Hệ thống cảnh báo sớm giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên

Trước những thảm họa thiên nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, các chuyên gia kêu gọi thế giới tăng cường nỗ lực để đưa ra những dự báo sớm cũng như hành động kịp thời để giảm thiểu những tác động có thể xảy ra.

Các binh sĩ hỗ trợ người dân sơ tán khỏi vùng lũ tại tỉnh Battambang, Campuchia ngày 10/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các binh sĩ hỗ trợ người dân sơ tán khỏi vùng lũ tại tỉnh Battambang, Campuchia ngày 10/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và một số cơ quan Liên hợp quốc, trong 50 năm qua, thế giới đã trải qua hơn 11.000 thảm họa thiên nhiên, khiến trên 2 triệu người thiệt mạng và ước tính gây thiệt hại khoảng 3,6 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, trong những thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng cả về tần suất, cường độ và cả mức độ. Báo cáo chỉ ra rằng năm 2018, các trận bão, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng đã khiến 108 triệu người phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ hệ thống nhân đạo quốc tế. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng thêm gần 50%.

Trong báo cáo, Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết hệ thống cảnh báo sớm đã chứng minh được tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro do thảm họa gây ra, khẳng định các hệ thống như vậy sẽ giúp giảm đáng kể số người tử vong cũng như thiệt hại kinh tế.

Ông Petteri Taalas nhấn mạnh: "Các hệ thống cảnh báo sớm chính là yếu tố để giảm thiểu nguy cơ rủi ro một cách hiệu quả cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu". Theo báo cáo, nếu được chuẩn bị và phản ứng kịp thời, đúng lúc, các hệ thống cảnh báo sớm có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ kế sinh nhai của nhiều cộng đồng trên thế giới".

Báo cáo kêu gọi các quốc gia không chỉ dự báo về các hiện tượng thời tiết và đầu tư vào cái gọi là "dự báo dựa trên tác động" - một hệ thống kêu gọi hành động sớm dựa trên các cảnh báo, những hệ thống như vậy còn giúp hiểu rõ hơn cũng như dự đoán khả năng con người và tác động kinh tế do thời tiết khắc nghiệt gây ra.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa đến 40% trong số 138 quốc gia thành viên của WMO đã thiết lập hệ thống cảnh báo sớm. Điều này có nghĩa là có tới hơn 30% người dân trên thế giới không được bảo vệ từ hệ thống cảnh báo sớm. Sẽ không ngạc nhiên khi sự thiếu thốn này chủ yếu xảy ra ở các nước nghèo, đặc biệt là ở châu Phi. Và ngay cả khi những tiến bộ công nghệ đã đạt được rất lớn trong những năm gần đây, các hệ thống cảnh báo sớm được áp dụng ở nhiều nước đang phát triển thì vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu.

Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa tại đám cháy rừng ở Monrovia, bang California, Mỹ ngày 15/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa tại đám cháy rừng ở Monrovia, bang California, Mỹ ngày 15/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù vậy, báo cáo cũng đưa ra hàng chục minh chứng tại các quốc gia và khu vực đã có được những lợi ích to lớn từ hệ thống cảnh báo sớm. Tại Bangladesh, quốc gia thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa như lũ lụt, lốc xoáy... khiến trên 520.000 người thiệt mạng trong 40 năm qua, hệ thống cảnh báo đã giúp giảm số người thiệt mạng trong các thảm họa gần đây xuống 1% so với con số thiệt hại cách đây vài thập kỷ. Trong khi đó, ở châu Âu, một hệ thống cảnh báo cháy rừng, có giá trị gần 2 triệu euro đã cho phép lục địa này tránh được thiệt hại ước tính từ 255 - 375 triệu euro mỗi năm.

Australia cũng đã triển khai một hệ thống cảnh báo về sóng nhiệt, một hiện tượng mà Liên hợp quốc coi là thách thức lớn nhất liên quan đến khí hậu mà thế giới phải đối mặt trong những thập kỷ tới, đã giúp cắt giảm đáng kể số ca tử vong do do nhiệt gây ra.

Phương Hoa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/he-thong-canh-bao-som-giam-thieu-tac-dong-cua-tham-hoa-thien-nhien-20201013230336834.htm