Hệ thống dữ liệu đất đai: Lộ trình triển khai vẫn chậm, chưa đồng bộ
So với yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ, hệ thống dữ liệu thông tin đất đai hiện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, lộ trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm và chưa đồng bộ.
Mặc dù nhiều tỉnh, thành phố đã đầu tư về hạ tầng trang thiết bị đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai nhưng lộ trình triển khai còn chậm và chưa đồng bộ. Phần lớn dữ liệu vẫn được quản lý theo phương thức truyền thống, mất nhiều thời gian để tra cứu, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Kết nối vẫn chưa… thông
Thực hiện mục tiêu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương đã tạo lập các hành lang pháp lý hỗ trợ cho việc triển khai hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước để đảm bảo kết nối liên thông.
Trên thực tế, nhiều địa phương cũng đã chủ động đầu tư về hạ tầng trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai các các dịch vụ công cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Tuy vậy, so với yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ, hệ thống dữ liệu thông tin đất đai hiện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, lộ trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm và chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết.
Thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai cho thấy đến hết năm 2019, trên cả nước mới chỉ có 165/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 46 tỉnh, thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, chiếm 23,14% trên tổng số huyện (tăng 4 huyện so với năm 2018).
Nguyên nhân được cơ quan quản lý đất đai chỉ ra là do các cơ quan quản lý nhà nước chưa có các công cụ cần thiết để thực thi chính sách pháp luật đất đai ở địa phương, đặc biệt là các công cụ để quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Bên cạnh đó, hạ tầng thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai - yếu tố cốt lõi hỗ trợ công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ việc phối, kết hợp với các bên có liên quan khác còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, thống nhất.
Không những thế, hiện hồ sơ đất đai chủ yếu được quản lý, sử dụng ở dạng hồ sơ giấy, khả năng tra cứu, xử lý mất nhiều thời gian, hạn chế về độ chính xác và tính đầy đủ. Mặt khác, hệ thống cũng chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống nên việc lưu trữ dữ liệu hiện nay còn phân tán, chưa được quản lý, vận hành một cách hợp lý. Điều này dẫn tới việc khai thác và sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế.
Hiện dữ liệu đất đai mới tập trung vào cơ sở dữ liệu địa chính, dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất. Việc đảm bảo dữ liệu được cập nhật, chia sẻ cho các đối tượng khác nhau cùng khai thác, sử dụng còn nhiều hạn chế và chưa quan tâm, chú trọng đã phần nào giảm tính hiệu quả của các nguồn lực đã đầu tư.
Đáng chú ý, việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai vào những năm 2014-2015. Tiếp đó, ngày 23/12/2016, Chủ tịch nước phê duyệt Hiệp định tài trợ Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (dự ánVILG), với tổng kinh phí 180 triệu USD cho 33 tỉnh, thành phố, thực hiện trong thời gian 5 năm (2017-2021).
Thế nhưng, trên thực tế, dự án này mới chỉ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản cho 33 tỉnh, thành phố. Chính vì thế, trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất xây dựng và trình Chính phủ “Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới.
Tạo nền tảng cho công tác quản trị
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là một trong 6 dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng của Chính phủ, đóng vai trò nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử nên được ưu tiên xây dựng.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước có ý nghĩa quan trọng thực hiện mục tiêu này.
Chính vì thế, trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Dự án xây dựng cơ sở dữu liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư trong Dự án VILG theo cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành xây dựng cơ sở dữu liệu đất đai quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ về tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử.
Để đảm bảo yêu cầu thực hiện, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai, nhất là Ban quản lý dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai cần hoàn thiện các hồ sơ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư.
Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn cần đề xuất những vấn đề chưa hoàn thành của Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai để từ đó đưa ra những đầu việc cần phải làm để hoàn thành dự án.
Trên cơ sở đó, dự án sẽ tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trên phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Ngoài ra, trong năm 2020, Tổng cục Quản lý đất đai cũng cho biết sẽ triển khai xây dựng Đề án Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; trong đó xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước.
Tổng cục Quản lý đất đai cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Tổng cục Thuế và một số địa phương để thí điểm thực hiện việc liên thông thủ tục hành chính về đất đai theo hình thức điện tử./.