Các hệ thống phòng không tầm trung - xa của Nga gồm S-350 Vityaz và Buk-M3 Viking đã thu hút sự quan tâm lớn khi được trưng bày tại Triển lãm hàng không Airshow China 2024.
Theo ông Vyacheslav Dzirkaln - Phó Tổng giám đốc Công ty Almaz-Antey: “Thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong số các mẫu vũ khí được trình bày chính là hệ thống tên lửa phòng không Vityaz và Viking”.
"Chúng tôi đã không ngừng cải thiện đặc tính kỹ chiến thuật của vũ khí. Bên cạnh đó, các hệ thống tên lửa phòng không của Nga còn khẳng định được tính hiệu quả cao khi tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt".
Mỗi xe mang phóng tự hành của tổ hợp S-350 Vityaz mang tới 12 tên lửa, đạn đánh chặn được đặt trong những ống phóng đặc biệt kiêm ống bảo quản và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Tổ hợp có thể tấn công đồng thời 16 mục tiêu khí động học và 12 đối tượng đạn đạo.
Đối với những mục tiêu dạng tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể bị tiêu diệt từ khoảng cách xa trận địa tới 60 km và ở độ cao 30 km. Trong khi đó trực thăng và máy bay không người lái sẽ bị tiêu diệt ở phạm vi tối đa 120 km và trần bay 25 km.
Đáng chú ý nữa là tốc độ mục tiêu bị xạ kích có thể lên đến 2.000 m/s, đồng thời chỉ mất 5 phút để triển khai hệ thống vào vị trí chiến đấu cũng như thu gọn để tiếp tục hành quân.
Đại diện nhà sản xuất nhấn mạnh, tổ hợp S-350 có tính đa năng cao, nghĩa là phát huy hiệu quả tương đương khi chống lại máy bay không người lái, tiêm kích, tên lửa hành trình và cả tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Bên cạnh Vityaz, hệ thống phòng không Viking chính là phiên bản xuất khẩu của tổ hợp Buk-M3, mỗi xe mang phóng tự hành có 6 ống phóng, trong đó tên lửa được cất giữ và khai hỏa trực tiếp, thiết kế này khác hẳn những phiên bản cũ khi đạn bị "lộ thiên" bên ngoài.
Hệ thống phòng không Buk-M3 Viking có thể tiến hành phóng tên lửa chỉ 20 giây sau khi dừng lại. Trên thực tế, tổ hợp gần như có khả năng bắn ngay lập tức, rất phù hợp với vai trò phòng không lục quân khi gắn trên khung gầm xe bánh xích.
Tên lửa đánh chặn của tổ hợp Buk-M3 Viking có khả năng tiêu diệt cả máy bay chiến lược và chiến thuật, trực thăng, tên lửa hành trình, bom dẫn đường cũng như UAV kích thước nhỏ.
Đáng chú ý là tên lửa 9M317M của hệ thống còn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất, nghĩa là nó hoàn toàn có thể được sử dụng trong vai trò tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn.
Thông qua Triển lãm Airshow China 2024, Nga hy vọng sẽ ký thêm được các hợp đồng xuất khẩu vũ khí trong tương lai, trọng tâm chính là tiêm kích tàng hình Su-57 cũng như các tổ hợp phòng không thế hệ mới.
Tuy nhiên tham vọng của Nga đang gặp thách thức lớn khi tốc độ sản xuất Su-57 quá chậm trễ, còn các tổ hợp phòng không như S-350 và Buk-M3 chưa thể hiện được vai trò trên chiến trường Ukraine, khi có thể bị một chiếc UAV cảm tử rẻ tiền tiêu diệt dễ dàng.
Hơn nữa bất cứ khách hàng nào có ý định mua vũ khí Nga đều đối diện nguy cơ bị Mỹ trừng phạt nặng nề theo Đạo luật CAATSA, họ còn đứng trước mối lo ngại không còn phụ tùng bảo dưỡng, khi ngay cả Moskva cũng gặp khó khăn với vấn đề này.
Việt Dũng
Theo Rossiskaya Gazeta