Hệ thống hóa toàn diện các quy định về Hội thẩm nhân dân

Hội thẩm nhân dân (HTND) là một chủ thể cơ bản, thành tố quan trọng trong nền tư pháp với định hướng xây dựng Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Thời gian qua, HTND không chỉ làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia hòa giải, hàn gắn những mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân mà còn nỗ lực cùng với ngành tòa án bảo đảm các vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội. Qua thực tế giám sát tại địa phương, những trăn trở và giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập đối với chế định quan trọng này tiếp tục được Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh chuyển tải tới diễn đàn Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.

Góp phần quan trọng để các vụ án được xét xử khách quan, công bằng

Ngay trước thềm Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động tham gia xét xử của HTND hai cấp trên địa bàn. Kết quả giám sát đã chỉ rõ những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là tinh thần trách nhiệm trong tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án ngay sau khi có quyết định phân công; luôn có sự trao đổi, cùng Thẩm phán nghiên cứu để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, mâu thuẫn…

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà thảo luận một số nội dung liên quan đến chế định Hội thẩm nhân dân. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà thảo luận một số nội dung liên quan đến chế định Hội thẩm nhân dân. Ảnh: Lâm Hiển

Đáng chú ý, tại các phiên tòa, HTND tích cực tham gia xét hỏi để làm rõ nội dung vụ án; cùng Thẩm phán đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; không có trường hợp bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn trong công tác thi hành án. Trong thời điểm báo cáo, Hội thẩm TAND tỉnh đã tham gia xét xử hơn 1.841 vụ việc song không ghi nhận có vụ án hình sự, hôn nhân gia đình nào bị hủy, sửa chủ quan…

Có thể khẳng định, các HTND đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và bảo đảm nguyên tắc “Thẩm phán, HTND tham gia xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của HTND tại địa phương cũng cho thấy không ít những hạn chế, vướng mắc. Trong đó, việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm thực hiện chưa thống nhất trên phạm vi cả nước; chưa xây dựng được bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ xét xử chuyên sâu, thống nhất; thời gian tập huấn còn ngắn ngày…

Về các điều kiện bảo đảm hoạt động khác, kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho thấy, chế độ đối với HTND rất thấp. Hiện, HTND chỉ có chế độ bồi dưỡng phiên tòa với mức 90.000 đồng/ngày (nghiên cứu hồ sơ hoặc xét xử). Về Đoàn Hội thẩm, đây chỉ là tổ chức tự quản của các Hội thẩm, không phải là cơ quan Nhà nước hay một tổ chức Hội theo quy định. Ngoài trang phục được cấp, chế độ cho Hội thẩm theo quy định, Đoàn Hội thẩm không có bất cứ nguồn kinh phí nào để phục vụ các hoạt động...

Cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, chế độ, quyền lợi

Từ thực tế được chỉ ra trong quá trình giám sát, tại phiên thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà tiếp tục đề cập rõ thêm một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến tổ chức, hoạt động của chế định HTND. Cụ thể: hệ thống quy phạm pháp luật về HTND chưa đồng bộ; quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, hoạt động của HTND hiện phân tán ở nhiều văn bản khác nhau; việc xử lý trong trường hợp HTND từ chối tham gia xét xử mà không có lý do chính đáng hoặc tự ý vắng mặt đột xuất dẫn đến phiên tòa bị hoãn cũng chưa có những quy định cụ thể…

Yêu cầu phải có những quy định rõ ràng hơn, gắn với hệ thống hóa toàn diện các quy định về Hội thẩm trong các văn bản pháp luật hiện hành, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 là hết sức cần thiết. Việc dự thảo Luật (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, cập nhật nhiều nội dung; nhất là các quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, độ tuổi, chế độ, chính sách; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho HTND... sẽ tạo điều kiện quan trọng tiếp tục nâng cao vai trò vị thế, hiệu quả hoạt động của HTND trong định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Về mặt quản lý, qua nghiên cứu Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu bày tỏ tán thành rất cao với đề nghị không giao Hội đồng nhân dân (HĐND) quản lý HTND. Tuy nhiên, cần quy định rõ trách nhiệm của HĐND trong phối hợp quản lý, giám sát hoạt động, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho HTND. Vì HĐND bầu ra Đoàn Hội thẩm thì phải có chế tài ràng buộc trách nhiệm phối hợp quản lý, giám sát, cung cấp thông tin tình hình chất lượng hoạt động của các HTND do mình bầu ra.

MẠNH TUÂN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/he-thong-hoa-toan-dien-cac-quy-dinh-ve-hoi-tham-nhan-dan-i373615/