Hệ thống y tế của Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn do bệnh nhân COVID-19 tăng cao
Làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang diễn ra tại Mỹ hiện nay, chủ yếu do biến thể Omicron, đang đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế nước này.
Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 132.646 ca mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị, vượt mốc cao kỷ lục 132.051 ca hồi tháng 1/2021. Số ca nhập viện ở nước này đã tăng liên tục kể từ cuối tháng 12 năm ngoái và lên gấp đôi trong 3 tuần gần đây trong bối cảnh Omicron nhanh chóng vượt Delta trở thành biến thể chủ đạo tại Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng Omicron có thể gây ra 95% số ca nhiễm mới ở Mỹ.
Mặc dù các nghiên cứu sơ bộ cho thấy Omicron không gây bệnh nặng như các biến thể trước đó, song CDC Mỹ cảnh báo số ca nhiễm mới tăng nhanh do biến thể Omicron có thể gây áp lực đối với các bệnh viện do phải tiếp nhận số bệnh nhân tăng cao trong bối cảnh thiếu nhân viên y tế.
Theo Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS), khoảng 24% trong số 5.000 bệnh viện tại nước này thông báo tình trạng “thiếu nhân viên y tế trầm trọng” do họ cũng bị mắc bệnh hoặc phải cách ly. Trong khi đó, hơn 100 bệnh viện tại Mỹ cho biết sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế vào tuần tới. Đây là tình trạng thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng nhất tại Mỹ kể từ khi HHS công bố dữ liệu liên quan hồi tháng 11/2020. Trước tình hình trên, ít nhất 10 bang của Mỹ phải triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia nhằm hỗ trợ các bệnh viện bị quá tải. Thống đốc bang Virginia đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp đối với hệ thống bệnh viện trên toàn bang, có hiệu lực trong 30 ngày.
Trong khi đó, số trẻ em nhập viện vì COVID-19 cũng tăng kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát. Tại Bệnh viện Nhi Los Angeles, tỷ lệ trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 tăng từ 17,5% trong tháng 12/2021 lên 45% trong tháng 1/2022.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Washington, Nhà Trắng thông báo người dân nước này bắt đầu có thể đặt các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí qua một trang web của liên bang vào cuối tháng này. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất sinh phẩm xét nghiệm nhanh và hy vọng sẽ đạt được hợp đồng mua các sinh phẩm xét nghiệm này trong 2 tuần tới. Nhà Trắng cũng cam kết sẽ cung cấp 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho tất cả người dân Mỹ trong tháng này.
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ ở mức cao nhất thế giới, với 1,35 triệu ca. Thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cũng cho thấy số ca mắc mới tại nước này trong tuần qua đã lập "kỷ lục buồn" và số ca nhiễm mới tại khoảng 40 bang gần đạt đỉnh. Cụ thể, trong tuần (từ ngày 2-8/1), Mỹ ghi nhận gần 5 triệu ca nhiễm mới, mức kỷ lục tính theo tuần kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Trung bình mỗi ngày, Mỹ ghi nhận 700.000 ca mắc mới, cao gấp 3 lần so với mốc kỷ lục 250.000 ca/ngày của một năm trước. Con số trên thực tế có thể cao hơn do nhiều người chưa xét nghiệm do các điểm xét nghiệm bị quá tải. Số ca tử vong trong tuần trước cũng lên tới 11.000 ca, có nghĩa mỗi ngày nước Mỹ có tới 1.600 người không qua khỏi, cao hơn 1.250 ca ghi nhận một tuần trước đó.
Bất chấp số ca nhiễm mới ngày một tăng, vẫn còn ít nhất 65,5 triệu người dân Mỹ đủ điều kiện chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Do đó, giới chức y tế nước này đang kêu gọi những người chưa tiêm vaccine sớm đi tiêm phòng và những người đã tiêm đủ liều cơ bản sớm tiêm mũi tăng cường.
Cũng trong ngày 10/1, CDC Mỹ khuyến cáo người dân không nên đến Canada sau khi nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 4 - mức rất cao đối với Canada - một trong những điểm đến chủ yếu của người dân Mỹ. CDC Mỹ hiện đang liệt kê khoảng 80 điểm đến trên toàn thế giới ở cấp độ 4.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Canada đã ghi nhận trên 2,5 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 30.700 ca tử vong. Tháng 12/2021, Chính phủ Canada đã kêu gọi người dân không đi ra nước ngoài nếu không thật sự cần thiết.