Hệ số K mới của Hà Nội cao nhất là 2,15: Giá nhà ở được đà tăng?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mỗi khi Hà Nội điều chỉnh hệ số K, giá nhà ở, đất đai tại Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, nhờ đó mà tăng theo.
Hà Nội lại điều chỉnh hệ số K trong cách tính tiền sử dụng đất (Ảnh minh họa)
Mới đây, UBND Hà Nội đã ban hành Quyết định 01/2021/QĐ-UBND, về việc điều chỉnh giá đất trên địa bàn trong năm 2021, áp dụng hệ số mới làm căn cứ tính:
Thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá; thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố.
Theo Quyết định này, hệ số điều chỉnh giá đất mà Hà Nội áp dụng từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021. Cụ thể: Đối với các thửa đất tại 04 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng có hệ số K = 2,15.
Đối với các thửa đất tại 03 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ có hệ số K = 1,95. Đối với các thửa đất tại các quận còn lại có hệ số K = 1,80.
Đối với thửa đất tại các xã khu vực giáp ranh quận; thị trấn thuộc các huyện (trừ thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, ứng Hòa, Phúc Thọ); các phường thuộc thị xã Sơn Tây có hệ số K = 1,45. Đối với các thửa đất tại các xã còn lại thuộc các huyện; các xã của thị xã Sơn Tây; thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, ứng Hòa, Phúc Thọ: Hệ số K = 1,25. Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội có hiệu lực từ ngày 5/2/2021.
Được biết, hệ số K được ban hành này sẽ căn cứ dựa trên Bảng giá đất đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn áp dụng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mỗi khi Hà Nội điều chỉnh hệ số K, giá nhà ở, đất đai tại Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, theo hướng tăng lên.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) đánh giá: Về mặt tích cực, hệ số K có nhiệm vụ hỗ trợ xác định giá đền bù, chủ yếu là giá đền cho cho các dự án giao thông, các công trình công cộng.
“Ví dụ, khi mở đường vành đai 2, vành đai 3, Hà Nội sẽ dựa vào hệ số K kết hợp với bảng giá đất riêng của thành phố để tính ra mức giá đền cho người dân. Tuy nhiên, qua các dự án đã được đền bù, giải phóng mặt bằng, người dân vẫn chưa thỏa mãn với cách tính này”, ông Thanh nói.
Về mặt hạn chế, bất cứ lúc nào Hà Nội điều chỉnh hệ số K, giá đất, giá nhà cũng bị ảnh hưởng theo hướng tăng lên.
Ông Thanh nhận định, để cân bằng giữa bình ổn giá đất và sự thỏa mãn của người dân sau đền phù là rất khó. Bởi, nếu hệ số K không đẩy lên thì khó cho công tác giải phóng mặt bằng, người dân khiếu kiện, khiếu nại vì giá đất thấp;...
Trong khi đẩy hệ số K lên giá nhà sẽ bị nhích lên, mặc dù hiện nay kinh tế còn khó khăn, mức thu nhập của người dân còn hạn chế.
Trước một số ý kiến cho rằng, Hà Nội và các tỉnh/thành phố khác nên bãi bỏ hệ số K, ông Thanh cho hay: Hiện tại, thành phố chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả có thể dung hòa 2 yếu tố trên.
Vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội nên nghiên cứu và có giải pháp linh hoạt giữa việc đền bù và việc xác định tiền sử dụng đất, cần phải cố gắng giữ làm sao bình ổn giá tiền sử dụng đất, để người dân có cơ hội sở hữu giá nhà tốt hơn để ổn định đời sống.
“Hệ số K cao sẽ có ảnh hưởng, nhưng hệ số này chỉ là một trong những giá trị để tham chiếu xác định tiền sử dụng đất, chứ chưa phải áp cứng. Áp cho đền bù là vậy, còn áp cho tính xác định sử dụng đất lại khác, bài toán là tính hiệu quả của dự án chứ không phải là đất áp cứng bao nhiêu tiền”, ông Thanh nói thêm.