Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD: 'Lá chắn thép' cho phòng không Israel

Việc Mỹ chuyển giao Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Israel sẽ giúp nước này củng cố thêm năng lực phòng thủ, vốn được biết tới là một trong những hệ thống phòng thủ tiên tiến của thế giới.

Ngày 13-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ gửi hệ thống chống tên lửa tiên tiến có tên là hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) cho Israel nhằm tăng cường khả năng phòng không của Tel Aviv.

Việc chuyển giao là dấu hiệu cho thấy cả hai nước đang chuẩn bị cho nguy cơ Iran và phe trục kháng chiến sẽ phát động nhiều cuộc tấn công hơn nữa vào Israel.

Hệ thống THAAD là gì?

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD giúp bổ sung thêm một lớp bảo vệ nữa cho hệ thống phòng không nhiều lớp mà Israel đang sở hữu. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng cho biết sẽ triển khai khoảng 100 binh sĩ Mỹ tới Israel để vận hành THAAD - một diễn biến đưa quân đội Mỹ đến gần hơn với trung tâm những xung đột đang lan rộng ở Trung Đông.

“Đó là thông điệp chính trị Mỹ gửi đến Israel: Chúng tôi ở bên các bạn. Và đó cũng là lời cảnh báo của Washington tới các đối thủ” - theo ông Yehoshua Kalisky, một chuyên gia công nghệ quân sự tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (trụ sở Israel).

Dưới đây là một số thông tin về Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, theo tờ The New York Times.

THAAD là một hệ thống đánh chặn đất đối không di động, được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo đang bay tới. THAAD được phân loại là hệ thống tầm ngắn và tầm trung, có thể tấn công các mục tiêu bay tới cả trong và ngoài khí quyển Trái Đất.

 Một đơn vị Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một đơn vị Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hệ thống THAAD bao gồm năm phần: Tên lửa đánh chặn, bệ phóng, radar, bộ phận chỉ huy-kiểm soát và các thiết bị hỗ trợ khác.

Radar là bộ phận đáng chú ý nhất của THAAD. Theo đài CNN, ở chế độ thông thường, radar này có thể thu thập và theo dõi mục tiêu ở phạm vi lên đến 3.000 km.

THAAD là hệ thống động lực, nghĩa là hệ thống này tiêu diệt mục tiêu đang bay đến bằng cách va chạm với mục tiêu thay vì phát nổ khi mục tiêu sắp tới.

Theo công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin - nhà sản xuất của THAAD, chỉ có chín khẩu đội THAAD đang hoạt động trên thế giới. Quân đội Mỹ có bảy hệ thống THAAD, mỗi hệ thống gồm sáu bệ phóng gắn trên xe tải (với tám tên lửa đánh chặn), một hệ thống radar cùng một bộ phận điều khiển hỏa lực và liên lạc.

Hai hệ thống THAAD còn lại đang được sử dụng tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Hệ thống THAAD sẽ được sử dụng như thế nào?

Ông Fabian Hinz - chuyên gia về tên lửa và Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, Anh) - cho rằng vì có thể vươn tới trên bầu khí quyển, THAAD sẽ có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo phóng từ Iran và Yemen. Khí tài này cũng có thể bắn hạ tên lửa tầm ngắn hơn do nhóm vũ trang Hezbollah phóng vào Israel từ Lebanon.

Trong các cuộc tấn công gần đây vào Israel, Iran và phe trục kháng chiến đã sử dụng tên lửa hành trình có điều khiển và máy bay không người lái (UAV) với tầm bắn và tốc độ thấp hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo nhờ đó có thể vượt qua các hệ thống phòng không hiện có của Israel.

Theo chuyên gia, tầm hoạt động của THAAD sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chặn các mảnh vỡ tên lửa, UAV trước khi chúng rơi xuống đất gây thương vong cho người và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng.

“Chúng tôi đã thấy rằng chiến lược của Iran là bắn những loạt đạn lớn để áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel. Nếu bạn có thêm khả năng đánh chặn, điều đó khá hữu ích” - theo ông Hinz.

THAAD có gì khác các hệ thống phòng không khác của Israel?

Khác biệt chủ yếu nằm ở phạm vi hoạt động. Tầm bắn của hệ thống THAAD khoảng 200 km. Các bệ phóng và trung tâm chỉ huy của THAAD có thể được di chuyển đến các địa điểm khác nhau.

 Một đơn vị Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ

Một đơn vị Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ

Trong khi đó, David's Sling - một trong những hệ thống phòng thủ chính của Israel - có tầm bắn gần 300 km và là hệ thống phòng thủ cố định.

Một vũ khí khác trong hệ thống phòng không của Israel là hệ thống Arrow, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn và ở độ cao cao hơn, cũng như đánh chặn tên lửa đạn đạo chính xác hơn. Hệ thống Arrow gồm Arrow-2 (được triển khai vào năm 2000) và Arrow-3 (được triển khai vào năm 2017).

Arrow 2 có thể đánh chặn mục tiêu trên bầu khí quyển, với độ cao khoảng 50 km và tầm bắn khoảng 95 km. Nó có đầu đạn phân mảnh chứa đầy thuốc nổ có thể phát nổ gần tên lửa đang bay tới.

Arrow 3 có thể vượt ra ngoài bầu khí quyển với tầm bắn lên tới 2.400 km. Đây là một trong những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất của Israel và được sử dụng để chống lại các cuộc tấn công của Iran hôm 1-10. Cả Arrow 2 và Arrow 3 đều là bệ phóng di động trên mặt đất .

Cuối cùng là Iron Dome - hệ thống phòng không nổi tiếng nhất của Israel do được sử dụng nhiều hơn các hệ thống khác. Được trang bị tên lửa đánh chặn Tamir, hệ thống phòng không đa nhiệm này có thể bắn hạ tên lửa và pháo của đối phương ở khoảng cách khoảng 70 km.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ gửi hệ thống THAAD tới Israel. Một hệ thống THAAD đã được triển khai tại Israel vào năm 2019 để tập trận.

Ở những nơi khác, việc triển khai THAAD cũng được các đối thủ của Mỹ theo dõi chặt chẽ.

Năm 2017, việc Mỹ triển khai một hệ thống THAAD tới Hàn Quốc do quan ngại mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh lo ngại rằng hệ thống radar mạnh mẽ của THAAD có thể được sử dụng để do thám các hoạt động bên trong Trung Quốc.

Mỹ cũng đã triển khai THAAD tới Guam để bảo vệ các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương khỏi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/he-thong-phong-thu-ten-lua-thaad-la-chan-thep-cho-phong-khong-israel-post814981.html