Hệ thống giao thông thông minh: góp phần phát triển đô thị bền vững

Hệ thống giao thông thông minh là xu hướng chung của tất cả đô thị trên thế giới. Hệ thống này sẽ góp phần tăng khả năng di chuyển thông minh, giảm thiểu ùn tắc mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và doanh nghiệp…

Hệ thống giao thông thông minh đang định hình lại văn hóa giao thông của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Eastgate Software

Hệ thống giao thông thông minh đang định hình lại văn hóa giao thông của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Eastgate Software

Giải pháp hiệu quả, bền vững

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội, hệ thống giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Trong thời gian qua, Hà Nội luôn quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Triển khai thực hiện Nghị quyết trên của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ khung cấu trúc đô thị và có vai trò định hướng cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác. Tuy nhiên, giao thông trong đô thị cũng là một thách thức đối với các thành phố lớn. Ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và cơ sở hạ tầng quy hoạch lỗi khiến cho việc di chuyển trong các thành phố trở thành một vấn đề nan giải, khó xử lý.

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng cho giao thông thông minh như tìm xe buýt, tìm tuyến đường gần nhất hay trung tâm điều khiển đèn tín hiệu… Qua đó đã đem lại hiệu quả rất tốt cho người dân và doanh nghiệp. Việc phát triển giao thông thông minh sẽ đáp ứng được nhu cầu khách quan của con người.

“Hà Nội có những nguồn dữ liệu rất lớn từ camera hay dữ liệu hành trình trên xe nhưng chưa được khai thác triệt để, mới sử dụng để hậu kiểm, chưa ứng dụng trực tiếp. Chúng tôi hướng tới việc thu thập và xử lý đồng độ dữ liệu và vận dụng trực tiếp để trích xuất thông tin cần thiết để phục vụ việc đi lại của người dân”, GS.TS Lê Hùng Lân (nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải) - Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhấn mạnh.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, thực tế cho thấy trong quá trình phát triển đô thị, nước ta đã tiếp cận được với xu thế hiện đại của giao thông trên thế giới, như đường sắt đô thị, đường trên cao với việc áp dụng công nghệ mới trong quản lý, hay mạng lưới giao thông đã chú ý tới liên kết khu vực, liên kết vùng và cả quốc gia.

Triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh

UBND TP Hà Nội vừa thống nhất với kiến nghị của Sở GTVT triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn trong thời gian từ tháng 6 - 12/2024. Theo phương án thí điểm do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đề xuất, Viettel sẽ thiết lập Trung tâm Điều hành giao thông thông minh tại Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội (Số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình). Bên cạnh đó lắp đặt thiết bị tại 2 nút giao thông thí điểm trên phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy (nút giao Hoàng Quán Chi và Ngõ 9).

Hà Nội thí điểm hệ thống giao thông thông minh từ tháng 6/2024. Ảnh minh họa

Hà Nội thí điểm hệ thống giao thông thông minh từ tháng 6/2024. Ảnh minh họa

Các chức năng của hệ thống giao thông thông minh bao gồm: Hệ thống giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Quản lý giao thông công cộng, quản lý sự cố, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý đỗ xe, quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng. Trong đó 2 chức năng quản lý đỗ xe và quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng sẽ được tích hợp khi các dự án thí điểm theo chương trình riêng của thành phố sẵn sàng vận hành.

Tại Trung tâm Điều hành giao thông thông minh sẽ có phần mềm quản lý và ghi hình luồng video có tính năng kết nối, quản lý camera an ninh. Hiển thị hình ảnh linh hoạt theo thời gian thực, cảnh báo trạng thái thiết bị, cảnh báo vi phạm giao thông mới phát hiện. Cùng với đó là các phần mềm đo đếm lưu lượng, giám sát vi phạm, điều khiển đèn tín hiệu giám sát giao thông,...

Tại 2 nút giao thông trên phố Phạm Văn Bạch sẽ được lắp đặt camera đo đếm mật độ lưu lượng phương tiện giao thông trên tuyến, tích hợp dữ liệu giao thông với ứng dụng bản đồ; camera đo tốc độ; camera dùng để ghi nhận, phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nhằm hỗ trợ xử lý vi phạm.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã họp với các sở, ngành liên quan thống nhất báo cáo UBND TP xem xét cho phép triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh tại 2 nút giao trên phố Phạm Văn Bạch.

Trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành liên quan, Sở GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét, chấp thuận chủ trương triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh theo đề xuất của Tập đoàn Viettel. Đồng thời giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, tổng hợp kết quả triển khai thí điểm báo cáo UBND TP Hà Nội theo quy định.

“Chúng ta không thể để bị “nghẽn” “tắc” mãi, mà chiến lược và tầm nhìn giao thông đô thị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải coi giao thông đô thị là yếu tố “đi trước”, nó cũng quan trọng và quyết định không khác gì “chiến lược đường cao tốc” hiện nay, đó là vấn đề mang tầm cỡ quốc gia chứ không chỉ riêng cho khu vực đô thị” - TS. Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT chia sẻ.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/he-thong-giao-thong-thong-minh-gop-phan-phat-trien-do-thi-ben-vung-382302.html