Hẹn hò với AI, robot..., bạn có bớt cô đơn?

AI có thể tạo ra một môi trường trò chuyện không phán xét và không gây tổn thương, song vẫn còn những vấn đề về đạo đức, tâm lý và pháp lý.

Trong một thế giới đang phát triển không giới hạn, con người có xu hướng dựa vào công nghệ, không chỉ để làm việc, mà còn để tìm kiếm sự an ủi và kết nối.

Một trong những câu chuyện gây xôn xao dư luận vài năm trước, là một người đàn ông Nhật Bản tên Akihiko Kondo đã tổ chức lễ cưới đặc biệt với người vợ ảo Hatsune Miku.

Akihiko Kondo giơ nhẫn cưới trong hôn lễ với người "vợ ảo" - Ảnh: Tư liệu

Akihiko Kondo giơ nhẫn cưới trong hôn lễ với người "vợ ảo" - Ảnh: Tư liệu

Miku là ca sĩ ảo nổi tiếng, được tạo hình với đôi mắt to tròn và hai bím tóc dài màu xanh ngọc. Dù cuộc hôn nhân không được luật pháp công nhận nhưng Kondo nói rằng rằng quan hệ này giúp anh vượt qua cảm giác cô đơn ở giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời và tìm thấy niềm hạnh phúc khó có thể có trong cuộc sống thực.

Tại Mỹ, ông Scott đã tạo ra chatbot AI tên Sarina để tâm sự khi bản thân đang vật lộn với việc chăm con nhỏ cùng người vợ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Scott nói ông biết rõ đây là chatbot nhưng cách nói chuyện giống con người của nó khiến ông có cảm giác như "một người đang khát nhận được một ly nước mát".

Trong khi đó, ở Trung Quốc, Zheng Jiajia, một kỹ sư từng làm việc tại Huawei, đã kết hôn với một robot mà anh tự chế tạo, sau khi thất bại trong việc tìm kiếm 1 người bạn đời.

Lễ cưới diễn ra long trọng với đầy đủ nghi lễ theo phong tục truyền thống, cùng sự tham dự của mẹ anh và bạn bè tại Hàng Châu.

Anh Zheng bế "cô dâu" trùm khăn đỏ che mặt trong lễ cưới của mình - Ảnh: Tư liệu

Anh Zheng bế "cô dâu" trùm khăn đỏ che mặt trong lễ cưới của mình - Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, việc con người tìm đến AI và robot để giải tỏa nỗi cô đơn cũng đặt ra nhiều câu hỏi về mặt đạo đức và tâm lý. Nhiều nghiên cứu chỉ ra mặc dù AI có thể giúp giảm bớt cảm giác cô đơn tạm thời, nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn mối quan hệ giữa con người với con người.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An thừa nhận AI có thể tạo ra một môi trường trò chuyện không phán xét và không gây tổn thương. Bởi vì, nó được lập trình để lắng nghe, thấu hiểu; mang lại cảm giác được quan tâm, đồng hành; không gây ra xung đột, bất đồng như các mối quan hệ thực tế.

Dẫu vậy, cũng theo TS Đào Lê Hòa An, có nhiều rủi ro nếu người dùng quá phụ thuộc vào công nghệ. Đó là sự xa lánh các mối quan hệ trong đời thực, giảm khả năng xây dựng mối quan hệ thực tế, thiếu kỹ năng xã hội...

TS Hòa An còn cho rằng mối quan hệ với AI có thể không thực sự có sự tương tác và phản hồi như mối quan hệ với con người thật sự. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong việc hỗ trợ, chăm sóc tâm lý người dùng.

"Bên cạnh đó, việc sử dụng AI trong các mối quan hệ có thể gây ra lo ngại về quyền riêng tư và an toàn dữ liệu cá nhân. Thông tin nhạy cảm có thể bị thu thập và sử dụng không đúng mục đích" - TS Đào Lê Hòa An lưu ý.

Vậy, tình yêu với AI và robot có thực sự giúp bạn bớt cô đơn? Đây vẫn là một câu hỏi mở và câu trả lời sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân, cũng như cách họ sử dụng công nghệ trong cuộc sống hằng ngày.

Hải Yến - Hoài Dương – Vệ Loan

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hen-ho-voi-ai-robot-ban-co-bot-co-don-196240717120137151.htm