Hệ thống phòng không S-400 vẫn còn đang 'hot', quân đội Nga sắp có S-500
Các bộ phận của hệ thống tên lửa phòng không S-500 Triumphant-M thế hệ tiếp theo của Nga đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, Giám đốc điều hành của Cục thiết kế chế tạo máy đặc biệt (một phần của nhà sản xuất quốc phòng Almaz-Antey) Vladimir Dolbenkov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Quốc phòng (Nga) hôm thứ năm.
"Vì lợi ích của lực lượng phòng không và tên lửa, các chuyên gia của doanh nghiệp (Almaz-Antey) đã phát triển các thiết bị cho hệ thống tên lửa phòng không di động thế hệ tiếp theo Triumphant-M. Họ đang hoàn thành thử nghiệm các đơn vị cấu thành của hệ thống tên lửa đất đối không: bệ phóng, các hợp phần của thiết bị định vị đa chức năng và định vị phòng thủ tên lửa, khung gầm được trang bị cho trạm điều khiển chiến đấu và vận chuyển hệ thống radar tầm xa", ông Vladimir Dolbenkov nói.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho biết trong một bài báo đăng trên tạp chí nội bộ công ty Radio-Electronic Technologies của Tập đoàn KRET hồi tháng 2 rằng các chuyên gia quân sự đã tổ chức các thử nghiệm tên lửa đất đối không phòng không S-500 mới nhất từ năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng vào tháng 12/2019 rằng các cuộc thử nghiệm sơ bộ của hệ thống tên lửa phòng không S-500 sẽ bắt đầu vào năm 2020 và việc giao hàng cho quân đội đã được lên kế hoạch vào năm 2025 .
Nga đang phát triển S-500 với quan điểm hoạt động trong 25 năm tới. Như các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin, hệ thống tên lửa mới của Nga đã tấn công mục tiêu ở tầm bắn 480,2 km, xa hơn ít nhất là 80 km so với bất kỳ hệ thống tên lửa hiện có nào trên thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng 6/2019 cho biết, việc chuyển giao S-500 cho quân đội sẽ bắt đầu vào năm 2020 chứ không phải đến tận 2025 như kế hoạch ban đầu. Nga đã đào tạo nhân lực chuyên vận hành hệ thống mới tại Học viện Quân sự của Lực lượng Không gian vũ trụ tại Tver kể từ năm 2017.
Theo một số tài liệu, S-500 Prometheus có phạm vi tấn công mục tiêu bay lên tới hơn 600km, độ cao đánh chặn từ 185-250km, thời gian phóng quả tên lửa tiếp theo chỉ mất 3-4 giây (trong khi hệ thống S-400 mất 9-10 giây).
Hệ thống radar cảnh giới trên không của S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, có phạm vi phủ sóng vượt trội so với S-400, cự li sục sạo của nó đã đạt tới 800-1000km, đủ khả năng phát hiện các tên lửa đạn đạo của đối phương.