Hệ thống trường quốc tế bùng nổ tại UAE
Nhu cầu giáo dục chất lượng cao sẽ thúc đẩy sự gia tăng của các trường quốc tế ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong vòng 5 năm tới.
Các trường quốc tế ngày càng tăng tại UAE
Theo báo cáo của công ty tư vấn tài chính Alpen Capital, trụ sở tại thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết, khoảng 150.000 học sinh sẽ đăng ký vào các trường phổ thông tại UAE vào năm 2027 khi dân số nước này tăng lên. Điều này sẽ kéo theo giáo dục quốc tế sẽ "bùng nổ" tại quốc gia với số lượng các trường quốc tế sẽ "mọc lên như nấm".
Ông Krishna Dhanak - Giám đốc điều hành tại Alpen Capital cho biết, các trường học ở UAE dự kiến sẽ tăng từ 1.258 trường vào năm 2022 lên 1.308 trường vào năm 2027. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 50 trường phổ thông mới sẽ được thành lập trong 5 năm, trong đó nhiều trường đào tạo theo mô hình quốc tế.
Trước xu hướng trên, ông Krishna Dhanak khuyến nghị UAE cần tăng cường cơ chế tuyển dụng và trả lương cho giáo viên. Tuy nhiên, việc tuyển dụng và duy trì đội ngũ nhân viên chất lượng cao giúp nâng cao tiêu chuẩn giáo dục trong nước được coi là một thử thách.
"Để thu hút những nhân tài ngành Sư phạm và giữ chân những giáo viên giỏi, nhiều trường quốc tế tại UAE bắt đầu tung ra các gói đãi ngộ hậu hĩnh, cung cấp nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn như thăng chức. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ ngày càng phát triển trong tương lai", ông Krishna Dhanak nói.
Các nhà giáo dục dự đoán trong xu hướng giáo dục tăng trưởng như hiện nay, UAE cần hàng nghìn giáo viên, nhân viên giáo dục trong 5 năm tới.
Một cuộc khảo sát do Công ty Zurich International Life và YouGov công bố trước đó đã tiết lộ rằng, các bậc cha mẹ ở UAE đã chi khoảng 25.000 USD/năm để đầu tư giáo dục cho con cái, trong khi đó thu nhập của những cha mẹ làm việc trong cơ quan nhà nước chỉ khoảng 13.000 USD/năm.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, khoảng 80% các gia đình ở UAE dành 40% thu nhập hàng tháng của họ để trả học phí cho con mình với chi phí giáo dục trung bình khoảng hơn 12.000 USD/năm.
Vì sao các trường quốc tế ngày càng tăng?
Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC) là một liên minh kinh tế bao gồm sáu quốc gia ở bán đảo Ả Rập: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar.
Giám đốc Krishna Dhanak cho biết, nhu cầu chất lượng giáo dục cao sẽ thúc đẩy sự gia tăng của các trường quốc tế ở UAE và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Bởi khu vực này sẽ cần khoảng 1.100 trường học trong 5 năm tới.
Theo tổ chức tài chính Alpen Capital ở Dubai, dự kiến số lượng học sinh trong khu vực GCC sẽ tăng từ mức 13,1 triệu vào năm 2022 lên 14,2 triệu vào năm 2027. Như vậy, trong vòng 5 năm tới sẽ có thêm 1,1 triệu học sinh trong khu vực GCC.
Trong số các quốc gia thuộc GCC, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có tốc độ tăng trưởng tuyển sinh cao nhất. Cụ thể, tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,1% (từ năm 2016 đến năm 2021). Theo sau là Qatar, Bahrain và Oman.
Năm 2021, số lượng học sinh, sinh viên đăng ký vào hệ thống giáo dục phổ thông (cấp học từ mầm non cho đến khối 12) và đại học trên khắp UAE đạt hơn 1,5 triệu, tăng thêm 1,2 triệu so với năm 2016.
Thị trường giáo dục trong khu vực GCC dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 0,7%. Điều này sẽ kéo theo phải thành lập thêm khoảng 1.127 trường để đạt 35.208 trường học vào năm 2027.
Dân số trong độ tuổi đi học ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người cao, phân bổ ngân sách lớn và các sáng kiến thuận lợi của chính phủ được kỳ vọng ngành giáo dục toàn khu vực GCC sẽ phát triển và tăng trưởng trong tương lai.
Giai đoạn năm 2022-2027, khu vực GCC dự kiến phân khúc mầm non và đại học sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với các phân khúc khác.
Trong giai đoạn 2022-2027, tuyển sinh K-12 (cấp học từ mầm non cho đến khối 12, hay còn được gọi là hệ giáo dục phổ thông) trong khu vực GCC dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 1,5% để đạt 11,7 triệu vào năm 2027.
Sameena Ahmad, Giám đốc điều hành Alpen Capital, cho biết số lượng học sinh, sinh viên trong khu vực GCC đã tăng hơn nửa triệu trong 5 năm qua. Vì vậy, dân số trong độ tuổi đi học ngày càng tăng, các chính sách đầu tư công nghệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để ngành Giáo dục ngày một phát triển.
"Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận giảm dần theo thời gian và xảy ra xói mòn lợi nhuận, thiếu giáo viên có trình độ cao và cạnh tranh việc làm ngày càng gay gắt là một số thách thức cản trở sự phát triển của ngành Giáo dục", bà Sameena Ahmad nói thêm.
Nguồn: Khaleej Times