Hệ thống tòa án chống tham nhũng chuyên biệt ở Zimbabwe
Tham nhũng ở Zimbabwe, cũng như ở nhiều quốc gia khác, vừa là vấn nạn mang tính đặc hữu vừa là vấn đề mang tính thể chế. Bao gồm cả tham nhũng vặt và tham nhũng chính trị, đây là một trong những thách thức phát triển lớn mà quốc gia này phải đối mặt. Trong nỗ lực tăng cường các biện pháp chống tham nhũng, kể từ năm 2018, Chính phủ Zimbabwe đã thành lập một loạt tòa án chống tham nhũng chuyên biệt. Đây được coi là một bước tiến tích cực trong việc xét xử các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải áp dụng các biện pháp để nâng cao hiệu quả của các tòa án này.
Bước tiến kịp thời
Zimbabwe là một trong những nước phải đối mặt với nạn tham nhũng nghiêm trọng. Trong Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2020 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Zimbabwe có thứ hạng khá thấp khi chỉ đạt 24 điểm/100 điểm và xếp hạng 157/180 quốc gia. Ủy ban Chống tham nhũng Zimbabwe (ZACC) và Cơ quan Truy tố Quốc gia (NPA) được thành lập vào năm 2013 và là các tổ chức chính được ủy quyền chống tham nhũng trong nước.
Trong nỗ lực tăng cường các biện pháp chống tham nhũng, kể từ năm 2017, Chính phủ Zimbabwe đã thông qua các khuôn khổ thể chế và chính sách chống tham nhũng bổ sung. Chúng bao gồm Đơn vị Chống Tham nhũng Đặc biệt (SACU) và một loạt tòa án chống tham nhũng mới, chuyên biệt.
SACU, trực thuộc Văn phòng Tổng thống và Nội các, do Tổng thống Emmerson Mnangagwa thành lập vào năm 2018, để nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống tham nhũng, vừa củng cố và nâng cao hiệu quả của các cơ chế quốc gia để phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Các điều khoản tham chiếu của nó không được biết đến rộng rãi, khiến nhiệm vụ của nó có phần không rõ ràng. Điều này đã dẫn đến những lời chỉ trích rằng SACU trùng lặp nhiệm vụ với các cơ quan chống tham nhũng khác của nhà nước, chẳng hạn như ZACC và NPA.
Cùng năm đó, các tòa án chống tham nhũng chuyên biệt đã được thành lập thí điểm tại hai thành phố lớn của đất nước, Harare và Bulawayo. Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc chính thức năm 2018, Chánh án Luke Malaba đã chỉ ra rằng “quyết định thành lập các tòa án chuyên ngành là một bước tiến mới kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng”. Tính đến tháng 12.2020, các tòa án chống tham nhũng chuyên biệt đã được thành lập ở tất cả 10 thành phố của Zimbabwe.
Hiệu quả còn hạn chế
Số liệu thống kê thu được từ Ủy ban Dịch vụ Tư pháp (JSC) cho thấy trên toàn quốc, bộ phận Tòa án Chống tham nhũng của Tòa án Cấp cao đã tiếp nhận 66 vụ việc vào năm 2020. Tính đến ngày 31.12.2020, 52 vụ việc trong số này đã được hoàn tất giải quyết. Tòa Sơ thẩm đã tiếp nhận 91 vụ án tham nhũng và tính đến ngày 31.12.2020, 81 vụ đã được hoàn tất giải quyết.
Có ý kiến cho rằng những số liệu thống kê này minh họa hiệu quả của các tòa án chuyên biệt, nhưng một số chuyên gia lại chỉ ra rằng đây là sự thất bại của các tòa án này trong việc kết luận các trường hợp tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng ở một quốc gia có mức độ tham nhũng lớn như Zimbabwe thì các tòa án chống tham nhũng chuyên biệt nên tập trung vào việc xử lý những vụ án liên quan đến các quan chức nhà nước cấp cao, bên cạnh đó các trường hợp tham nhũng vặt khác nên được xử lý tại các tòa án hình sự thông thường.
Việc thành lập các tòa án chống tham nhũng chuyên biệt được xem là một tín hiệu cải thiện đáng kể khả năng của Chính phủ Zimbabwe trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức phía trước, đặc biệt là vẫn tồn tại một số trường hợp, cụ thể là những vụ án liên quan đến các quan chức cấp cao dường như mất rất nhiều thời gian để xét xử. Ví dụ, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Obediah Moyo, lần đầu tiên xuất hiện tại tòa án vào ngày 20.6.2020 về các cáo buộc tham nhũng trong mua sắm công. Tuy nhiên đến nay, vụ việc của ông vẫn đang trong quá trình chờ xử lý. Tương tự, cựu Bộ trưởng Prisca Mupfumira, người đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng, xuất hiện trước tòa án vào ngày 26.7.2019 nhưng sau gần hai năm, vụ án này cũng chưa được giải quyết. Sự chậm trễ trong việc hoàn thành các vụ án đã làm công chúng mất niềm tin vào khả năng của các tòa án chống tham nhũng chuyên biệt. Một số chuyên gia cho rằng sự chậm trễ có thể được hạn chế bằng cách sửa đổi hoặc tạo ra các Quy tắc mới cho các tòa án chống tham nhũng để quy định thời hạn xử lý các vụ án tham nhũng. Những người ủng hộ quan điểm này nói rằng các vấn đề tham nhũng nên được xử lý trong vòng sáu tháng.
Tham nhũng về bản chất là một tội phạm phức tạp và nguy hiểm. Do đó, mặc dù Zimbabwe có các cán bộ tư pháp có đủ năng lực để xét xử và truy tố các vụ án hình sự nói chung, nhưng họ vẫn cần phải cải thiện thêm chuyên môn của các bên liên quan như các điều tra viên, công tố viên và thẩm phán khi đối phó với tội phạm tham nhũng. Năm 2018, Ủy ban Luật gia Quốc tế với sự tài trợ của Liên minh châu Âu đã hợp tác với JSC để tổ chức một hội thảo nâng cao năng lực phòng chống tham nhũng cho các cán bộ tư pháp. Nhiều chuyên gia cho rằng sẽ rất hữu ích khi mở rộng các sáng kiến xây dựng năng lực ở quy mô tương tự dành cho các điều tra viên và công tố viên.
Việc thành lập các tòa án chống tham nhũng chuyên ngành ở Zimbabwe là một bước tiến tích cực trong việc xét xử các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải áp dụng các biện pháp để nâng cao hiệu quả của các tòa án chống tham nhũng. Trong đó, nên tập trung cải thiện năng lực, chuyên môn của điều tra viên, kiểm sát viên và các cán bộ tư pháp điều hành tòa án phòng chống tham nhũng chuyên biệt. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng Nhà nước và xây dựng, áp dụng các khuôn khổ thể chế cần thiết để bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách toàn diện.