Hệ thống thanh toán kỹ thuật số và lưới điện toàn khu vực ASEAN là chìa khóa liên kết khu vực

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhận định, một hệ thống thanh toán kỹ thuật số và lưới điện trải dài khắp tất cả các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính là chìa khóa để tạo nên mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia trong khối khu vực.

Thanh toán xuyên biên giới đang ngày càng phát triển rộng khắp ASEAN. Ảnh minh họa: Báo Lao động

Thanh toán xuyên biên giới đang ngày càng phát triển rộng khắp ASEAN. Ảnh minh họa: Báo Lao động

Nhận định được đưa ra khi các quốc gia ASEAN hiểu rõ rằng việc tăng cường các nỗ lực hội nhập đang ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc, rủi ro địa chính trị đang ngày càng gia tăng và điều này có khả năng làm gia tăng áp lực kinh tế bên ngoài.

Trong phát biểu bên lề Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại Langkawi (Malaysia) vào ngày 19/1 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tin tưởng: “Tuy ASEAN không thể kiểm soát chương trình nghị sự của các siêu cường, hay thậm chí là chương trình nghị sự của thế giới rộng lớn, nhưng khối khu vực có thể và nên tập trung vào việc hội nhập, củng cố nền kinh tế và khả năng kết nối của mình”.

Thúc đẩy tiến trình hội nhập ASEAN

Theo thông tin cập nhật trên trang CNA, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN là cuộc họp cấp cao đầu tiên do Malaysia đăng cai tổ chức với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2025. Hội nghị được tổ chức với chủ đề: “Bao trùm và Bền vững”.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh, hội nghị chính là cơ hội để ASEAN chứng minh rằng khối có “cách tiếp cận tập thể để hoàn thành mọi việc” và ông cũng trích dẫn những nỗ lực của khối trong việc tích hợp các hệ thống thanh toán kỹ thuật số như một ví dụ về sự hội nhập và tiềm năng của khối.

Theo Dự án Nexus, các ngân hàng trung ương của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Ấn Độ đã hợp tác để tạo ra mạng lưới toàn cầu cho các khoản thanh toán xuyên biên giới được thực hiện tức thời.

Trong nền kinh tế số rộng lớn hơn, ASEAN đang tìm cách hiện thực hóa một hiệp định toàn khối là Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA).

Được biết, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia đã kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường cam kết hoàn tất đàm phán DEFA vào cuối năm 2025. Trong đó, DEFA được coi là thỏa thuận kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới. Sáng kiến này nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ASEAN thành nền kinh tế số hàng đầu, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn và mở đường cho hội nhập số sâu rộng, cũng như tăng trưởng và phát triển toàn diện.

Theo Tập đoàn Boston Consulting Group, ASEAN là thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới, với khoảng 125.000 người dùng mới tham gia mỗi ngày. Nền kinh tế số của khối dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần từ khoảng 300 tỷ USD lên gần 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Thiết lập lưới điện cho khu vực

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cũng đã đạt được nhiều thành quả trong các cuộc đàm phán nhằm thiết lập lưới điện ASEAN. Hiện khối đang thảo luận về việc phát triển mạng lưới hiện tại thành hệ thống lưới điện Đông Nam Á hoàn toàn tích hợp nhằm mục tiêu cho phép chia sẻ năng lượng và tăng cường thương mại điện xuyên biên giới.

“Tất cả chúng ta đều có cam kết chung là làm cho hệ thống lưới điện ổn định hơn, tiết kiệm chi phí hơn và xanh hơn. Và chúng ta biết rằng khi thiết kế các hệ thống này, khả năng cao sẽ kết hợp được nhiều hệ thống khác lại với nhau. Nếu việc kết hợp được thực hiện một cách cẩn thận và có cấu trúc thì càng tốt”, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định.

Theo Bộ trưởng Balakrishnan, đây là một ví dụ về một dự án dài hạn, là cơ hội để khối ASEAN chứng minh rằng khu vực có thể thực hiện một cách tiếp cận tập thể nhằm hoàn thành mọi việc, qua đây, yêu cầu các thành viên phải có “chế độ quản lý” đáng tin cậy và mối quan hệ ngoại giao tốt.

“Tôi coi đây là biểu tượng quan trọng của tiến trình hội nhập ASEAN và tiềm năng của ASEAN trong tương lai”, ông Vivian Balakrishnan chia sẻ.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 2024 diễn ra tại Lào, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết để đạt được mục tiêu lưới điện ASEAN theo kế hoạch, các nước thành viên cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và thương mại rõ ràng cho hoạt động thương mại năng lượng xuyên biên giới.

Khi ASEAN nỗ lực tạo ra khuôn khổ phát triển cáp điện ngầm vào cuối năm 2025, các quốc gia thành viên có thể tham khảo khuôn khổ khu vực hiện có về cáp quang.

Bên cạnh đó, khối cũng nên tận dụng sự quan tâm của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác bên ngoài để mang lại nguồn tài chính cho lưới điện khu vực.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/he-thong-thanh-toan-ky-thuat-so-va-luoi-dien-toan-khu-vuc-asean-la-chia-khoa-lien-ket-khu-vuc-150229.html