Hệ thống phòng không S-350 của Nga nhiều khả năng sẽ sớm đối đầu với tên lửa HIMARS và ATACMS trong tay Quân đội Ukraine trên chiến trường, viễn cảnh trên rõ ràng rất đáng quan tâm.
Mới đây, báo chí Nga đã "thắp sáng" một sân bay quân sự của họ ở thành phố Taganrog, nơi triển khai của các máy bay cường kích Su-25, nhiều khả năng thuộc Trung đoàn không quân tấn công số 18 và Trung đoàn không quân hỗn hợp số 120.
Đồng thời họ cho thấy căn cứ trên được bảo vệ bởi hệ thống tên lửa phòng không S-350 Vityaz thế hệ mới nhất. Vũ khí trên mới được đưa vào thành phần tác chiến cách đây ít lâu và đây là lần đầu tiên quân Nga trực tiếp sử dụng S-350 trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo giới thiệu Nga bắt đầu phát triển S-350 Vityaz để thay thế cho hệ thống phòng không Buk và S-300PS ngay từ năm 2007, tuy vậy tổ hợp này chỉ mới được đưa vào thành phần tác chiến từ năm 2020.
Vào năm 2021, có thông báo về việc Quân đội Nga đang điều động tất cả các tổ hợp S-350 có trong biên chế đến trực chiến tại bán đảo Crimea do họ kiểm soát. Nhưng phải tới gần đây thì Vityaz mới chính thức làm nhiệm vụ tại Taganrog.
Bệ phóng của tổ hợp S-350 được thiết kế cho 12 tên lửa phòng không loại 9M96E. Đồng thời hệ thống này đủ khả năng theo dõi tới 72 mục tiêu trên không và dẫn đường cho đạn đánh chặn tiêu diệt 8 đối tượng cùng lúc.
Radar của Vityaz là loại cảnh giới kiêm chiếu xạ, khiến đội hình tác chiến gọn gàng hơn nhiều so với từng loại riêng biệt của S-300 hay S-400, nó có khả năng dẫn đường cho tên lửa tới cự ly 120 km và độ cao 30 km
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Nga, phạm vi, đối tượng, hoặc phương tiện tấn công đường không mà S-350 Vityaz có thể giao chiến được mở rộng hơn nhiều so với S-300 Favorit hay Buk.
“Có nhiều phương tiện tấn công đường không: máy bay chiến thuật, máy bay ném bom, chiến đấu cơ sử dụng công nghệ tàng hình, hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, UAV... tuy nhiên S-300 chỉ đối phó hiệu quả mục tiêu tầm cao”.
“Trong khi đó, S-350 có khả năng bắn hạ các mục tiêu tầm thấp và bay ở độ cao khoảng 30 km, nó được đặt trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp có một số điểm tương đồng với tổ hợp S-300".
"Một khẩu đội Vityaz có khả năng giao chiến với 72 mục tiêu cùng lúc. Không giống như S-300 chỉ đối phó được tối đa 24 mục tiêu, tức là tăng hiệu quả lên gấp 3 lần”, chuyên gia Alexei Leonkov - Giám đốc thương mại Tạp chí Kho vũ khí của tổ quóc chỉ rõ.
Với tính năng theo giới thiệu như trên, S-350 Vityaz được kỳ vọng sẽ chống lại thành công các tên lửa GMLRS phóng đi từ tổ hợp pháo phản lực dẫn đường HIMARS của Ukraine, điều mà Buk-M3, S-400 hay Pantsir-S1 đều chưa đảm đương nổi.
Tuy nhiên theo phía Ukraine, chính người Nga cũng chưa tin vào những đặc điểm đã được công bố của hệ thống phòng không S-350. Đó là lý do tại sao họ giữ hệ thống vũ khí mới nhất của mình để bảo vệ các cơ sở phía sau chứ không phải ở tiền tuyến.
Tính năng của S-350 mặc dù nghe có vẻ ưu việt nhưng vẫn chỉ là trên giấy, cần nhớ lại các hệ thống S-400, Buk-M3... vẫn được Nga quảng cáo tạo ra lá chắn bất khả xâm phạm nhưng thực tế chiến trường lại khác hẳn và chưa có gì đảm bảo Vityaz tránh được "vết xe đổ" trên.
Bạch Dương