng thêm một số khoản phí khác như: Học phí chương trình tiếng Anh tăng cường mỗi năm 45 triệu đồng; học phí chương trình Advanced Placement dành cho lớp 9 đến lớp 12, áp dụng với chương trình song ngữ là 18 triệu đồng.
Biểu học phí đối với hệ quốc tế và các khoản phí khác phụ huynh phải đóng. Ảnh chụp màn hình
Về chỉ tiêu tuyển sinh, theo tìm hiểu được biết, năm học 2024 - 2025 trường này được giao kế hoạch tuyển sinh 13 lớp với 260 học sinh dành cho cấp tiểu học; 9 lớp với 180 học sinh dành cho cấp trung học cơ sở: 5 lớp với 100 học sinh dành cho cấp trung học phổ thông.
Cụ thể, theo bảng kế hoạch tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao, đối với tiểu học hệ Việt Nam (hệ song ngữ theo quảng cáo của nhà trường - PV) sẽ có 8 lớp với 160 học sinh. Với số lượng này, năm học 2024 - 2025 trường này tăng thêm 3 lớp với 93 học sinh với năm học trước đó.
Ở hệ quốc tế được giao 5 lớp với 100 học sinh. Với số lượng này, năm học 2024 - 2025 trường này tăng thêm 4 lớp với 94 học sinh so với năm học trước đó.
Đối với trung học cơ sở, bảng thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, năm học 2024 - 2025 trường này được giao 5 lớp với 100 học sinh, số lượng này tăng thêm 1 lớp và 96 học sinh so với năm học trước đó dành cho hệ Việt Nam.
Ngoài ra, năm học 2024 - 2025 trường này cũng được giao 4 lớp với 80 học sinh hệ quốc tế của cấp trung học cơ sở. Với số lượng này, năm học 2024 - 2025 nhà trường tăng thêm 2 lớp và 50 học sinh.
Đối với trung học phổ thông, True North School được giao 3 lớp với 60 học sinh ở hệ Việt Nam. Với số lượng này, trường tăng thêm 2 lớp và 53 học sinh so với năm học trước đó.
Bên cạnh đó, với hệ quốc tế, năm học 2024 - 2025 trường được giao 2 lớp với 40 học sinh. Số lượng này làm cho năm học 2024 - 2025 nhà trường tăng thêm 2 lớp và 40 học sinh so với năm học trước đó.
Học sinh Việt Nam có thể học chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục Mỹ?
Tìm hiểu về chương trình học tại True North School, phóng viên ghi nhận tên môn học có sự khác nhau và tăng số lượng các môn học đối với cấp học cao hơn.
Cụ thể, tại cấp tiểu học sẽ có các môn học tên gọi như: STEAM, Khoa học, Toán Singapore, Toán MOET, Anh ngữ (ELL), Ngôn ngữ Anh (ELA), Tiếng Việt, Văn hóa Việt Nam, Giá trị sống, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất.
Đối với cấp trung học cơ sở có các môn học như: STEAM , Khoa học tự nhiên, Toán, Vật lý; Hóa học; Sinh học, Môn tự chọn, Văn học; Giáo dục công dân, Lịch sử; Địa lý, Công dân toàn cầu, Ôn luyện IELTS; ELA, Âm nhạc; Mỹ thuật, Giáo dục thể chất.
Còn ở cấp trung học phổ thông, tại True North School trong chương trình học có các môn học sau: STEAM, Các môn danh dự: Hóa học, Đại số, Tiếng Anh, Môn tự chọn, Các môn nâng cao, Kỹ năng nghề nghiệp, Văn học; Xã hội học, Lịch sử; Địa lý, Âm nhạc; Mỹ thuật, Giáo dục thể chất.
Bảng chương trình học được True North School công bố trên website. Có thể thấy ở cấp tiểu học không có môn học tên "Lịch sử". Ảnh chụp màn hình
Phóng viên bày tỏ băn khoăn với nhân viên tư vấn tuyển sinh của True North School về việc, trong chương trình học cấp tiểu học, học sinh Việt Nam có được học môn Lịch sử Việt Nam hay không?
Về việc này, nhân viên tư vấn cho biết, vì phân bổ theo khối lượng chương trình học nên đối với tiểu học sẽ không có môn học tên gọi rõ là Lịch sử, môn Lịch sử sẽ nằm trong môn học có tên gọi là "Văn hóa Việt Nam".
Ngoài ra phóng viên cũng đề cập việc, khi theo học tại trường, trong trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn, nếu phụ huynh muốn chuyển con sang trường công lập cùng cấp học thì có bị ảnh hưởng gì không? Nếu chuyển thì mức khấu trừ các chi phí được quy định ra sao?
Nhân viên tư vấn trả lời: "Tại True North School hiện đang có 2 hệ là hệ song ngữ và quốc tế. Trong đó, đối với hệ song ngữ sẽ có 60% chương trình học bằng tiếng Anh theo chuẩn của Bộ Giáo dục Mỹ, 40% còn lại theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Còn đối với hệ quốc tế thì học sinh sẽ học 100% bằng tiếng Anh theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục Mỹ. Đầu ra sẽ là bằng do Bộ Giáo dục Mỹ cấp. Khi đăng ký vào trường, học sinh có thể lựa chọn học hệ song ngữ hoặc quốc tế với mức học phí khác nhau.
Trong trường hợp nếu học sinh lựa chọn học hệ song ngữ thì có thể chuyển sang học ở các trường công lập ở trong nước được.
Tuy nhiên, với những học sinh chọn theo học hệ quốc tế thì khi muốn chuyển trường, chỉ có thể chuyển sang trường quốc tế khác chứ không thể sang học trường công lập cùng cấp tại Việt Nam được".
Trường True North School tại Hà Đông. Ảnh: P.K
Lý giải về điều này, nhân viên tư vấn cho biết thêm: "Khi học hệ song ngữ thì sẽ có các môn cơ bản theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam học sinh được học. Việc xét tuyển vào các trường công lập tại Việt Nam cũng sẽ yêu cầu kiểm tra học sinh với các môn cơ bản đó nên có thể việc chuyển trường của học sinh thực hiện được.
Còn đối với hệ quốc tế, học sinh được học hoàn toàn bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo cũng là theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục Mỹ nên việc chuyển học sinh sang trường công lập cùng cấp sẽ là rất khó".
Phóng viên thắc mắc, nếu hệ quốc tế tại True North School chỉ dạy riêng chương trình của Bộ Giáo dục Mỹ, không có chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thì liệu học sinh là người Việt Nam có theo học được hay không?
Về việc này, nhân viên tư vấn khẳng định: "Học sinh là người Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn theo học hệ quốc tế tại True North School nếu muốn. Nếu học sinh đó có năng khiếu tiếng Anh thì phụ huynh nên cho con theo học hệ này.
Dù học phí của hệ này có cao hơn so với hệ song ngữ một chút nhưng học sinh sẽ nhẹ tải hơn về khối lượng học tập. Bởi lẽ, đối với hệ quốc tế chỉ dạy hoàn toàn chương trình của Bộ Giáo dục Mỹ".
Về sĩ số lớp học, nhân viên tư vấn cho biết, phổ biến ở True North School sẽ duy trì ở mức 20 học sinh/ lớp với hệ song ngữ và từ 15 đến 20 học sinh/ lớp với hệ quốc tế.
Đối với hệ quốc tế theo nhân viên tư vấn này cho biết, năm học vừa qua số lượng học sinh người Việt Nam có trong lớp học của hệ này là 50/50. Nghĩa là trong một lớp học hệ quốc tế sẽ có khoảng một nửa học sinh là người Việt Nam và một nửa là học sinh người nước ngoài.
Nhân viên này cũng khuyên, khi phụ huynh muốn chuyển trường cho con thì nên chờ đến cuối năm học mới làm thủ tục để chuyển. Theo nhân viên này đó là cách tốt nhất để "sử dụng" hết các khoản phí mà phụ huynh đã đóng vào trường ngay từ đầu năm học.
"Nếu phụ huynh chọn chuyển trường cho con vào giữa năm học thì nhà trường vẫn sẽ giải quyết nhu cầu cho phụ huynh nhưng sẽ bị tính phí khấu trừ trực tiếp vào học phí niêm yết tùy theo thời điểm phụ huynh chọn chuyển trường cho con.
Trong đó, nếu phụ huynh rút hồ sơ trước ngày 1/8 năm đăng ký sẽ bị trừ vào khoản phí giữ chỗ.
Ngoài ra, phụ huynh sẽ bị trừ theo phần trăm của mức học phí đã đóng cả năm tùy thời điểm rút hồ sơ chuyển trường cho con.
Cụ thể, nếu rút trong khoảng từ 1/8 đến 15/10 năm đăng ký sẽ bị trừ 30% học phí niêm yết; từ 16/10 đến 31/12 năm đăng ký sẽ bị trừ 55% học phí niêm yết; từ 1/1 đến 15/2 năm tiếp theo sẽ bị trừ 80% vào học phí niêm yết; từ 16/2 đến 31/5 năm tiếp theo sẽ bị trừ 100% học phí niêm yết", nhân viên tư vấn cho biết.
Ngày 18 tháng 3 năm 2020 Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BGDĐT quy định chi tiết một số điều Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/5/2020.
Theo đó, quy định nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, như sau:
Người học là công dân Việt Nam học tập chương trình giáo dục nước ngoài trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài phải học nội dung giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, chương trình Tiếng Việt, chương trình Việt Nam học, cụ thể như sau:
1. Đối với trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non: Học tập nội dung giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Việt.
a) Mục tiêu: Giúp trẻ hình thành vốn từ vựng và có khả năng sử dụng tiếng Việt phù hợp với lứa tuổi; có khả năng lắng nghe, nói, sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày và làm quen với việc đọc và viết bằng tiếng Việt;
b) Thời lượng: Không ít hơn 2 lần/tuần, mỗi lần từ 25-35 phút.
2. Đối với học sinh tiểu học: Học tập nội dung chương trình Tiếng Việt và chương trình Việt Nam học.
a) Nội dung chương trình Tiếng Việt:
- Mục tiêu: Giúp học sinh hình thành và phát triển vốn từ vựng và các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp phù hợp với lứa tuổi; cung cấp cho học sinh những kiến thức ban đầu về tiếng Việt, văn hóa và con người Việt Nam;
- Thời lượng: Không ít hơn 140 phút/tuần, học ở tất cả các khối lớp tiểu học;
b) Nội dung chương trình Việt Nam học:
- Mục tiêu: Giúp học sinh hiểu biết cơ bản về các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu và những truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; hiểu biết đơn giản về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo, khí hậu, sông núi, tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam; qua đó học sinh hình thành tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc;
- Thời lượng: Không ít hơn 70 phút/tuần, học từ lớp 4 đến hết lớp 5.
3. Đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông: Học tập nội dung chương trình Việt Nam học.
a) Mục tiêu: Cung cấp kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về lịch sử, địa lí, văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam. Bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, sự trân trọng đối với các di sản lịch sử của dân tộc và truyền thống anh hùng trong dựng nước, giữ nước của cha ông. Đồng thời phát triển những phẩm chất cần thiết của người công dân: thái độ tích cực vì xã hội, tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, yêu lao động, sống nhân ái, có kỷ luật, tôn trọng và làm theo pháp luật, có ý thức tự cường dân tộc, sẵn sàng tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước;
b) Thời lượng: Không ít hơn 90 phút/tuần, học ở các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
4. Khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài giảng dạy chương trình Tiếng Việt và chương trình Việt Nam học bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài cho học sinh là người nước ngoài đang theo học tại trường.