Hệ thống Content ID của Youtube bị lạm dụng
Ngành sáng tạo nội dung trên Youtube gặp nhiều bất cập do một số kẻ lợi dụng hệ thống 'đánh gậy' tự động Content ID để 'nhận vơ' bản quyền và trục lợi.
Nền tảng chia sẻ video Youtube đã trở thành “ông vua” trên internet khi họ tạo ra những luật chơi riêng của mình và các nhà sáng tạo nội dung muốn kiếm tiền sẽ phải tuân thủ các luật chơi này. Đáng nói, nhiều lỗ hổng của Content ID – hệ thống đánh lỗi bản quyền tự động của Youtube – trở thành điểm yếu để một số doanh nghiệp sử dụng cho việc “đánh gậy” các sản phẩm của đối thủ, khiến đối thủ mất khả năng kiếm tiền, thậm chí bị khóa kênh.
Quy trình đánh lỗi phức tạp của Content ID
Trong nghiên cứu đăng tải trên Electronic Frontier Foundation (EFF), bà Katharine Trendacosta, Giám đốc Chính sách và Hoạt động tại EFF cho rằng Youtube cố tình tạo ra quy trình cực kỳ phức tạp cho Content ID nhằm mục đích miễn trừ trách nhiệm trước các khiếu nại vi phạm bản quyền từ các tác giả video. Với quy trình này, Youtube hoàn toàn né tránh được những sai sót trong kiểm soát bản quyền, đẩy các nhà sáng tạo nội dung phải tự đi giải quyết khi có rắc rối về bản quyền sản phẩm của mình.
Youtube luôn khẳng định quy trình của Content ID rõ ràng và minh bạch, tuy nhiên, một thực tế thấy rõ là quy trình này thường đặt ưu tiên cho các đơn vị sản xuất nội dung lớn, được thể hiện rõ ngay trong chính sách công khai của nền tảng này.
Thêm vào đó, do là hệ thống tự động, Content ID của Youtube thường xuyên để xảy ra nhầm lẫn trong quá trình ghi nhận bản quyền. Youtube là một cỗ máy, trong nhiều trường hợp hoạt động không chính xác, đánh nhầm bản quyền.
Anh Bùi Minh Tuấn - một Youtuber có kinh nghiệm cho hay: “Vì Youtube luôn đặt vai trò của người sáng tạo nội dung lên hàng đầu, bảo vệ họ gần như tuyệt đối nên có thể dẫn đến tình trạng “chém nhầm hơn bỏ sót”. Trong trường hợp nhận được đơn khiếu nại gửi đến, ngay lập tức Youtube có phản ứng gỡ video sau đó mới yêu cầu các bên gửi giấy tờ chứng minh để hậu kiểm. Bởi vậy, không thể tránh khỏi những vụ “oan sai” mà nhà sản xuất nội dung phải gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng”.
Content ID bị lạm dụng, Youtube làm ngơ?
Trường hợp công ty Anh Entertainment One UK Limited (gọi tắt là EO - có trụ sở tại London, Anh) lợi dụng chính sách chưa chặt chẽ, chưa nghiêm ngặt của Youtube, “đánh gậy” bản quyền sản phẩm của Công ty Sconnect Việt Nam (Sconnect) là một ví dụ nổi bật.
EO và công ty Astley Baker Davies Limited (đều có trụ sở ở London) vốn là đồng sở hữu sản phẩm Peppa Pig – bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới về gia đình chú heo Peppa Pig nhỏ tuổi. Trong khi đó, Sconnect (trụ sở ở Hà Nội) là chủ sở hữu của sản phẩm Wolfoo - bộ nhân vật và hàng loạt phim hoạt hình với nội dung về chú sói nhỏ Wolfoo cùng gia đình và bạn bè.
Wolfoo là một trong những sản phẩm hoạt hình Việt thành công trên thị trường quốc tế, thông qua nền tảng Youtube. Sconnect đã đăng ký bản quyền tại Việt Nam, Nga, Mỹ và EU từ nhiều năm trước và được công nhận quyền sở hữu trí tuệ tại 181 quốc gia là thành viên của Công ước Berne.
Từ cuối năm 2021 tới nay, EO lợi dụng kẽ hở của Content ID, liên tục đánh bản quyền Wolfoo, khiến chủ sở hữu là Sconnect chịu thiệt hại nặng nề thông qua các hành động như đánh bản quyền không có căn cứ, sử dụng nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig... Thậm chí, EO còn khởi kiện Sconnect về bản quyền tại Nga hồi tháng 1/2022 và Vương quốc Anh vào tháng 2/2022.
Doanh nghiệp Việt đã có những bước đáp trả bằng việc lập vi bằng các sai phạm của EO đối với phim hoạt hình Wolfoo. Đồng thời, những kiện cáo sai của EO đối với Sconnect cũng đã có kết quả phản hồi ban đầu.
Ngày 7/7/2022, kết quả thẩm định của các chuyên gia văn học, nghệ thuật Nga khẳng định: “Bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig”. Tòa án Moskva đã ra phán quyết: “Buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig”.
Còn theo bản tự khai tại Tòa án Vương quốc Anh hồi tháng 7/2022, EO thừa nhận đã sử dụng từ khóa Wolfoo trong các video và các kênh của Peppa Pig nhằm thu hút lượng người xem đến với Peppa Pig.
Thế nhưng cho đến nay, Youtube vẫn chưa giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền của EO đối với bộ phim hoạt hình Wolfoo, tiếp tục khóa hơn 1.000 video phim hoạt hình Wolfoo, gây thiệt hại vô cùng lớn cho Sconnect.
Theo Luật sư Phạm Văn Anh - Trưởng phòng Pháp chế của Sconnect, Youtube có trách nhiệm trong việc ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO. Khi Sconnect đã được Tòa án Nga công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo thì Youtube, các trang mạng xã hội toàn cầu không được phép công nhận các yêu cầu đánh bản quyền của EO đối với các video Wolfoo, đồng thời phải có các biện pháp xử lý như xóa tài khoản, chặn yêu cầu của EO do các hành vi xấu của EO gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt.
Tiềm năng của nền kinh tế sáng tạo Việt
Nền kinh tế số bùng nổ đã tạo nền tảng cho nhiều doanh nghiệp sáng tạo nội dung số của Việt Nam sản xuất ra những nội dung giải trí có giá trị cao và phát hành xuyên biên giới. Các nhà sản xuất nội dung Việt Nam đã chứng minh được năng lực sáng tạo của mình với những bước tăng trưởng đáng nể trong 5 năm qua.
Theo Sách trắng “Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021”, số lượng doanh nghiệp nội dung số tăng mạnh những năm qua, từ 2.700 vào năm 2016 lên gần 4.200 vào năm 2020. Doanh thu ngành công nghiệp nội dung số cũng tăng từ 739 triệu USD năm 2016 lên 888 triệu USD năm 2020. Đặc biệt là sản phẩm nội dung số được xuất khẩu ra nước ngoài tăng trưởng đáng kể, kim ngạch xuất khẩu nội dung số tăng từ 661 triệu USD năm 2016 lên 771 triệu USD năm 2018; sau đó giảm nhẹ xuống 705 triệu USD năm 2019; rồi tiếp tục tăng lên 710 triệu USD năm 2020.
Có thể nói, ngành nội dung số Việt Nam đang rộng đường để xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường quốc tế, nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt xu thế cũng như khả năng sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ Việt Nam. Đặc biệt trong ngành giải trí trực tuyến, một số doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đã có những sản phẩm nằm trong top đầu khi cung cấp ra thị trường nước ngoài như: game Flappy Bird hay Axie Infinity, Bemil. Trong lĩnh vực phim hoạt hình, Wolfoo là cái tên nổi trội của Việt Nam trên thế giới. Phim được dịch ra 17 thứ tiếng phát hành trên nhiều nền tảng số và đạt hơn 30 tỷ view kể từ khi ra mắt vào năm 2018 tới nay.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/he-thong-content-id-cua-youtube-bi-lam-dung-ar700479.html