Hệ thống tư pháp phải gần dân, bảo vệ dân

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, phải xây dựng hệ thống pháp luật sao cho mọi người dân đều hiểu được pháp luật và tự giác thực hiện đúng pháp luật

Chiều 8-5, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND và Luật Thanh tra (sửa đổi).

Bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Phát biểu ý kiến tại Đoàn Đại biểu QH TP HCM, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết về cơ bản, ông đồng tình với tờ trình các dự án Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND.

Trong điều kiện mới như hiện nay, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu QH đóng góp ý kiến để các luật này đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát triển trong thời gian tới. "Mục tiêu là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN do dân, vì dân" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước, nhà nước pháp quyền phải dựa trên Hiến pháp, pháp luật. Luật Tổ chức TAND, dự án Luật Tổ chức VKSND phải tuân thủ theo Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.

Chủ tịch nước đặt vấn đề: "Trong dự thảo nói rất nhiều nhưng tổ chức bộ máy quy định như vậy đã ổn chưa? Số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?".

Theo Chủ tịch nước, mục đích khi sửa luật là phải đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả khi thời gian tới đây, tổ chức bộ máy ở địa phương chỉ còn 2 cấp; cả nước còn 34 tỉnh, thành. "Mục tiêu của chúng ta, kể cả các cơ quan tư pháp, là phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân và khắc phục được những vướng mắc, tồn tại hiện nay và đáp ứng nhu cầu trong kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng" - Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh hệ thống pháp luật không chỉ là xử lý những người vi phạm, mà cái chính là để giáo dục; để mọi cán bộ, công chức, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu được pháp luật và tự giác thực hiện pháp luật. "Trong quá trình thực thi các quy định, vướng mắc phải sửa, nhưng sửa làm sao để được cho đất nước, được cho Đảng và được người dân đồng thuận" - Chủ tịch nước lưu ý.

Sáng cùng ngày, khi trình bày tờ trình trước QH, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho hay dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện. Mô hình tổ chức hệ thống tòa án gồm: TAND Tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND khu vực. Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của TAND khu vực, trong đó quy định tại các TAND khu vực có các tòa chuyên trách gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Bổ sung quy định tại một số TAND khu vực có Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ QH quy định.

TAND Tối cao dự kiến tổ chức 3 Tòa Phá sản tại 3 TAND khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM; tổ chức 2 Tòa Sở hữu trí tuệ tại 2 TAND khu vực ở Hà Nội và TP HCM.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu ý kiến khi thảo luận tổ tại Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCMẢnh: Văn Duẩn

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu ý kiến khi thảo luận tổ tại Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCMẢnh: Văn Duẩn

Chấm dứt thanh tra, kiểm tra chồng chéo

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 9 chương và 64 điều - đã bỏ 54 điều so với luật hiện hành; quy định về thanh tra bộ; thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ; cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện; tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Dự thảo luật cũng quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như luật hiện hành.

Việc lược bỏ 54 điều đã cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính. Đồng thời, dừng hoạt động của 12 thanh tra bộ, 5 thanh tra tổng cục và cục thuộc bộ, thanh tra BHXH Việt Nam, 696 thanh tra huyện, 1.001 thanh tra sở và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Dù vậy, khi thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết về thời hạn thanh tra, Điều 20 quy định thời hạn thanh tra nói chung và tất cả các bước trong trình tự, thủ tục thanh tra chuyển toàn bộ từ "ngày" thành "ngày làm việc" mà chưa lý giải rõ, thấu đáo lý do.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy với sự thay đổi này, thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra sẽ kéo dài hơn rất nhiều. Ví dụ, thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành hiện nay là không quá 60 ngày nhưng theo dự thảo luật thì không quá 60 ngày làm việc, tương đương 84 ngày (12 tuần), tăng 40%. Nếu tính cả 2 lần gia hạn thì thời hạn tối đa của một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành sẽ là 120 ngày làm việc, tương đương 24 tuần (6 tháng) là quá dài.

Theo ông Tùng, điều này có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, chưa phù hợp với chủ trương "trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính…" mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quán triệt thời gian qua. Do đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị ban soạn thảo cân nhắc không thay đổi đơn vị tính "ngày" thành "ngày làm việc" như đề xuất trong dự thảo luật.

Thảo luận tại tổ về Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, cho rằng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rõ chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp (DN), trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc DN vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN…

Ngoài ra, triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các DN tuân thủ tốt quy định pháp luật. Do đó, đại biểu Thi đề nghị khi sửa đổi Luật Thanh tra cần cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết 68.

Về hình thức thanh tra, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) bày tỏ đồng tình với quy định về thanh tra đột xuất. Tuy nhiên, với hoạt động thanh tra theo kế hoạch, đại biểu cho rằng cần quy định rõ chu kỳ thực hiện, bao lâu thanh tra một lần, để tránh gây khó khăn cho cơ quan, đơn vị bị thanh tra nếu phải tiếp đón đoàn quá thường xuyên...

Hôm nay 9-5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đề xuất mô hình VKS 3 cấp

Đại biểu Dương Văn Thăng - Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương - đồng thuận tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao từ 13 - 17 người lên 23 - 27 người để bảo đảm khối lượng công việc tăng thêm và chất lượng xét xử.

Trong khi đó, dự án Luật Tổ chức VKSND đề xuất mô hình VKS 3 cấp, trong đó bỏ VKSND cấp cao, cấp huyện và chỉ còn VKSND Tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực, VKS quân sự các cấp. Đồng thời, dự luật cũng sửa đổi về số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người.

Lo "trăm hoa đua nở" kiểm tra chuyên ngành

Theo đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk), khi chuyển các hoạt động thanh tra chuyên ngành sang hoạt động kiểm tra thì những quy định, thể chế liên quan kiểm tra chuyên ngành lại đang "rất thiếu vắng". Ông Thành đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu để có thể quy định trong luật hoặc ban hành các văn bản như nghị định quy định về hoạt động kiểm tra.

"Khi chúng ta thay các hoạt động thanh tra chuyên ngành trước đây bằng hoạt động kiểm tra chuyên ngành mà quy trình thủ tục không có thì rất nguy hiểm, bởi ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tượng thanh tra và lúc đấy thì lại dễ thành "trăm hoa đua nở", mỗi cơ quan, mỗi bộ, ngành lại theo một quy trình thì sẽ không bảo đảm tính thống nhất" - đại biểu Thành lo ngại.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/he-thong-tu-phap-phai-gan-dan-bao-ve-dan-196250508220738146.htm