Hệ thống phòng không lai của Ukraine lần đầu lập công
Ukraine bắn hạ một máy bay không người lái của Nga hôm 17/1 bằng hệ thống phòng không lai FrankenSAM.
Ông Oleksandr Kamyshin, Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Ukraine, cho biết thông tin này tại một sự kiện bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos, Thụy Sĩ, đài truyền hình nhà nước Ukraine Suspilne đưa tin.
Ông Kamyshin cho biết, máy bay không người lái Shahed đã bị bắn hạ ở khoảng cách 9km.
Dự án FrankenSAM, tên gọi ghép từ tên quái vật Frankenstein với từ viết tắt của tên lửa đất đối không, là sự hợp tác giữa Lầu Năm Góc và Ukraine.
Hệ thống này chuyển đổi các hệ thống phòng không Buk M1 thời Liên Xô để có thể phóng tên lửa RIM-7 Sea Sparrow do Mỹ cung cấp.
FrankenSAM có một số biến thể, bao gồm biến thể kết hợp tên lửa không đối không AIM-9M Sidewinder với các radar thời Liên Xô hay sử dụng tên lửa Patriot với các hệ thống radar cũ hơn của Ukraine, theo bài viết của New York Times.
Đầu tháng 12 vừa qua, Lầu Năm Góc thông báo sẽ công bố hỗ trợ kỹ thuật “để bắt đầu sản xuất tại địa phương một số dự án FrankenSAM”.
Cuối tháng đó, ông Kamyshin thông báo rằng hệ thống FrankenSAM đã được sử dụng ở tiền tuyến.
Tuy nhiên, thông báo hôm 17/1 là khẳng định đầu tiên về thành tích của hệ thống này. Ông Kamyshin không đề cập đến loại vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công.
Lầu Năm Góc cho biết, sự hợp tác kỹ thuật giữa hai bên sẽ cho phép triển khai nhanh hơn và giúp phép Ukraine có năng lực đáng kể để duy trì các hệ thống phòng không của họ.
Các hệ thống phòng không vẫn luôn là mối bận tâm lớn đối với Kiev.
Máy bay không người lái giá rẻ là một trong những phương tiện chính được Nga sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Ukraine thường phải đáp trả bằng các hệ thống phòng không tốn kém hơn.
WEF Davos năm nay trở thành nơi Ukraine tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của đồng minh. Ngày 17/1, Tổng thống Volodymir Zelensky nói rằng ông nợ "một lời cảm ơn lớn" với các nhà sản xuất tên lửa Patriot.